Ngân hàng trung ương nhiều quốc gia rục rịch tăng lãi suất, nín thở chờ động thái từ Mỹ
Nền kinh tế Mỹ bùng nổ đang thúc đẩy lạm phát tăng cao trên toàn thế giới. Việc đồng USD tăng giá cũng đặt áp lực khiến các ngân hàng trung ương tăng lãi suất bất chấp kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn và số ca nhiễm COVID-19 vẫn cao.
Ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới đang chờ đợi phản ứng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với lạm phát tăng và lo lắng bị cuốn vào dòng chảy của đợt mở rộng kinh tế bất thường ở Mỹ. Thị trường chứng khoán toàn cầu đã giảm điểm trong phiên giao dịch hôm thứ 5 (17/6) sau khi Fed báo hiệu kỳ vọng tăng lãi suất vào thời điểm cuối năm 2023, sớm hơn so với dự báo hồi tháng 3, trong bối cảnh kinh tế Mỹ hồi phục.
Xu hướng lãi suất tăng cao hơn trên toàn cầu, với Fed là tâm điểm, có nguy cơ kìm hãm phục hồi kinh tế tại một số khu vực, đặc biệt là giữa lúc nợ từ các thị trường mới nổi tăng lên.
Nền kinh tế Mỹ, vốn chiếm tới một phần tư tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, và tầm quan trọng của thị trường tài chính Mỹ từ lâu đã có ảnh hưởng lớn đến quá trình hoạch định chính sách trên toàn cầu.
Dù vậy, sự tăng trưởng nhanh bất thường của Mỹ trong năm nay là đặc biệt quan trọng giữa lúc kinh tế thế giới vẫn đang phục hồi sau cú sốc của năm 2020. Theo dự phóng được công bố hồi giữa tuần này, Fed dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 7% trong năm 2021.
Ngân hàng trung ương ở Nga, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lãi suất trong vài tuần trở lại đây, một phần để kiềm chế lạm phát đến từ giá hàng hoá tăng mạnh trong năm nay. Khi nhà máy trên khắp thế giới tăng hết tốc lực để đáp ứng nhu cầu của Mỹ, từ thiếc tới đồng, giá hàng hoá liên tục tăng cao.
"Với tất cả những hậu quả mà đại dịch để lại, điều cuối cùng các quốc gia này cần là một thắt chặt chính sách", ông Tamara Basic Vasiljev, một nhà kinh tế học tại Oxford Economics, nói với WSJ.
Nền kinh tế Mỹ sẽ hỗ trợ kinh tế nói chung toàn thế giới bằng cách tăng cường nhập khẩu và hoạt động chuyển tiền, kiều hối. Dù vậy, nó cũng làm tăng chi phí vay, lạm phát và làm đồng USD tăng giá. Tất cả xu hướng này đều thắt chặt điều kiện tài chính toàn cầu và đặt nhiều áp lực lên quá trình hồi phục kinh tế.
Dù vậy, mỗi thị trường lại có cách cảm nhận "nỗi đau" khác nhau.
Đồng USD mạnh lên ảnh hưởng tiêu cực tới các thị trường mới nổi thực hiện các khoản vay bằng đồng USD, trong khi đó lại giúp nhiều nhà xuất khẩu lớn ở Châu Âu và Đông Á với các sản phẩm cạnh tranh hơn so với xuất khẩu Mỹ.
Ở các nền kinh tế phát triển hơn, các ngân hàng trung ương tin rằng giai đoạn lạm phát tăng sẽ chỉ là tạm thời trừ khi người tiêu dùng kỳ vọng nó sẽ duy trì lâu hơn và yêu cầu mức lương cao hơn.
Mặc dù ngân hàng trung ương không cho rằng điều này sớm xảy ra, một số nhà kinh tế cho rằng họ có thể sẽ bất ngờ.
Luigi Speranza, trưởng nhóm kinh tế toàn cầu tại BNP Paribas, cho biết: "Tôi nghĩ rằng khả năng cao là cú sốc tạm thời đối với giá cả này có thể kéo dài lâu hơn". Ông Speranza cho rằng lạm phát ở Đức có khả năng vào khoảng 4% khi đợt thương lượng lương tiếp theo bắt đầu vào cuối năm nay.
Các ngân hàng trung ương ở Châu Âu và Nhật Bản cần phản ứng đồng nhất với quan điểm ủng hộ lãi suất thấp của Fed hoặc đối mặt với rủi ro tăng giá đồng tiền, ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế, các nhà kinh tế học nhận định.
Những bước nhảy xung quanh động thái của Fed có thể bị huỷ bỏ nếu như lạm phát dai dẳng hơn dự kiến. Điều này có thể kích thích phản ứng dây chuyền tăng lãi suất.
