|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

FPT quay lại top 10 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn nhất

19:17 | 22/11/2023
Chia sẻ
Vốn hóa thị trường của CTCP FPT đạt trên 5 tỷ USD tính đến ngày 22/11, cao thứ 10 trong số doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.

Sau giai đoạn biến động kéo dài từ tháng 9 đến nay, thị trường chứng khoán ghi nhận sự thay đổi về vị trí các doanh nghiệp trong top vốn hóa lớn nhất.

Cụ thể, với việc thị giá tăng 42% kể từ đầu năm, vốn hóa của FPT đạt 118.107 tại ngày 22/11, tương đương khoảng 5,02 tỷ USD. Con số này vượt qua Techcombank (Mã: TCB) (108.859 tỷ đồng), MB (Mã: MBB) (94.114 tỷ đồng) hay Masan Group (Mã: MSN) (92.862 tỷ đồng), giúp FPT tiến vào top 10 doanh nghiệp niêm yết.

 

Nếu tính cả UPCoM, FPT chưa vào top 10 do ACV - ông lớn ngành hàng không có vốn hóa 156.087 tỷ đồng.

Vốn hóa thị trường của FPT đạt cao nhất là 125.726 tỷ đồng vào phiên 6/9/2023, khi thị giá lên 99.000 đồng/cp, sau đó điều chỉnh. Giá kết phiên 22/11 là 93.000 đồng/cp, kém 6% so với đỉnh.

Bên cạnh FPT tăng giá, việc ông lớn ngành công nghệ quay lại top 10 còn đến từ việc cổ phiếu TCB điều chỉnh sâu hay thị giá MBB, MSN không tăng giá đáng kể trong khoảng 2 tháng qua.

Trong quá khứ, FPT từng là cổ phiếu có thị giá lớn nhất sàn chứng khoán vào năm 2006. Song sau đó, cổ phiếu đã đảo chiều giảm, đồng thời thị trường dần xuất hiện thêm nhiều cổ phiếu “bom tấn” khác lên sàn.

 Diễn biến thị giá FPT kể từ khi lên sàn đến 22/11/2023. Biểu đồ: TradingView.

Những năm gần đây, FPT thường xuyên là cái tên được các quỹ đầu cũng như bộ phận phân tích các công ty chứng khoán đánh giá khả quan. Doanh nghiệp dẫn đầu lĩnh vực công nghệ ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định cùng cơ cấu tài chính lành mạnh.

10 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu 42.465 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 5.407 tỷ đồng, tăng lần lượt 21% và 18% so với cùng kỳ năm trước. Công ty đã thực hiện 81% về doanh thu và 85% chỉ tiêu lãi cả năm 2023.

Xuân Nghĩa