|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông Trương Gia Bình: Thanh niên Việt Nam thích làm việc trong ngành bán dẫn

14:07 | 17/01/2024
Chia sẻ
Việt Nam có lực lượng lao động trẻ sẵn sàng làm việc trong ngành bán dẫn đòi hỏi áp lực công việc cao và tiến độ nhanh.

Ngày 16/1 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Thuỵ Sĩ, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT, chia sẻ về cơ hội của ngành bán dẫn Việt Nam.

Theo ông Bình, ngành bán dẫn có nhiều điểm đặc biệt. Năm 1960 ngành bán dẫn phát triển tại Mỹ, sau đó đến những năm 1970 chuyển sang Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Nhưng đến ngày hôm nay rất cần ngành bán dẫn mà lực lượng lao động đặc biệt là thanh niên ở các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc lại không muốn làm ngành này, vì ngành này phát triển nhanh, làm việc vất vả. 

"Trong khi đó thanh niên Việt Nam rất thích làm ngành này. Để thu hút lực lượng thanh niên vào ngành này phải mở ra cơ hội để thanh niên được làm việc tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tôi hy vọng sẽ có nhiều hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài để Việt Nam trở thành điểm đến của ngành”, ông Bình nói.

 Ông Trương Gia Bình (áo xanh, ngồi giữa) tham dự diễn đàn. (Ảnh: FPT).

Trả lời phỏng vấn tờ Rest of World, Kỹ sư trưởng tại công ty thiết kế chip Hàn Quốc CoAsia Semi Nguyễn Thanh Yên cho biết Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư phần cứng được đào tạo chuyên ngành bán dẫn.

Theo Reuters, trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ phải tăng gấp gần 10 lần con số này để đáp ứng nhu cầu của các công ty sản xuất chất bán dẫn.

Tháng 9 năm ngoái, Việt Nam và Mỹ đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện. Một trong những trọng tâm hợp tác trong thời gian tới là thiết lập mối quan hệ đối tác bán dẫn, hỗ trợ chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp Mỹ.

Trong đó bao gồm chương trình tài trợ hạt giống của Mỹ, trị giá 2 triệu USD để phát triển các phòng thí nghiệm giảng dạy, các khoá đào tạo về chế tạo, thử nghiệm và đóng gói bán dẫn tại Việt Nam.

Người đứng đầu FPT tiết lộ tập đoàn đã chuẩn bị trong lĩnh vực bán dẫn từ cách đây 10 năm. Năm 2022, FPT thành lập FPT Semiconductor, đồng thời đưa nội dung đào tạo thiết kế vi mạch vào giảng dạy tại Đại học FPT.

Để chuẩn bị nhân sự cho ngành, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã kết hợp với FPT và đối tác TreSemi thành lập Trung tâm đào tạo bán dẫn Việt Nam (VSHE). Mục tiêu là có thêm 50.000 kỹ sư bán dẫn trong những năm tới.

Năm ngoái, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội mở chương trình đào tạo về thiết kế bán dẫn, có tên là “Kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano” - chương trình đầu tiên và duy nhất thuộc loại này tại Việt Nam. 

Các tên tuổi trong ngành như Amkor Technology, Viettel Telecom và Seoul Semiconductor đã bày tỏ quan tâm hợp tác. Công ty thậm chí còn tặng cho nhà trường các thiết bị quan trọng cho sinh viên.

“Các giảng viên đã muốn phát triển ngành sản xuất bán dẫn từ lâu rồi. Cuối cùng, Giám đốc trường đã bật đèn xanh vào năm ngoái, sau khi các công ty bán dẫn lớn đầu tư và mở rộng sang Việt Nam”, PGS. TS. Nguyễn Văn Quy, nói với tờ Rest of World.

Hiện trong ngành bán dẫn, có 40 doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, đáng chú ý nhất là Intel. 

Công ty Mỹ có cơ sở lắp ráp và thử nghiệm bán dẫn lớn nhất tại TP HCM. Điều này giúp Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu chip lớn thứ ba sang Mỹ, sau Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc).

Hầu hết các nhà sản xuất bán dẫn có mặt tại Việt Nam đều tập trung vào lắp ráp chip - phần ít tốn vốn nhất trong chuỗi cung ứng - để tận dụng lợi thế chi phí lao động. 

Các công ty của Việt Nam nổi bật trong lĩnh vực này là Viettel và FPT. Riêng FPT đã phát triển hệ sinh thái của mình, hiện đang xuất khẩu kỹ sư sang Nhật Bản và đã ký được đơn hàng thiết kế chip cho thiết bị y tế trị giá hàng triệu USD.

Gần đây, một số công ty bán dẫn của Mỹ đã mở rộng sang Việt Nam. Chẳng hạn Amkor Technology dự kiến sẽ mở một nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip trị giá 1,6 tỷ USD tại Bắc Ninh vào tháng tới.

Synopsys đang mở một trung tâm thiết kế và ươm tạo bán dẫn hợp tác với Saigon Hi-Tech Park. Marvell có kế hoạch mở một trung tâm bán dẫn tại TP HCM - nơi Intel đã hoạt động hơn 15 năm.

Gần đây nhất, Foxconn đang xúc tiến mở nhà máy bán dẫn trị giá 20 triệu USD tại Việt Nam.

Tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần này, ngoài chính khách các nước còn có các doanh nghiệp toàn cầu về triển trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ ô tô, chip bán dẫn và hệ sinh thái liên quan các ngành này. Trong đó có các tên tuổi như Google, Mitsubishi Heavy Industries, H&M Hennes & Mauritz, Siemens, Mahindra, PSA International, JANZZ.technology, Qualcomm…

Đức Huy