Ngân sách năm 2019: Lo biến động lớn tỷ giá làm nặng gánh trả nợ?
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Thu ngân sách năm 2019 có thể trên 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với ước thực hiện năm nay. Tuy nhiên, rủi ro cần tính tới là nếu GDP không đạt kế hoạch hoặc có các biến động lớn về lãi suất, tỷ giá, nghĩa vụ trả nợ sẽ tăng lên.
Nợ công bằng 61,3%GDP
Theo báo cáo “Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 Chính phủ trình Quốc hội” vừa được Bộ Tài chính công khai, trong năm 2019, tổng thu ngân sách đạt khoảng trên 1,411 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so ước thực hiện năm 2018.
Trong số trên, dự toán thu nội địa là hơn 1,173 triệu tỷ đồng, chiếm 83,2% tổng dự toán thu.
Không kể các khoản thu không ổn định và không phải đặc trưng của sản xuất – kinh doanh trong nước như thu tiền sử dụng đất, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, thu từ bán bớt phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp, khoản thu nội địa có thể đạt 945.000 tỷ đồng. Mức thu này tăng 12,8% so với ước thực hiện năm 2018.
Đây là mức thu theo đánh giá là tích cực so với tăng trưởng kinh tế 6,6-6,8% và cao hơn tốc độ tăng thu thuế, phí vài năm trở lại đây (năm 2016 tăng 11,4%, năm 2017 tăng 8,9%).
Với dầu thô, theo tính toán, trong năm sau, số thu từ mặt hàng khoảng 44.600 tỷ đồng, chiếm 3,2% tổng dự toán thu. Số thu này đươc tính toán trên cơ sở sản lượng dầu khai thác là 10,43 triệu tấn, giá dự toán 65 USD/thùng. Riêng với giá dầu, báo cáo cũng giải thích, dự báo của một số tổ chức quốc tế xoay quanh giá dầu năm sau ở mức 60-75 USD/thùng.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu dự kiến đạt hơn 189.000 tỷ đồng, chiếm 13,4% tổng dự toán thu.
Ở hướng ngược lại, tổng chi ngân sách theo kế hoạch năm sau là hơn 1,633 triệu tỷ đồng, tăng 7,2% so dự toán năm 2018.
Trong tổng chi trên, phần lớn vẫn là chi thường xuyên với khoảng 1,042 triệu tỷ đồng, bằng 63,8% tổng chi. Đáng chú ý, chi trả nợ lãi cũng tăng 11% so với dự toán năm 2018 với mức 124.800 tỷ đồng. Còn lại là chi đầu tư phát triển khoảng hơn 429.000 tỷ đồng và một số khoản chi khác.
Từ đó, bội chi ngân sách năm 2019 là 222.000 tỷ đồng, bằng khoảng 3,6%GDP. Đến hết năm 2019, dự kiến nợ công bằng khoảng 61,3%GDP. Trước đó, theo tính toán, trong năm 2018, dư nợ công bằng khoảng 61,4%GDP.
Rủi ro nếu biến động lớn
Với những dự kiến, báo báo cũng nêu lên rủi ro là chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế hiện còn thấp và những biến động khó lường của tình hình kinh tế, thương mại thế giới.
“Khi tăng trưởng GDP thực tế không đạt thì sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước và tác động các chỉ tiêu tính toán trên GDP như bội chi, nợ công,…” báo cáo nêu.
Ngoài ra, rủi ro về thu ngân sách có thể xuất phát từ các diễn biến thực tế chưa lượng hóa đầy đủ đối với tác động của việc cắt giảm thuế theo Hiệp định thương mại tự do. Báo cáo cũng nhắc tới rủi ro gắn với nguồn thu từ cổ phần hóa, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế không đạt.
Với chi ngân sách, trong bối cảnh dư địa tăng thu không còn nhiều, báo cáo chỉ ra, các yêu cầu đột xuất trong chi, như rủi ro giải ngân vượt kế hoạch nguồn vốn ngoài nước sẽ tác động đến bội chi và nợ công.
Cơ quan soạn thảo cũng lo rằng, trường hợp giá trị GDP không đạt kế hoạch, hoặc có các biến động lớn về lãi suất, tỷ giá,.. những yếu tố này có thể tăng nghĩa vụ trả nợ gốc.
“Đồng thời, việc cơ cấu lại kỳ hạn và lãi suất các khoảng vay sẽ chỉ thực hiện được khi thị trường diễn biến thuận lợi, có bước phát triển khá, cả về chiều rộng và chiều sâu,” báo cáo chỉ ra.
Qua đó, một trong các giải pháp được nêu lên là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Báo cáo cũng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm cạnh tranh bình đẳng nhằm thúc đẩy tăng trưởng cao và bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc.
Vấn đề nữa là quán triệt quan điểm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, phù hợp khả năng cân đối nguồn lực ngay từ khâu xác định nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm cần thực hiện năm 2019 và kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2019-2021./.
Xem thêm |