|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bán lẻ ngoại tuyến chiếm tới 80% doanh thu của các thương hiệu thời trang tên tuổi

14:02 | 17/06/2020
Chia sẻ
Ngành bán lẻ đang dần chuyển đổi số nhưng với riêng phân ngành bán lẻ thời trang, doanh thu từ các cửa hàng ngoại tuyến vẫn chiếm tỉ trọng rất lớn.

Giai đoạn giãn cách xã hội, nhiều cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu đã phải tạm ngừng. Một số điểm bán lẻ cũng nằm trong danh sách tạm đóng cửa và dần "số hóa" khi bán hàng trên nền tảng internet, ứng dụng di động.

Bán lẻ ngoại tuyến chiếm 70%-80% doanh thu với các thương hiệu thời trang tên tuổi - Ảnh 1.

Big C Miền Đông thông báo đóng cửa. Ảnh: Phúc Minh.

Một trong những tập đoàn lớn trong ngành bán lẻ truyền thống là Saigon Co.op cũng đang dần chuyển đổi số. Hệ thống đặt hàng trên website của Co.op Mart (một thương hiệu lớn thuộc Saigon Co.op) vừa ra mắt vào cuối năm 2019, ngay trước giai đoạn COVID-19 xuất hiện.

Trong thời kì hậu giãn cách xã hội, việc kinh doanh đang dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, một số điểm bán lẻ "truyền thống" đã ngừng hẳn hoạt động, như một vài trung tâm mua sắm của Auchan, Parkson và Big C. Trong số đó, Big C Miền Đông đóng cửa vì không thỏa thuận được giá thuê mới với bên cho thuê.

"Quyết định đóng một số điểm bán lẻ có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau như sự thay đổi thị hiếu của người mua, sự cạnh tranh thị trường khi rất nhiều trung tâm mua sắm đã được xây dựng thành công với mô hình mới, hợp thời, bắt kịp xu thế cùng với các khách thuê/thương hiệu hấp dẫn...", báo cáo về bất động sản bán lẻ của Savills chỉ ra.

Với ngành bán lẻ thời trang, việc bán lẻ ngoại tuyến tại các cửa hàng vẫn chiếm ưu thế, đặc biệt với các thương hiệu có tên tuổi (cao cấp, trung cấp, thương hiệu lớn). Theo Savills, doanh thu từ bán hàng ngoại tuyến vẫn chiếm 70%-80% tổng doanh thu.

Bán lẻ ngoại tuyến chiếm 70%-80% doanh thu với các thương hiệu thời trang tên tuổi - Ảnh 2.

Với ngành bán lẻ thời trang, các trải nghiệm tại cửa hàng ngoại tuyến vẫn tạo ra sự khác biệt. Ảnh: Lê Quý.

"Khách hàng ngày nay không chỉ chọn sản phẩm vì các đặc điểm nội tại của sản phẩm như chất lượng hay là thiết kế, mà còn nghĩ đến những cảm nhận và giá trị họ có thể nhận từ sản phẩm hoặc thương hiệu", báo cáo nhấn mạnh.

Chính vì những trải nghiệm đó, dù xu thế bán lẻ đang dần "số hóa", nhưng ngành thời trang vẫn cần cân bằng giữa các kênh bán hàng để tối đa hóa lợi nhuận. Đây cũng là cơ hội dành cho các trung tâm thương mại và siêu thị bán lẻ có thể tồn tại, đặc biệt ở dòng sản phẩm trung và cao cấp.

Khi tình hình dịch bệnh lắng xuống ở Việt Nam, một số trung tâm thương mại và siêu thị bán lẻ tung ra chính sách hỗ trợ khách thuê bằng việc giảm giá mặt bằng 30% - 100%. Việc giảm giá mặt bằng giúp các thương hiệu bán lẻ tránh rơi vào trạng thái khó khăn về dòng tiền, qua đó duy trì mối quan hệ đối tác khi dịch bệnh trên thế giới vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát.

Tiểu Phượng