|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn - Bài 1: Nền tảng công nghệ cao TP HCM

22:30 | 13/02/2024
Chia sẻ
Sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ đến Việt Nam vào tháng 9/2023, Việt Nam được dự báo sẽ trở thành một trong những quốc gia chủ chốt của ngành công nghiệp bán dẫn vi mạch.

Một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới cũng đến tìm hiểu cơ hội, đầu tư vào lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.

Nghiên cứu sinh thực hiện nghiên cứu thiết kế tại Phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Những năm gần đây, việc phát triển lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn đang được triển khai tại Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh. Cùng với thu hút đầu tư, Khu Công nghệ cao đã hình thành Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn trong năm 2023, được xem là bước đi cần thiết để chuẩn bị nhân lực cho lĩnh vực nhiều tiềm năng này.

Không chỉ Tp. Hồ Chí Minh, các địa phương như Đồng Nai, Bình Dương cũng đã hợp tác với doanh nghiệp để chuẩn bị nhân lực cho ngành công nghiệp này.

Bài 1: Nền tảng công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh

Việc phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam là một yêu cầu cấp thiết, bởi đây là ngành công nghiệp quan trọng, có vai trò to lớn trong sự phát triển của kinh tế - xã hội. Với nền tảng xây dựng hơn 20 năm qua, Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ là cái nôi cho lĩnh vực này.

Những bước khởi đầu

Tại Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh, hiện tại có hơn 160 dự án đầu tư còn hiệu lực, với nhiều dự án của các tập đoàn đa quốc gia. Khu hướng tới mục tiêu trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong khu vực và thu hút đầu tư trong và ngoài nước; trong đó, lĩnh vực vi mạch bán dẫn được quan tâm hàng đầu.

Ngay tháng 11/2023, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh đã trao chứng đầu tư vào lĩnh vực vi mạch bán dẫn cho BE Semiconductor Industries N.V (Công ty BESI) của Hà Lan, tổng vốn hơn 115 tỷ đồng (tương đương 4,9 triệu USD), dự kiến hoạt động trong quý I/2025. Để chuẩn bị cho việc vận hành nhà máy tại Việt Nam, Công ty BESI  dự kiến tuyển dụng và đào tạo nhân sự trong 2-3 năm tới. Dự án có quy mô không quá lớn nhưng là bước khởi đầu quan trọng để phát triển lĩnh vực này tại Khu Công nghệ cao.

Trong những ngày cuối năm 2023, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ cùng các doanh nghiệp hàng đầu như Intel, Synopsys, Ampere Computing, Marvell... cũng đến thăm và làm việc tại Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh để tìm hiểu về hạ tầng phát triển công nghệ cao; trong đó, có công nghiệp bán dẫn mà Hoa Kỳ đang đặc biệt quan tâm.

Ông John Neuffer, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) đánh giá cao mô hình đào tạo của Việt Nam, coi đây là mô hình có ý nghĩa quan trọng trong phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Với Khu Công nghệ cao, ông Jonh Neuffer cho rằng, đây là môi trường tốt nhất cho ngành vi mạch bán dẫn với các thuận lợi như vị trí chiến lược giao thông kết nối, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, chính sách ưu đãi linh hoạt.

Các chuyên gia phân tích, trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn của Việt Nam giai đoạn tới là phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước mạnh. Việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phải có chủ đích và được chọn lọc nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển doanh nghiệp trong nước.

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh cho biết, ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu đã tăng trưởng 14% mỗi năm từ năm 2001 đến nay và vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Ngành này cần bổ sung gần 1 triệu nhân lực. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực và thế giới, lọt Top 5 thế giới vào năm 2030, với nhu cầu nhân lực cho ngành này khoảng 50.000 người.

