|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

CEO FPT nêu lợi thế của Việt Nam trên hành trình phát triển chip bán dẫn

19:47 | 12/12/2023
Chia sẻ
Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, vai trò của chip bán dẫn không khác gì mạch máu trong nền kinh tế.

Tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (VFTE 2023),  ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cho biết từ lần xuất khẩu chip đầu tiên vào tháng 9/2022, đến nay FPT có đơn hàng hơn 70 triệu chip năm 2024-2025. Để đạt được thành tựu đó, CEO FPT cho biết đội ngũ phát triển đã phải trải qua một thời kỳ "bế quan". 

Theo đó, CEO FPT cho biết trong quá trình phát triển, có những lúc cả nhóm 20 người ăn ngủ trong một căn hộ chung cư suốt hơn một năm liền. Đến tháng 9/2022, tập đoàn có dòng chip đầu tiên, ký hợp đồng 25 triệu chip với khách hàng Australia, dùng cho sản phẩm IoT sử dụng trong lĩnh vực medical device (Thiết bị y tế).

Hiện tại, đơn vị có thêm đơn hàng 70 triệu chip cho giai đoạn 2024-2025 cho các khách hàng Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản.

 CEO FPT, Nguyễn Văn Khoa. (Ảnh: Chungta).

CEO FPT nói thêm rằng doanh số toàn cầu của ngành công nghiệp này năm 2022 là gần 600 tỷ USD. Đến năm 2024, nhu cầu chip trên toàn thế giới dự báo tăng đáng kể, một số mảng như chip nhớ tăng 25%.

Doanh số vi mạch bán dẫn ước đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Chip bán dẫn sẽ xuất hiện trong tất cả thiết bị điện tử trong cuộc sống hàng ngày từ điện thoại, điều khiển, tivi, máy tính, máy tính bảng cho đến ô tô, máy bay. Thậm chí chiếc ghế đang ngồi, chiếc áo đang mặc, thời gian tới cũng có thể có một con chip.

Theo Gartner, năm 2023 doanh thu bán dẫn toàn cầu sẽ tăng trưởng nhanh và ở giai đoạn 2024-2025, tốc độ sẽ đạt trên 15% mỗi năm, nhất là chip GPU hiệu năng cao cho AI. Quy mô thị trường công nghiệp điện tử toàn cầu được định giá hơn 3.454 tỷ USD năm 2022, dự báo đạt hơn 4.986 tỷ USD vào năm 2030, theo nghiên cứu của CDI.

Tại Việt Nam, năm 2022, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đứng thứ hai trong 8 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD. Theo Báo cáo của Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất khẩu công nghiệp điện tử năm 2022 đạt hơn 114 tỷ USD, đứng đầu trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm hơn 30% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Ông Khoa cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế trong khu vực. Cụ thể, lợi thế đến từ việc chính sách ngoại giao cởi mở, ký kết hợp tác toàn diện với nhiều quốc gia trên thế giới, nổi lên là điểm sáng thu hút đầu tư. Ngoài ra, Chính phủ cũng dành sự quan tâm lớn cho mảng bán dẫn, chủ trương đào tạo 50.000 nhân sự. 

Bên cạnh đó, Việt Nam có vị trí trung tâm của khu vực, thu hút các hãng điện tử lớn tới đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam. Do đó, sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử đi cùng với việc Chính phủ tăng cường thúc đẩy chuyển đổi số, giao lưu thương mại với các nước, sẽ tạo đầu ra cho con chip của Việt Nam.

Thuỳ Trang