|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ngành bán lẻ Việt Nam lo bị 'nuốt' khi EVFTA được thực thi

07:09 | 01/07/2020
Chia sẻ
Khi EVFTA được thực thi, bên cạnh cơ hội, thị trường bán lẻ Việt cũng gặp nhiều thách thức. Liệu ngành hàng này có bị “nuốt chửng” trong tương lai?

Báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy, hiện nay, tại khu vực châu Á, Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ có tốc độ tăng trưởng cao. Cùng với đó, việc ký kết EVFTA sẽ mang lại nhiều điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế đất nước nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng.

Nắm bắt được mảnh đất “màu mỡ” và đầy tiềm năng  này, thời gian qua, làn sóng vốn trong nước và FDI tiếp tục đổ mạnh vào ngành bán lẻ Việt Nam. Các tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như: Auchan, Family Mart, Lotte, Central Group, Aeon, Circle K… liên tục thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam.

Ngành bán lẻ Việt Nam lo bị “nuốt” khi EVFTA được thực thi - Ảnh 1.

Thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi EVFTA có hiệu lực. (Ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia trong ngành bán lẻ, EVFTA là cơ hội để tăng cường lưu thông hàng hóa trong nước thông qua việc mở rộng qui mô và mạng lưới kinh doanh của các nhà bán lẻ nước ngoài. 

Việc mở cửa thị trường sẽ đem lại cho các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cơ hội tiếp cận và hấp thụ nguồn vốn đầu tư lớn, công nghệ quản lí tiên tiến trong các hoạt động thương mại từ các nước EU. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao.

Tuy nhiên, song song với những cơ hội hiện hữu, cuộc đua giành thị phần giữa doanh nghiệp nội, doanh nghiệp ngoại trong lĩnh vực này được dự báo sẽ ngày càng gay gắt.

Đầu tháng 8 tới, khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, đây sẽ là “sức hút” khiến các doanh nghiệp lớn của các quốc gia thành viên EU đẩy mạnh đầu tư vào ngành bán lẻ của Việt Nam. 

Đó là tin vui nhưng cũng là vấn đề khiến nhiều người quan ngại, bởi các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế, qui mô nhỏ, khó có đủ năng lực để cạnh tranh, khẳng định vị thế của mình trên thị trường bán lẻ.

Ông Vũ Vinh Phú – chuyên gia ngành bán lẻ cho rằng, khi gia nhập EVFTA bên cạnh những thuận lợi, chúng ta sẽ phải chịu nhiều sức ép. Khi mở cửa, hàng hóa xuất khẩu sang các nước, đồng thời, hàng hóa các nước sẽ xâm nhập vào trường Việt Nam. 

Cùng với đó, hàng hóa các nước có thế mạnh về chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã cải tiến đa dạng, nếu giá cả hợp lí nữa thì hàng hóa của Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh rất lớn, thậm chí là khốc liệt.

Nhìn nhận một cách thẳng thắn và khách quan về thị trường bán lẻ Việt, ông Vũ Vinh Phú cho hay, hiện nay, sự gắn kết giữa các nhà sản xuất Việt Nam với hệ thống phân phối Việt Nam còn lỏng lẻo, còn ép giá nhau, mới có 10% hàng hóa đạt tiêu chuẩn vào được siêu thị Việt Nam. 

Nhiều hàng hóa của Việt Nam không đạt chất lượng, mẫu mã kém đa dạng, giá cả còn cao, thiếu sự liên kết chuỗi sản xuất phân phối trong nước. Đây là những điểm yếu mà các nhà sản xuất phải khắc phục.

Về phía cơ quan quản lí, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, thị trường phân phối của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức và chịu nhiều tác động từ quá trình mở cửa theo cam kết. 

Đó là hệ thống chính sách, pháp luật có thể không theo kịp biến động của thị trường. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong lưu thông hàng hóa nhập khẩu trên thị trường nội địa, khó khăn trong việc cân đối giữa phát triển kinh tế, thương mại, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp phân phối trong nước với năng lực hạn chế hơn so với các doanh nghiệp phân phối lớn đến từ các nước thuộc EU vốn đã có tiềm lực rất mạnh. Do đó, có thể dẫn đến khả năng các doanh nghiệp phân phối trong nước dễ bị thâu tóm, chiếm lĩnh thị phần bởi các doanh nghiệp nước ngoài.

Để có thể trụ vững trên sân nhà, buộc các nhà sản xuất Việt Nam phải vươn lên để cải tiến mẫu mã, nâng cao năng suất lao động và cạnh tranh ngay trên thị trường nội địa với hàng hóa của các nước.

Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phải tự vươn lên để xây dựng thương hiệu bán lẻ của mình; phải tổ chức nguồn hàng phong phú đa dạng, đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ. Cùng với đó, tăng cường liên kết sản xuất và sản xuất kinh doanh phải có trách nhiệm.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước lưu ý: "Để tận dụng tối đa tiềm năng của EVFTA, cần hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, xây dựng biện pháp bảo vệ doanh nghiệp nội địa theo hướng lập các hàng rào kỹ thuật, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài, không để doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế tiếp cận nguồn lực kinh doanh nhiều hơn doanh nghiệp nội địa. Cùng với đó là đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền về các qui định theo cam kết của EVFTA".

Chung Thủy

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.