Thời gian qua, Khu Công nghệ cao đã hợp tác với Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, cùng các viện trường triển khai các hoạt động R&D (nghiên cứu phát triển), đào tạo, ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao. Một số kết quả bước đầu đạt được như cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp, đào tạo và tái đào tạo. Điều này giúp Khu hình thành và phát triển năng lực nội sinh về công nghệ cao cho thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

“Khu vực Đông Nam bộ của Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành vi mạch bán dẫn. Để tận dụng cơ hội, Tp. Hồ Chí Minh cần đào tạo nâng cao kỹ năng cho khoảng 40.000 kỹ sư từ nay đến năm 2030, tức khoảng 6.000 kỹ sư/năm. Kế đến là tỉnh Bình Dương cũng có nhiều tiềm năng để phát triển nhân lực cho ngành này”, ông Nguyễn Anh Thi chia sẻ.

Buổi họp trao đổi về đề tài nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Xây dựng nền tảng

Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh xác định tầm nhìn đến năm 2045 sẽ trở thành tiểu đô thị khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Trọng tâm giai đoạn tới là phát triển năng lực nội sinh, tập trung vào phát triển các ngành, lĩnh vực có tính nền tảng, tác động lan tỏa cao ở tầm quốc gia, gắn với các hệ sinh thái ngành mạnh đã hình thành tại đây.

Theo ông Nguyễn Anh Thi, điều này sẽ giúp tận dụng triệt để cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trên cơ sở khai thác thế mạnh về nguồn ngân lực trình độ cao, tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Không thể công nghiệp hoá nếu không có ngành thiết kế vi mạch, vì đó là xương sống của ngành công nghiệp thời 4.0 và về sau nữa. Do đó, Khu đặt rất nhiều tâm huyết cho nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này.

Với Nghị quyết số 98/2003/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh, chính quyền Thành phố đang tiếp tục nghiên cứu phát triển hơn nữa hạ tầng khoa học công nghệ, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của quốc gia, mang tầm cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Để chuẩn bị cho bước đi mạnh mẽ này, tháng 8/2022, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao hợp tác với doanh nghiệp thành lập Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch (SCDC). Ngay sau đó, Khu Công nghệ cao tiếp tục hình thành Trung tâm Đào tạo điện tử quốc tế (IETC) vào tháng 3/2023 trên cơ sở hợp tác giữa Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao và Công ty cổ phần Tập đoàn Sun Electronics.

Đây là hai trung tâm hợp thành hệ sinh thái đào tạo hoàn chỉnh tại Khu Công nghệ cao, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hai công đoạn ưu tiên phát triển của Việt Nam là thiết kế vi mạch và ứng dụng vi mạch. Vừa qua, Khu Công nghệ cao đã hợp nhất SCDC và IETC thành một trung tâm có quy mô lớn hơn là Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn (ESC).

Theo kế hoạch, Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ góp phần giúp Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Để có được đội ngũ này, phải huy động các trường đại học lớn, có uy tín vào cuộc. “Đến nay, hầu hết các trường đều cam kết tham gia. Hy vọng Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao sẽ là nơi hội tụ các nguồn lực để phục vụ cho nhiệm vụ này”, ông Nguyễn Anh Thi kỳ vọng.

Gắn bó với lĩnh vực vi mạch tại Việt Nam từ rất lâu, Giáo sư Đặng Lương Mô (Cố vấn tại Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh) khẳng định vi mạch có vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước. Đây là cơ hội lần thứ 3 để Việt Nam có thể phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và công nghiệp chế tạo. Để có thể tận dụng cơ hội, cần phải có nhân lực chất lượng cao.

Theo Giáo sư Đặng Lương Mô, ngoài đào tạo kỹ sư, phải có năng lực để có những “tín hiệu mới” về vi mạch. Nhiều trường Đại học ở Việt Nam được đánh giá cao trong đào tạo nhân lực chất lượng cao cung cấp cho nhiều nước. Đó chính là “tín hiệu” khẳng định Việt Nam hoàn toàn làm tốt việc tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Chính phủ đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 và năm 2030 có 50.000 – 100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn (vi mạch bán dẫn). Đây là nền tảng, bước chuẩn bị để phát triển lĩnh vực nhiều tiềm năng này.

Tiến Lực