Ngành chế biến thủy sản Trung Quốc lao đao vì thiếu nguyên liệu
Qua cuộc phỏng vấn cùng bà Marina Huang, Phó Tổng Giám đốc công ty đánh giá chất lượng hàng hóa Helmsman Quality and Technology Services (HQTS) Group, SeafoodSource đã có cái nhìn toàn diện hơn về lĩnh vực chế biến thủy sản của Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Khó kiểm soát chất lượng thủy sản
Bà Huang cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 mà nhân sự của riêng các công ty đối tác không thể đến thăm nhà máy như trước, hoạt động kiểm soát chất lượng sản phẩm thủy sản cũng trở nên khó khăn hơn.
Dịch bệnh có thể mang đến nhiều hợp đồng béo bở hơn cho HQTS vì đối tác bị hạn chế di chuyển, nhưng trên thực tế thì không phải. Số lượng giao dịch mặt hàng thủy sản giữa Trung Quốc và các đối tác nước ngoài giảm sút mạnh có thể chính là một trong những nguyên nhân khiến khối công việc của HQTS không khởi sắc trong đại dịch.
Quan trọng hơn, công việc kiểm tra nhà cung ứng và kiểm soát chất lượng không thể thực hiện từ xa. Nếu không thể tìm ra giải pháp thay thế, hàng hóa thủy sản có thể chịu rủi ro về chất lượng, bà Huang nói thêm.
Khi được hỏi liệu HQTS có áp dụng quy trình kiểm tra bổ sung như xét nghiệm COVID-19 hay không, bà Huang cho biết vấn đề này đòi hỏi nhiều điều kiện thiết yếu mà các công ty kiểm soát chất lượng thuộc bên thứ ba khó làm được.
Vị phó giám đốc liệt kê, một trong các điều kiện nghiêm ngặt nhất là bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của các nhân viên điều tra trong khi chọn mẫu thử từ toàn bộ lô hàng để mang đi xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Do vậy mà HQTS đang tìm sự trợ giúp từ các công ty chuyên về xét nghiệm COVID-19.
Thiếu nguyên liệu đầu vào
Đáp lại câu hỏi của SeafoodSouce rằng hoạt động chế biến thủy sản của Trung Quốc đã trở lại bình thường hay chưa, bà Marina Huang cho biết ngành này ở đất nước tỷ dân đang gặp trở ngại vì thiếu nguyên liệu thô.
Do thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu thô mà các nhà máy tại Trung Quốc chưa thể thực sự vận hành như bình thường. Theo bà Huang, có một số yếu tố dẫn đến tình trạng gián đoạn này, ví dụ như quy định kiểm soát nguồn hàng nhập khẩu rất nghiêm ngặt, quá trình kiểm tra - xét nghiệm kéo dài và chi phí thông quan cao hơn.
Hơn nữa, chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải biển cũng đang trở nên rất bất ổn vì thiếu container nghiêm trọng dẫn đến cước phí tăng đột biến. Điều này phần nào cũng gây ảnh hưởng đến dòng chảy của nguyên liệu thủy sản thô đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ở khía cạnh khác, Phó Tổng Giám đốc của HQTS cho biết, kể từ đầu năm ngoái, do bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhu cầu thủy sản của thị trường quốc tế đã sụt giảm đáng kể. Xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc cũng theo đó mà lao dốc và nhiều công ty đã tập trung vào thị trường nội địa để vượt qua cú sốc mới.
Song, các doanh nghiệp thủy sản Trung Quốc cũng không đặt mục tiêu tăng khối lượng xuất khẩu sang các thị trường mới nổi như châu Phi, bà Huang lưu ý thêm.
Tương lai khó đoán định
Kiểm tra - xét nghiệm kéo dài cũng như chi phí bổ sung tăng cao đặt ra câu hỏi liệu giao dịch thủy sản ra và vào Trung Quốc trong năm 2021 có suy yếu hay không. Bà Huang của HQTS nói rất khó để đoán trước tương lai.
Tuy nhiên, SeafoodSource dẫn lời bà Marina Huang cho biết, số lượng doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Trung Quốc đang giảm dần, nhưng công suất chế biến trung bình hàng năm nói chung lại tăng.
Cụ thể, dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc giai đoạn 2015 - 2019 cho thấy, tổng số doanh nghiệp trong ngành chế biến thủy sản có xu hướng giảm nhẹ. Năm 2019, tổng số công ty trong ngành này đạt 9.323, giảm so với năm trước 13 công ty.
Trong số đó, số doanh nghiệp trên quy mô chỉ định là 2.750, tăng 46 doanh nghiệp so với năm 2018. Điều này chứng tỏ mức độ tập trung của ngành chế biến thủy sản Trung Quốc ngày càng tăng.
Khi Trung Quốc từng bước nâng cấp thiết bị chế biến thủy sản và tăng cường tự động hóa cũng như công nghệ tiên tiến, công suất chế biến thủy sản cũng tăng lên. Trong giai đoạn 2015 - 2019, công suất chế biến thủy sản trung bình hàng năm của Trung Quốc tăng từ 28,1 triệu tấn lên 28,8 triệu tấn.