|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ngân hàng giảm lãi suất liệu có phải 'chỉ thấy trên ti vi'?

09:08 | 05/09/2021
Chia sẻ
Nhiều cá nhân, doanh nghiệp cho rằng việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi hay giảm lãi suất cho khách hàng vẫn còn gặp khó khăn, giảm lãi suất "chỉ thấy trên ti vi".
Ngân hàng giảm lãi suất  liệu có phải 'chỉ thấy trên TV'? - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ: Báo Tin tức).

Giảm lãi suất chỉ có trên ti vi?

Hàng loạt ngân hàng cho biết đã triển khai hàng loạt gói giảm lãi suất cho cả khách hàng hiện hữu và khách hàng mới, tổng mức lãi giảm lên tới 24.000 tỷ đồng, nhưng không ít người phản ánh chưa nhận được hỗ trợ từ ngân hàng mặc dù gặp khó khăn hơn trong dịch bệnh.

Anh Hoài Bảo (Hóc Môn, TP HCM), mặc dù vay thế chấp bằng sổ hồng nhà và đất tại ngân hàng M tại TP HCM để mua nhà từ năm 2019 với khoản vay 1 tỷ đồng. "Khoản vay của tôi lãi suất hiện tại là 13,1%và từ đó đến nay 24/8/2021 chưa bao giờ giảm", anh Bảo cho biết.

Trong khi đó, theo thông tin trên website, ngân hàng này cho biết vẫn đang thực hiện chương trình hỗ trợ khách hàng giảm lãi suất từ 1 - 3% trên số dư hiện hữu.

Không chỉ vậy, khi liên lạc với đại diện chi nhánh ngân hàng cấp vốn để giải quyết, anh B. lại nhận được phản hồi rằng gói hỗ trợ trên trên chỉ áp dụng cho khách hàng chịu mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ liên kết và có sổ tiết kiệm tại ngân hàng.

Anh cho rằng TP HCM đang là tâm dịch, việc áp dụng chỉ thị 16 yêu cầu người dân tuân thủ không đi ra ngoài thì làm sao có thể có thu nhập để mua bảo hiểm nhân thọ hay gửi tiết kiệm để được ưu đãi giảm lãi suất trên.

Chia sẻ với Dân trí, chị Minh Xuân cho biết đang vay mua đất tại ngân hàng S. với lãi suất ưu đãi 8,59%/năm, cố định trong 3 năm. Tiền trả nợ ngân hàng được trích từ việc kinh doanh quán cà phê. Quán phải đóng cửa từ 3 tháng nay nhưng ngân hàng từ chối giảm nợ cho chị, với lý do người vay không chứng minh được thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tuy vậy, cũng không hẳn là giảm lãi suất "chỉ thấy trên ti vi". chị Ngân vay ngân hàng V. hơn 1 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm, để mua nhà tại TP HCM, mỗi tháng phải trả khoảng 15 triệu đồng. Khi giãn cách xã hội, thu nhập giảm 30% và mới đây ngân hàng thông báo khoản vay của chị được duyệt hỗ trợ 0,5%/năm, bắt đầu áp dụng từ 25/9. 

Tuy nhiên, theo chị mức giảm này chỉ tương đương 600.000 đồng/tháng, không đáng kể so với mức hàng tháng phải trả góp hiện nay.

Doanh nghiệp kêu cứu khi đứng trước bờ vực phá sản

Mặc dù nhận đã nhận được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, nhưng cũng không ít doanh nghiệp vẫn đang phải sống "lay lắt" qua ngày, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản. Các doanh nghiệp này cho rằng mức lãi suất được giảm thực sự chưa nhiều, vẫn có một số doanh nghiệp đang chờ phản hồi từ ngân hàng về chính sách hỗ trợ giảm lãi suất.