"Để ngăn đồng euro mạnh lên, ngân hàng trung ương Châu Âu cần giữ trạng thái "bồ câu" (dovish - ủng hộ lãi suất thấp) tương tự như Fed. Đây có thể là một điều khó khăn vì mức lạm phát khác nhau và động lực tăng trưởng khác nhau", ông Elga Bartsch, người đứng đầu mảng nghiên cứu vĩ mô của BlackRock, chia sẻ.
Dù vậy, các nền kinh tế mới nổi cũng không thể chờ đợi. Ngay cả một đợt tăng lạm phát trong ngắn hạn cũng có thể đè nặng áp lực lên chính sách tiền tệ, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp và các hộ gia đình.
Fed đã bày tỏ những động thái cho thấy nỗ lực để tránh việc lặp lại sự kiện Taper Tantrum năm 2013. Đây là sự kiện gắn liền với những giai đoạn Fed xoay trục chính sách tiền tệ, từ nới lỏng sang thắt chặt. Trong sự kiện này, các ngân hàng trung ương thuộc các quốc gia đang phát triển buộc phải đối mặt với việc nhiều khoản đầu tư nước ngoài bị rút đột ngột sau khi ngân hàng trung ương Mỹ khiến giới đầu tư ngỡ ngàng bằng việc cân nhắc giảm các gói kích thích.
"Vì thế, dự định của chúng tôi cho quá trình này là nó sẽ được thực hiện theo thứ tự, có phương pháp và minh bạch", ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed, chia sẻ. "Và tôi có thể nói với các bạn rằng, chúng tôi thấy giá trị thực sự của việc truyền thông rõ ràng trước những quan điểm của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ cố gắng thật rõ ràng".
Thế nhưng, với lạm phát toàn cầu tăng nhanh và Fed bắt đầu chuyển hướng, tính toán của một số ngân hàng trung ương đang thay đổi.
Hồi giữa tuần này, ngân hàng trung ương Brazil công bố đợt tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm thứ 3 liên tiếp và ngụ ý rằng các đợt tăng lớn hơn có thể sẽ tiếp tục được công bố. Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Brazil đương đầu với lạm phát 8%.
Ngân hàng trung ương Nga cũng nâng lãi suất tham chiếu 3 lần trong năm nay lên mức 5,5% sau khi tỷ lệ lạm phát vượt ngưỡng 6% vào tháng này, mức cao nhất trong gần 5 năm trở lại đây. Hôm 15/6, thống đốc Elvira Nabiullina cho biết Nga sẽ tiếp tục tăng lãi suất và không cho rằng đây là rào cản với tăng trưởng kinh tế.
Phản ứng lại với lạm phát hai con số và đồng lira mất giá, hồi tháng 3, ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tăng mạnh lãi suất chính lên 19%. Thế nhưng đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ lại tiếp tục chịu áp lực trong những tuần gần đây khi các nhà đầu tư cố gắng đánh giá rằng liệu ngân hàng trung ương có chú ý đến yêu cầu cắt giảm lãi suất của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hay không.
Việc tăng giá gần đây đối với các sản phẩm tươi sống đã làm tăng giá cái gọi là "borscht set" – những loại rau cần thiết cho món súp yêu thích của người Nga — vốn là một chỉ số đáng tin cậy cho nhiều người Nga. Từ đầu năm đến nay, giá khoai tây, bắp cải và cà rốt đã tăng từ 60% đến 80%.
Ở các quốc gia thu nhập thấp hơn, một phần lớn thu nhập được chi cho các món đồ thiết yếu như thực phẩm hay năng lượng. Vì thế, chính phủ sẽ có các động thái kiềm chế lạm phát nhanh hơn khi giá các mặt hàng này tăng lên.
Cùng thời điểm, ngân hàng trung ương khu vực Scandinavia và Hàn Quốc cũng công bố những kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ để hạn chế khả năng phát sinh bong bóng tài sản, đặc biệt là bất động sản. Hôm 17/6, ngân hàng trung ương Na-Uy công bố dự định sẽ tăng lãi suất vào tháng 9.
Nhiều ngân hàng trung ương ở Trung Âu, bao gồm cả Hungary và Cộng hoà Séc, cũng dự kiến sớm nâng lãi suất khi cũng đang chứng kiến lạm phát gia tăng.
Ông Iain Stealey, giám đốc đầu tư tại JP Morgan Asset Management, nói rằng Fed sẽ tránh được việc lặp lại sự kiện "taper tantrum".
"Đây sẽ là một quá trình rất dài và chậm… nhưng thật khó để không làm như vậy dù lạm phát đang tăng", ông Stealey nói thêm.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/