|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Phép thử mới trong mảng viễn thông của FPT Retail

12:42 | 15/11/2023
Chia sẻ
FPT Retail có ý định tiến vào lĩnh vực mạng di động ảo.

Thông tin chúng tôi có được, CTCP Bán lẻ kỹ thuật số (FPT Retail, mã: FRT) sẽ hợp tác với MobiFone để triển khai dịch vụ mạng di động ảo. Mạng di động ảo của FPT Retail dựa trên cơ sở hạ tầng của nhà mạng MobiFone và dự kiến sẽ chính thức cung cấp ra thị trường vào đầu năm sau.

“FPT Retail sẽ triển khai dịch vụ mạng di động ảo để cung cấp thêm dịch vụ cho khách hàng và phát huy lợi thế hệ sinh thái của cả Tập đoàn FPT với nhiều lĩnh vực liên quan từ bán lẻ đến internet, truyền hình, thương mại điện tử đến dịch vụ truyền thông, giáo dục đào tạo”, phía chủ chuỗi FPT Shop và dược phẩm Long Châu, xác nhận.

Đây là một phần trong hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ chung của FPT Retail nói riêng và Tập đoàn FPT nói chung nhằm tăng thêm tiện ích cho người dùng, tăng tương tác thân thiết giữa khách hàng và doanh nghiệp.

 Bên trong một cửa hàng FPT Shop. (Ảnh: FPT Retail).

Mạng di động ảo của FPT Retail sẽ tập trung vào đối tượng khách hàng trẻ, ưa thích sử dụng công nghệ số và trải nghiệm số.

Khi được hỏi mạng di động ảo sẽ hỗ trợ thế nào cho hệ sinh thái bán lẻ công nghệ và dược phẩm đang hiện hữu của FPT Retail, phía công ty cho biết dịch vụ mới sẽ tận dụng lợi thế về kênh phân phối với 800 cửa hàng FPT Shop và hơn 1.300 cửa hàng dược phẩm FPT Long Châu.

“Ngoài ra phát triển các tiện ích trong hệ sinh thái để sử dụng sản phẩm, dịch vụ chéo của nhau”, doanh nghiệp cho hay.

Hiện tại Việt Nam có 4 nhà mạng di động ảo đang hoạt động, gồm iTel (đầu số 087) và Wintel (đầu số 055), Local (đầu số 089) hợp tác cùng Vinaphone và MobiFone, gần đây nhất là VNSKY (đầu số 0777).

Việc thuê lại một phần hạ tầng của các công ty viễn thông sẽ giúp đơn vị khai thác mạng di động ảo giảm đáng kể rào cản khi bước vào thị trường vì không phải bỏ ra hàng nghìn tỷ để xây dựng cơ sở vật chất.

Hồi tháng 7 năm nay, ông Nguyễn Văn Dũng, CEO VNSKY đánh giá dù thị trường mạng di động đã có nhiều ông lớn song vẫn còn nhiều dư địa để trở thành một phần của ngành viễn thông trong mảng dịch vụ số đi kèm dữ liệu. 

Số liệu nghiên cứu của VNSKY cho thấy thị trường viễn thông tại Việt Nam có giá trị ước tính là 6,3 tỷ USD vào năm 2022, tỷ lệ tăng trưởng kép (CARG) 4,4% giữa các năm 2022 và 2027. Hiện nay, trong bối cảnh bùng nổ của tiện ích số cũng như siêu ứng dụng, nhu cầu sử dụng Internet nói chung và dữ liệu di động (mobile data) của người dân ngày càng tăng cao. 

Theo Global Data, nhu cầu sử dụng mobile data đang có xu hướng phát triển nhanh với tỷ lệ tăng trưởng 11,2% mỗi năm (giai đoạn 2021-2026). Cả nước có hơn 125 triệu thuê bao (tính đến hết năm 2022), với hơn 100 triệu smartphone, đồng nghĩa rằng trung bình mỗi người sở hữu trên một SIM. Tuy nhiên, mới chỉ có 65% số người dùng đang sử dụng dữ liệu di động.

Về FPT Retail, có thể nói mạng di động ảo là phép thử tiếp theo của công ty này, sau khi mảng kinh doanh truyền thống là bán lẻ công nghệ không đạt được tăng trưởng như kỳ vọng, do bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.

Trước đó, công ty đã tiến vào mảng bán lẻ dược phẩm, với chuỗi nhà thuốc Long Châu. Long Châu hiện là chuỗi nhà thuốc có thị phần lớn nhất tại Việt Nam, xét về quy mô. Đây cũng là chuỗi bán lẻ dược phẩm duy nhất có lãi đến thời điểm này.

Sau thành công với Long Châu, FPT Retail tiếp tục thử sức trong mảng dịch vụ trung tâm tiêm chủng. Từ đầu năm đến nay, công ty đã mở 5 trung tâm tiêm chủng tại TP HCM và Hà Nội. Dịch vụ tiêm chủng là một thị trường ngách, vốn trước giờ chỉ dành cho các doanh nghiệp trong ngành y tế công tham gia.

Với mạng di động ảo, đây là game mới của FPT Retail, liên quan trực tiếp tới lĩnh vực chính là kinh doanh công nghệ. Đầu năm nay, để cải thiện tình hình, FPT Retail chủ chương bán thêm các sản phẩm điện máy, xe đạp,… tại các chuỗi FPT Shop. Tuy nhiên, có vẻ kế hoạch này đến nay chưa mang lại hiệu quả rõ nét cho ông lớn bán lẻ.

Đức Huy