Ông P.C (TP HCM) chia sẻ trên báo Người lao động rằng doanh nghiệp của mình hoạt động sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực thiết bị y tế, vừa được giải ngân khoản vay 50 tỷ đồng từ một ngân hàng cổ phần. Dù trong thời điểm khó khăn, nhà băng này vẫn yêu cầu công ty phải để lại 1 tỷ đồng trong tài khoản thanh toán để trừ lãi dần cho khoản vay này.

Trong một buổi toạ đàm về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, cho hay giai đoạn vừa qua, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự khó khăn. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98%, đây là khối lượng doanh nghiệp lớn, bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 cực kỳ nặng nề.

"Giai đoạn vừa qua, lãi suất chưa bao giờ thấp như bây giờ, nhưng cơ hội để vay và phục hồi sản xuất rất khó. Tài sản thế chấp là vấn đề lớn, chỉ dùng để đi vay được khoản ban đầu, nhưng đọng vốn rồi đi vay rất khó", bà Ngân nói.

Đại diện cho hiệp hội, bà Ngân cho rằng doanh nghiệp phải có sức mới có thể chống chọi được trong tình hình hiện nay, kỳ vọng mong ngân hàng cho nợ dài hạn hơn để có điều kiện phục hồi.

Trong bối cảnh dịch bệnh, hàng loạt các hiệp hội cũng đã gửi kiến nghị tới các cơ quan quản lý, tổ chức tín dụng bày tỏ nguyện vọng được giảm thêm lãi suất trong thời gian tới.

Không phải ai cũng được giảm lãi suất?

Cũng phải nhìn vào thực tế rằng, mặc dù dịch bệnh là khó khăn chung, nhưng không phải đối tượng nào cũng sẽ nhận được hỗ trợ lãi suất.

Theo cam kết giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại, việc giảm lãi sẽ không dành cho tất cả mà phân lớp khách hàng. Ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc Techcombank cho biết ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất, tuy nhiên trong hỗ trợ không nên cào bằng.

"Nên tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn… Còn các doanh nghiệp bất động sản đang lãi lớn, các doanh nghiệp xuất khẩu hay các cá nhân vay tiền mua xe ô tô… thì không nên hỗ trợ lãi suất", ông Thắng nói.

Nhiều chuyên gia đánh giá các doanh nghiệp bất động sản bất động sản, chứng khoán, vốn là những lĩnh vực có rủi ro cao, có thể không được ưu tiên. Việc giảm lãi suất đối với những doanh nghiệp này có thể khiến dòng tiền đầu cơ đổ mạnh vào, tạo ra "bong bóng" và để lại hệ lụy lớn trên thị trường.

Chuyên gia tài chính TS. Cấn Văn Lực cho rằng nên tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như vận tải, du lịch, lưu trú – ăn uống, y tế, giáo dục – đào tạo,... Có thể ban hành các gói cho vay ưu đãi lãi suất thấp, ân hạn khoảng 1 năm, cấp bù lãi suất từ vốn ngân sách.

Theo giới phân tích, vì dư địa giảm lãi suất điều hành của là không nhiều, do đó để giảm được lãi suất cho vay, các ngân hàng bắt buộc phải tiết giảm chi phí hoạt động, thậm chí, chấp nhận hy sinh lợi nhuận. Vì vậy, bản thân các ngân hàng cũng phải cân đối việc giảm lãi suất và duy trì hoạt động để đảm bảo lợi ích của cả khách hàng và cổ đông.

Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã lên tiếng cho biết sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất, giảm được bao nhiêu, giảm thế nào để có sự hỗ trợ thực chất nhất. Các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như cam kết.

"Quan điểm của NHNN là dù ngân hàng cũng hoạt động kinh doanh như doanh nghiệp, nhưng lúc này, các ngân hàng nên đề cao trách nhiệm chia sẻ, cần "thắt lưng buộc bụng", tiết giảm chi phí, nhất là khi tình trạng dịch căng thẳng, nên việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, người dân là căn cơ và thiết thực", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Lê Huy