Ông Trương Gia Bình trực tiếp chỉ đạo Ủy Ban Phát triển Công nghiệp Chip Bán dẫn Việt Nam
Mới đây, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA) đã tổ chức Hội nghị chiến lược VINASA 2024 tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), thông qua 4 định hướng hoạt động quan trọng trong năm tới và công bốChủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình sẽ trực tiếp chỉ đạo Uỷ ban Phát triển Công nghiệp Chip Bán dẫn Việt Nam.
Cụ thể, như thông lệ hàng năm, các đại diện thành viên, chuyên gia của Hiệp hội đã tham gia đánh giá hoạt động năm 2023, bàn thảo kế hoạch hoạt động năm 2024, đồng thời hoạch định các chiến lược hoạt động trong giai đoạn tới.
Kết quả, VINASA thống nhất 4 định hướng chiến lược cho hoạt động của Hiệp hội và các doanh nghiệp Hội viên trong thời gian tới gồm: Tham gia thúc đẩy công nghiệp bán dẫn;Chuyển đổi số - Chuyển đổi xanh (Chuyển đổi số xanh); Innovation Hub;Digital Trust.
Theo VINASA, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn nhất thế giới trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Những tên tuổi lớn như Nvidia, Intel, Samsung, Apple, Foxconn, Amkor, Synosys…. đã tìm đến Việt Nam. Trong khi đó, Chính phủ cũng thể hiện nỗ lực với định hướng đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm công nghiệp bán dẫn hàng đầu của thế giới.
VINASA cho rằng công nghiệp bán dẫn sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nói chung và Hội viên VINASA nói riêng, đặc biệt là trong các công đoạn: Thiết kế, Kiểm thử, Hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế.
Từ lý do đó, VINASA quyết định thành lập Ủy ban Phát triển Công nghiệp Chip Bán dẫn Việt Nam trực thuộc Hiệp hội nhằm tập hợp lực lượng chuyên gia, doanh nghiệp, đối tác cùng thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Bán dẫn tại Việt Nam.
Chủ tịch Hội đồng Sáng lập VINASA, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình sẽ trực tiếp tham gia, và chỉ đạo hoạt động của Ủy Ban.
Uỷ ban có nhiệm vụ đào tạo phát triển nguồn nhân lực; tuyên truyền phổ biến các kiến thức, kinh nghiệm; kết nối hợp tác; R&D, qua đó hình thành lực lượng doanh nghiệp, chuyên gia tham gia vào hệ sinh thái phát triển chíp, bán dẫn toàn cầu; vận động, kết nối với chính quyền các cấp, tạo ưu đãi cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Ông Trương Gia Bình đang tích cực đẩy mạnh phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Mới đây,
tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Thuỵ Sĩ, ông Bình đã nêu quan điểm về ngành bán dẫn nước nhà.
Theo ông Bình, ngành bán dẫn có nhiều điểm đặc biệt. Năm 1960 ngành bán dẫn phát triển tại Mỹ, sau đó đến những năm 1970 chuyển sang Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Nhưng đến ngày hôm nay rất cần ngành bán dẫn mà lực lượng lao động đặc biệt là thanh niên ở các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc lại không muốn làm ngành này, vì ngành này phát triển nhanh, làm việc vất vả.
"Trong khi đó thanh niên Việt Nam rất thích làm ngành này. Để thu hút lực lượng thanh niên vào ngành này phải mở ra cơ hội để thanh niên được làm việc tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tôi hy vọng sẽ có nhiều hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để Việt Nam trở thành điểm đến của ngành”, ông Bình nói.
Tháng 9 năm ngoái, Việt Nam và Mỹ đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện. Một trong những trọng tâm hợp tác trong thời gian tới là thiết lập mối quan hệ đối tác bán dẫn, hỗ trợ chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp Mỹ.
Trong đó bao gồm chương trình tài trợ hạt giống của Mỹ, trị giá 2 triệu USD để phát triển các phòng thí nghiệm giảng dạy, các khoá đào tạo về chế tạo, thử nghiệm và đóng gói bán dẫn tại Việt Nam.
Theo ông Bình, Tập đoàn FPT đã chuẩn bị trong lĩnh vực bán dẫn từ cách đây 10 năm. Năm 2022, FPT thành lập FPT Semiconductor, đồng thời đưa nội dung đào tạo thiết kế vi mạch vào giảng dạy tại Đại học FPT.
Để chuẩn bị nhân sự cho ngành, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã kết hợp với FPT và đối tác TreSemi thành lập Trung tâm đào tạo bán dẫn Việt Nam (VSHE). Mục tiêu là có thêm 50.000 kỹ sư bán dẫn trong những năm tới.