|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng hồ hởi báo lãi từ nợ xấu: Lãi ở đâu?

07:31 | 23/10/2017
Chia sẻ
Tăng trích lập dự phòng, bán tài sản bảo đảm chỉ là khoản thu bất thường, không thể coi là lãi - TS Nguyễn Trí Hiếu.

Không thể coi là lãi

PV:- Thưa ông, báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - tài chính 9 tháng đầu năm 2017, rất nhiều tổ chức tín dụng đã thu được lãi nghìn tỷ nhờ vào việc tăng cường trích lập dự phòng nợ xấu và bán được tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đã tồn tại trong nhiều năm.

Thưa ông, liệu ông có thể giải thích rõ hơn về điểm này? Những khoản thu của ngân hàng trong hoạt động xử lý nợ xấu cụ thể là thế nào?

TS Nguyễn Trí Hiếu:- Tôi chưa được tiếp cận với báo cáo trên của ngân hàng, nên không thể khẳng định được ngân hàng đã đưa ra tính toán và nhận định trên dựa trên cơ sở cụ thể nào.

ngan hang ho hoi bao lai tu no xau lai o dau
Nợ xấu là gánh nặng cho các ngân hàng. Ảnh minh họa

Nhưng đối với một món nợ xấu thuộc nhóm 5, và ngân hàng đã thực hiện trích lập đủ mức dự phòng rủi ro là 100%.

Như vậy, trên bảng thống kê sổ sách kế toán, số nợ đó coi như bằng 0, vì ngân hàng đã sử dụng hết 100 đồng để xử lý cho khoản nợ xấu đó rồi.

Tuy nhiên, đi cùng với món nợ đó còn có một khoản nữa nằm ở tài sản bảo đảm cho món nợ xấu chưa được xử lý.

Tôi lấy ví dụ, khoản tài sản bảo đảm đó trước khi đem đi bán được định giá là 120 đồng, nếu bây giờ ngân hàng muốn thu hồi vốn thì phải mang bán lại số tài sản bảo đảm đó với giá trị bằng 50% (khoảng 60 đồng) hoặc thấp hoặc cao hơn tùy từng nhóm tài sản.

Như vậy, 60 đồng đó chính là một khoản thu nhập bất thường của ngân hàng. Khoản này không được xem là lãi vì thực tế ngân hàng đã bị chịu lỗ trong suốt khoảng thời gian dài do không thu hồi được vốn và phải sử dụng toàn bộ 100% chi phí trích lập dự phòng để xử lý cho khoản lỗ đó rồi.

Hay nói cụ thể hơn, một khoản thu được xem là lãi của ngân hàng chỉ khi khoản thu đó có được từ các hoạt động cho vay của ngân hàng. Còn ở đây, là một khoản vay đã không thể thu hồi được vốn lẫn lãi, ngân hàng phải bán tài sản bảo đảm để xử lý khoản vay đó thì đây chỉ được xem là một khoản thu bất thường của ngân hàng.

Các nước quốc tế họ cũng không coi những khoản thu nhập bất thường có được từ bán tài sản bảo đảm là lãi.

PV:-Trên thực tế, những khoản nợ xấu bị xếp vào nhóm khó có thể thu hồi, không xử lý được mới phải bán. Tình hình khả quan nói trên có thể là đại diện cho việc xử lý nợ xấu thuộc nhóm này hay không và vì sao? Xin ông phân tích cụ thể.

TS Nguyễn Trí Hiếu:- Trên thực tế, có những món nợ cực xấu như các dự án trên giấy, hoặc những món nợ cho doanh nghiệp nhà nước vay, ví dụ như món nợ của Vinashin là những món nợ rất khó có thể thu hồi được, cũng không thể bán lại được.

Khi đó, việc xử lý những món nợ thuộc các nhóm này có thu được kết quả khả quan hay không lại phụ thuộc rất lớn vào các ngân hàng.

Một món nợ được gọi là xử lý khả quan khi ngân hàng bán được tài sản bảo đảm và thu hồi được cả vốn lẫn lãi, kể cả lãi phạt.

Ở trường hợp ngân hàng bán tài sản bảo đảm nhưng số tiền thu về không đủ bù đắp khoản tiền gốc, tiền lãi và các khoản chi phí khác thì sẽ trở thành gánh nặng, gây thiệt hại rất lớn cho các ngân hàng.

Tái cấu trúc ngân hàng còn đang dang dở

PV:- Thời gian gần đây, xuất hiện những thông tin tích cực về tình hình xử lý nợ xấu và sự ổn định của hệ thống ngân hàng Việt Nam, song song với đó là việc xử nghiêm những đại án ngân hàng gây bất bình trong dư luận và thất thoát tín dụng của nền kinh tế. Ông có kỳ vọng việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại đang được thực hiện rốt ráo hay không? Theo ông, vẫn cần phải lưu ý thêm những điểm gì?

TS Nguyễn Trí Hiếu:- Theo quan sát của tôi, trong những năm vừa qua NHNN đã rất nỗ lực trong thực hiện tái cấu trúc ngành ngân hàng. Tuy nhiên, tái cấu trúc ngân hàng cần phải được nhìn nhận như một tiến trình dài hơi, bền bỉ, lâu dài và luôn có sự cải tiến.

Kể cả ở nước ngoài, công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng cũng chưa bao giờ là hoàn hảo mà phải luôn có sự thay đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Việt Nam, sau nhiều năm nỗ lực thực hiện, cho tới nay có thể nhận thấy vẫn còn một số vấn đề cần phải nghiên cứu, điều chỉnh như sau: Việc xử lý nợ xấu và sở hữu chéo chưa triệt để; chưa có sự đồng bộ về tái cơ cấu các NHTM và tái cơ cấu kinh tế, chưa được gắn với tái cơ cấu với đầu tư công; cơ sở pháp lý cho tái cơ cấu các NHTM và sở hữu chéo chưa đầy đủ, đồng bộ.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các quy định, hành lang pháp lý cho phá sản những ngân hàng yếu kém vẫn còn chưa được hoàn thiện...

Đặc biệt là việc tăng vốn cho các ngân hàng; việc NHNN đã mua lại ba ngân hàng TMCP với giá 0 đồng (NH Xây dựng, NH Đại Dương, NH Dầu khí toàn cầu) và chỉ định các NHTM nhà nước tham gia tái cơ cấu 3 ngân hàng này nhưng tới nay vẫn không có được thông tin cụ thể về tài chính, sức khỏe của những ngân hàng này.

Vì vậy, cho tới thời điểm này, chỉ có thể nói NHNN đã cơ bản có được một phần thành công nhưng công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng vẫn còn đang dang dở và phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa.

PV:- Xin cảm ơn ông!

Hoài An