|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chiến lược M&A trong xuất khẩu phần mềm của FPT

14:27 | 09/11/2023
Chia sẻ
Từ năm 2014, FPT liên tục thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập với doanh nghiệp công nghệ trên thế giới nhằm nâng cao năng lực và mở rộng tập khách hàng trong nhiều lĩnh vực lớn.

Từ Hội nghị Chiến lược FPT 2023 tại Đà Nẵng, trên trang cá nhân ông Đỗ Cao Bảo - Thành viên Hội đồng quản trị, đã chia sẻ về 5 chỉ tiêu tỷ USD trong xuất khẩu phần mềm của FPT Software.

Trong đó gồm: 1 tỷ USD giá trị hợp đồng ký (đạt được năm 2022), 1 tỷ USD doanh thu năm 2023 và tăng lên 5 tỷ USD vào năm 2030, khách hàng có hợp đồng trị giá 1 tỷ USD và cuối cùng là 1 tỷ USD lợi nhuận giai đoạn 2031 - 2032.

Ông Bảo cho biết trong 5 chỉ tiêu kể trên, có những mục tiêu đã đạt được và có những thứ chưa đạt được. Về khách hàng có hợp đồng 1 tỷ USD, hiện công ty đã có những hợp đồng trị giá từ 100 đến 300 triệu USD. Do đó, mục tiêu 1 tỷ USD theo ông Bảo không phải là xa vời.

 Ông Đỗ Cao Bảo. (Ảnh: Facebook nhân vật).

"Về doanh thu 5 tỷ USD, nếu cứ giữ được tốc độ tăng trưởng 20%-25% một năm như 5 năm vừa qua thì đến năm 2030 sẽ đạt doanh số 5 tỷ USD. Khi FPT Software đạt doanh thu xuất khẩu phần mềm 5 tỷ USD thì chắc chắn FPT USA, FPT Japan, FPT châu Á - Thái Bình Dương sẽ đạt doanh thu trên 1 tỷ USD, còn FPT Euro có thể cũng đạt doanh thu 1 tỷ USD", người đồng sáng lập Tập đoàn FPT viết.

Thực tế, những năm qua Tập đoàn FPT đã đẩy mạnh mảng xuất khẩu phần mềm, tiến ra những thị trường được coi là khó nhằn như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu. Song song với việc thành lập công ty tại những thị trường này, điều dễ nhận thấy ở FPT đó là chiến lược M&A, mua lại những công ty địa phương.

Từ năm 2014, FPT liên tục thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập với doanh nghiệp công nghệ trên thế giới nhằm nâng cao năng lực và mở rộng tập khách hàng trong nhiều lĩnh vực lớn, mang lại doanh thu tại thị trường nước ngoài.

FPT từng mua lại RWE IT Slovakia (công ty thành viên của tập đoàn năng lượng hàng đầu châu Âu - RWE) hay Intellinet - công ty tư vấn chuyển đổi số có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ.

FPT cũng công bố đầu tư chiến lược vào LTS - công ty trong Top 20 công ty tư vấn, quản trị kinh doanh và chuyển đổi số tại Nhật.

Trong năm nay FPT đã mua lại mảng công nghệ của Intertec International và đầu tư vào Landing AI - công ty phần mềm thị giác máy tính và AI. 

Hay như tuần trước, Tập đoàn FPT công bố mua lại thành công Cardinal Peak - một công ty công nghệ tại Mỹ có tuổi đời hơn 20 năm.

Cardinal Peak chuyên cung cấp dịch vụ công nghệ, từ phần cứng, phần mềm nhúng, IoT, điện toán đám mây tới phát triển sản phẩm di động cho hơn hàng trăm công ty, trong đó có nhiều doanh nghiệp thuộc danh sách Fortune 500 như Samsung, Amazon...

Khách hàng của Cardinal Peak hoạt động trong các lĩnh vực như ô tô, điện tử tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, phát nội dung trực tuyến, robot, an ninh - an toàn, quốc phòng - hàng không vũ trụ.  

Cardinal Peak được thành lập vào năm 2002 và trải qua hơn 20 năm phát triển, công ty đang hoạt động như là một đơn vị cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cho nhiều dự án công nghệ.

Theo giới thiệu, Cardinal Peak đã thực hiện 800 dự án tạo ra hơn 200 sản phẩm được thương mại hóa. Đội ngũ kỹ sư của công ty hơn 100 người với chuyên môn đa dạng trên nhiều lĩnh vực như thiết kế sản phẩm video và âm thanh, thiết kế UX, xử lý tín hiệu số, bảo mật nhúng, kỹ thuật IoT và phát triển sản phẩm giọng nói với dự án nổi bật là trợ lý ảo Alexa nổi tiếng của Amazon.

Nói về thương vụ này, tập đoàn công nghệ Việt Nam cho hay Cardianal Peak sẽ giúp FPT nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng dịch vụ của công ty tại khu vực châu Mỹ nói riêng và các thị trường nói tiếng Anh nói chung, đặc biệt trong các mảng công nghệ mới.

Thông qua Cardianal Peak, FPT kỳ vọng tăng gấp đôi doanh thu từ mảng dịch vụ kỹ thuật sản phẩm (dịch vụ tư vấn, thiết kế, phát triển, thử nghiệm các công nghệ mới bao gồm cả phần cứng và phần mềm để tạo ra các sản phẩm tốt nhất) tại thị trường Mỹ trong vòng hai năm tới.

Với sự gia nhập của Cardinal Peak, FPT sẽ được bổ sung nguồn nhân lực gồm hàng trăm kỹ sư am hiểu chuyên sâu các công nghệ IoT, điện toán đám mây, di động… và thấu hiểu nhu cầu riêng biệt của khách hàng trong từng lĩnh vực. Đây là sự kết hợp về chuyên môn và dịch vụ được cá nhân hóa giữa hai bên.

Thùy Trang

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.