Ông Trương Gia Bình chỉ ra điểm yếu của các công ty Nhật là cơ hội cho FPT mở rộng thị trường
"Các công ty Nhật Bản ra quyết định chậm chạp. Và họ sẽ thua cuộc nếu tiếp tục như vậy", Boonsithi Chokwatana, Chủ tịch Tập đoàn tiêu dùng hàng đầu nước Thái - Saha, cho biết. Theo Nikkei Asia, Saha có nhiều mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản.
Được mệnh danh là "vua hàng tiêu dùng" của Thái Lan, ông Boonsithi đã nêu quan điểm về các công ty Nhật Bản và cách hợp tác với họ.
Trong những năm 50, vị chủ tịch 86 tuổi từng có 6 năm làm việc ở Osaka cho công ty của cha mình. Khi trở về Thái Lan, với khả năng tiếng Nhật lưu loát, ông Boonsithi bắt đầu hướng dẫn các công ty Nhật Bản tiến vào Thái Lan vào những năm 1960.
Hiện tại, ông có liên doanh với khoảng 80 công ty Nhật Bản, bao gồm nhà sản xuất hàng tiêu dùng Lion, nhà sản xuất trang phục Wacoal, công ty cung cấp dịch vụ an ninh Secom và chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson.
Vị tỷ phú này đánh giá cao xu hướng xây dựng lòng tin thông qua các mối quan hệ lâu dài của các công ty Nhật Bản, nhưng khuyến khích họ phát triển các phương thức kinh doanh.
Ông cho rằng các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản khá cẩn thận và "quyết định của họ chậm chạp". Điều này không phù hợp với xu thế đổi mới nhanh chóng từng ngày của thế giới.
Chủ tịch Saha lấy ví dụ về ngành công nghiệp ô tô. Tại Thái Lan, các hãng Nhật Bản như Toyota Motor và Honda Motor chiếm gần 80% thị phần xe ô tô mới. Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với cuộc tấn công của các thương hiệu Trung Quốc như BYD.
Boonsithi đánh giá cao BYD, cho biết xe điện của họ "êm ái và thoải mái đi kèm giá cả cạnh tranh." Mặc dù công ty của ông không bán một chiếc ô tô nào nhưng Boonsithi bày tỏ lo ngại về sự thất thế của các hãng xe Nhật Bản tại Thái.
Ông nhận định họ không thể giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với tư duy chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang hybrid rồi đến xe điện theo từng bước một.
Dẫu vậy, Chủ tịch Boonsithi cho biết các lĩnh vực kinh doanh liên quan đến văn hóa Nhật Bản, chẳng hạn thực phẩm và nhà ở, vẫn có lợi thế cạnh tranh. Do Nhật Bản và Thái Lan chia sẻ những nét tương đồng về văn hóa, nên các sản phẩm và dịch vụ của Nhật Bản được chấp nhận rộng rãi ở Thái Lan.
Tập đoàn FPT cũng đang đẩy nhanh việc mở rộng sang Nhật Bản.
Gã khổng lồ công nghệ thông tin này đang định vị mình là đối tác kinh doanh cho các công ty Nhật Bản, có thể giúp số hóa hoạt động và phát triển các doanh nghiệp mới - một bước tiến lớn so với công việc thầu phụ phát triển hệ thống mà FPT đã từng làm khi bắt đầu.
Được thành lập vào năm 1988 bởi Chủ tịch Trương Gia Bình cùng các cộng sự. FPT đã phát triển nhanh chóng kể từ năm 2000 trong lĩnh vực phát triển phần mềm. Công ty thành lập chi nhánh Nhật Bản vào năm 2005 và nâng cấp công nghệ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng tại đây.
"Nhật Bản có nhiều hệ thống vẫn được xây dựng bằng ngôn ngữ máy tính lỗi thời như COBOL," ông Bình nói, đồng thời cho biết các ngân hàng và nhà sản xuất của Nhật Bản có hệ thống phức tạp nhưng thiếu khả năng bảo trì. Chính điểm yếu này đã tạo ra cơ hội kinh doanh lớn cho các công ty như FPT.
"Điện toán đám mây đã trở thành tiêu chuẩn trong môi trường làm việc và trí tuệ nhân tạo sáng tạo sẽ thay đổi mọi thứ về cách chúng ta làm việc. Không ai có thể thoát khỏi sự chuyển đổi này", Chủ tịch FPT nói.
Hiểu rõ những ưu nhược điểm của Nhật Bản, ông Bình cho rằng đây là một thị trường đầy hứa hẹn. FPT có khoảng 15.000 kỹ sư chuyên trách thị trường Nhật Bản, trong đó khoảng 3.000 người đang được triển khai tại nước này.
FPT đã hợp tác với các công ty hàng đầu của Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Năm 2023, công ty đã đồng ý cung cấp cho Honda Motor hàng trăm chuyên gia để phát triển và duy trì hệ thống IT của hãng. Ngành công nghiệp ô tô, nơi sản xuất dựa trên phần mềm đang phát triển mạnh mẽ, là lĩnh vực ưu tiên của FPT.
Công ty Việt Nam cũng hợp tác với tập đoàn in ấn và vật liệu Toppan Holdings để giúp công ty triển khai dịch vụ metaverse tại Đông Nam Á. Ngoài ra, FPT đang hợp tác với nhà cung cấp logistics Yamato Holdings, hỗ trợ họ khởi động các doanh nghiệp mới tại Việt Nam.
FPT đã đi một chặng đường dài kể từ những ngày đầu chỉ là nhà thầu phụ. Năm 2000, ông Bình đã cố gắng mở rộng sang Thung lũng Silicon ở Mỹ và Bengaluru ở Ấn Độ nhưng không thu hút được khách hàng. Điều cứu ông là những đơn đặt hàng phát triển phần mềm từ các công ty Nhật Bản.
"Họ biết chúng tôi thiếu kinh nghiệm và đã giúp đỡ chúng tôi," ông nói.