|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông Trương Gia Bình: 1 tỷ đô không phải là con số mà là cả cuộc đời

09:38 | 12/01/2024
Chia sẻ
FPT mất 25 năm để cán mốc mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài.

Ngày 11/1, Tập đoàn FPT công bố mục tiêu dài hạn của chiến lược toàn cầu hóa là “bước lên đẳng cấp cao hơn trong nhóm doanh nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin tỷ USD”, đạt 5 tỷ USD doanh thu cho thị trường nước ngoài vào năm 2030.

Đây được đánh giá là mục tiêu đầy tham vọng của tập đoàn công nghệ Việt Nam. Trước đó, FPT mất 25 năm để cán mốc mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD.

Tại sự kiện, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch tập đoàn xúc động khi nói về con số này: 

“Với chúng tôi, 1 tỷ đô không phải là con số mà là cuộc đời, cả thời thanh niên, những ngày đẹp nhất, sôi nổi nhất đời tôi. Đây còn từng là ước mơ, và đã thành hiện thực. Hơn nữa còn là hy vọng rất lớn mà chính chúng tôi không nghĩ đến ngay từ những ngày đầu”.

 Ông Trương Gia Bình tại sự kiện ngày 11/1. (Ảnh: FPT cung cấp).

Hơn hai thập kỷ trước, năm 1998, FPT bắt đầu chiến lược toàn cầu hóa, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài.

“Chúng tôi bắt đầu từ 13 nhà khoa học sống không đủ, hợp nhau lại cùng sống, cùng vượt khó thay vì nuôi lợn, nuôi gà”, ông Trương Gia Bình kể về buổi đầu lập nghiệp.

Tập đoàn đã “mò mẫm” tự tìm đường ra nước ngoài, mở văn phòng ở Bangalore (Ấn Độ - 1999), rồi ở Thung lũng Silicon Valley (Mỹ - 2000) nhưng sớm thất bại. Khách hàng đầu tiên FPT có được chỉ mang về doanh số theo đơn vị nghìn đô. 

Thậm chí khi đạt được quy mô 1 triệu USD doanh thu, công ty vẫn đứng trước lằn ranh sinh tử - có tiếp tục theo đuổi giấc mơ xuất khẩu phần mềm hay không? FPT chỉ thực sự cất cánh khi chinh phục thành công được một trong những thị trường “khó tính” nhất là Nhật Bản từ năm 2005. 

Từ nhóm 17 nhân sự ban đầu, quy mô nhân sự trong lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài của FPT đã cán mốc 30.000 người thuộc 70 quốc tịch. Ngày nay, FPT đã hiện diện tại 30 quốc gia, bao gồm những thị trường phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, châu Âu. 

Từ vị thế gia công phần mềm, nhận việc đến nay theo chia sẻ của lãnh đạo FPT, tập đoàn đã “lột xác” để đóng vai trò tư vấn triển khai các dự án trị giá hàng chục thậm chí hàng trăm triệu USD. 

Trong ba quý đầu năm ngoái, doanh thu FPT đến từ các hợp đồng lớn trên 5 triệu USD tăng 66%. Theo lãnh đạo doanh nghiệp, tỷ lệ này cho thấy xu hướng chuyển dịch trên chuỗi giá trị của FPT hướng tới các hợp đồng hàng chục, hàng trăm triệu USD thay vì các đơn hàng vài triệu USD như trước đây. 

Năm ngoái, lần đầu tiên FPT có khách hàng đạt quy mô doanh số trên 200 triệu USD. Đây là công ty có trụ sở tại Mỹ, là doanh nghiệp cung cấp giải pháp cho nhà phân phối ô tô như hàng tồn kho, tiếp thị, bán hàng, hậu mãi, vận hành. 

“Nếu như trước đây, FPT luôn phải chủ động đi tìm đối tác, khách hàng thì nay rất nhiều khách hàng, đối tác lớn lại chủ động tìm đến Việt Nam và FPT. Đã đến lúc thế giới cần Việt Nam. Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của thế giới, đã vươn lên số hai thế giới về phần mềm, chỉ sau Ấn Độ”, ông Trương Gia Bình khẳng định.

Hiện, doanh thu từ dịch vụ chuyển đổi số chiếm gần 50% tổng doanh thu từ dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài. Trong đó, FPT tập trung vào các công nghệ mới như Cloud chiếm 40% doanh thu dịch vụ chuyển đổi số, các công nghệ khác như AI, phân tích dữ liệu chiếm 12%; RPA & Lowcode chiếm 10%... 

“FPT có những con số, giấc mơ đầy hoài bão, mọi người không tin nhưng chúng tôi đều chinh phục được. Con số 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin từ thị trường nước ngoài là một trong số đó. 

Và chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn là AI, chip bán dẫn, công nghệ ô tô… để hướng tới có những tỷ USD tiếp theo trong một ngành, một thị trường, một hợp đồng duy nhất”, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT cho hay.

Đức Huy

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.