|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ý định mở nhà máy bán dẫn 20 triệu USD tại Việt Nam của Foxconn

10:47 | 28/12/2023
Chia sẻ
ShunSin - trực thuộc tập đoàn Foxconn, đang xúc tiến thành lập công ty con tại Việt Nam.

ShunSin Technology - doanh nghiệp thuộc Hon Hai Technology Group (Foxconn) chuyên sản xuất các mô-đun bán dẫn SiP (System in Package - đóng gói hệ thống), công bố kế hoạch mở một công ty mới tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư 20 triệu USD, tờDigiTimes đưa tin.

Theo hồ sơ gửi lên Sở Giao dịch chứng khoán Đài Loan (Trung Quốc), pháp nhân mới có tên ShunSin Technology (Việt Nam), được xem là khoản đầu tư vốn chủ sở hữu dài hạn của công ty.

ShunSin hiện có hai nhà máy tại Việt Nam, một ở Hà Nội và một ở Bắc Giang. Theo cựu Chủ tịch Hsu Wen-yi trong báo cáo trước đó, cả hai nhà máy này chủ yếu được xây dựng để đáp ứng đơn hàng từ Mỹ.

Ông Chiang Shang-yi, hiện là Giám đốc chiến lược bán dẫn của Foxconn Technology (Hon Hai Precision Industry), đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ShunSin.

 Ảnh: DigiTimes.

Tại một cuộc họp hội nghị nhà đầu tư gần đây, ShunSin cho biết họ cũng đang đẩy mạnh triển khai trong lĩnh vực bán dẫn quang học kết hợp dữ liệu gói CPO (Co-packaged Optic). Công ty sẽ chủ yếu sản xuất các sản phẩm CPO tại các nhà máy ở Việt Nam.

ShunSin đã nghiên cứu công nghệ SiP cho bộ thu phát quang trong nhiều năm và đã tạo ra các mẫu CPO, dự kiến sẽ được triển khai rộng rãi trong chuỗi cung ứng máy chủ AI vào năm 2025, trích lời ông Hsu Wen-yi.

Theo tạp chí khoa học Frontiers Journal, bán dẫn quang học kết hợp dữ liệu gói CPO là một công nghệ đột phá hứa hẹn mang lại tốc độ truyền dữ liệu cao và tiết kiệm năng lượng cho các trung tâm dữ liệu tương lai.

Thay vì dùng dây dẫn điện, CPO kết hợp chip điện tử và chip quang trực tiếp trong cùng một gói nhỏ gọn, rút ngắn đáng kể khoảng cách truyền tín hiệu. Kết hợp này tăng băng thông truyền dữ liệu (tốc độ nhanh hơn) và giảm năng lượng tiêu thụ (ít tỏa nhiệt hơn).

Nền tảng silicon là vật liệu chính để xây dựng CPO vì khả năng tích hợp cao và chi phí rẻ. Các công ty lớn như Intel, Broadcom và IBM đang tích cực nghiên cứu CPO trên nền tảng silicon.

Theo MarketstandMarkets, thị trường CPO được dự đoán sẽ tăng từ 15 triệu USD vào năm 2023 lên 49 triệu USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm CAGR là 26,5%.

Liên quan đến các hoạt động của Foxconn tại Việt Nam, tháng 6 tờ Reuters cho biết công ty Đài Loan (Trung Quốc) chuẩn bị đầu tư khoảng 250 triệu USD vào hai dự án mới tại Quảng Ninh, bao gồm nhà máy sản xuất linh kiện cho xe điện và nhà máy gia công khuôn mẫu linh kiện của sản phẩm công nghệ thông tin, sản phẩm truyền thông,…

Phần lớn giá trị khoản đầu tư, trị giá khoảng 200 triệu USD sẽ được dùng để xây dựng nhà máy sản xuất bộ sạc, linh kiện xe điện. Dự kiến nhà máy đi vào vận hành từ tháng 1/2025 với quy mô lao động  1.200 người.

46 triệu USD còn lại được dùng để xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và viễn thông. Dự kiến, cơ sở sản xuất này sẽ hoạt động từ tháng 10 năm sau.

Foxconn hiện diện tại Việt Nam từ năm 2007 và chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử tiêu dùng. Đến nay, Foxconn đã đầu tư 3,2 tỷ USD vào Việt Nam.

Đức Huy