|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Giải cứu doanh nghiệp, không phải chỉ từ việc giảm lãi suất

11:15 | 30/08/2021
Chia sẻ
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, để có thể vực dậy nền sản xuất, cần có sự đồng bộ của nhiều chính sách từ điều hành chiến lược, nguồn vốn từ ngân sách chứ không chỉ từ chính sách tiền tệ của ngân hàng.

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã làm xáo trộn gần như toàn bộ hoạt động của nền kinh tế trong nước. Sự bùng dịch mạnh mẽ tại các địa phương trọng điểm kinh tế phía Nam đã khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng, dừng hoạt động, thậm chí phá sản.

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục thống kê (GSO), 85.500 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng qua. Riêng TP HCM chiếm đến 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui.

Trong khi đó, những doanh nghiệp tiếp tục hoạt động phải gánh chịu thêm nhiều chi phí trong khi triển khai phương thức "3 tại chỗ," "một cung đường 2 điểm đến" và phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến tổ chức ăn ở, sinh hoạt cho người lao động.

Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đã gửi đề xuất tới các ngân hàng đề nghị giãn, hoãn nợ và giảm lãi suất từ 3 - 5%. 

Mặc dù hiểu rằng bất kỳ một chính sách cứu cánh nào cũng sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực về chi phí, thanh khoản nhưng giảm lãi suất có thực sự là mấu chốt trong bài toán hoạt động hiện nay của các doanh nghiệp?

Giảm lãi suất hay cơ cấu lại nợ giúp giảm áp lực trả nợ trong thời gian ngắn hạn nhưng nếu doanh nghiệp cứ phải tạm dừng hoạt động, không có nguồn thu trong khi vẫn phải trả nhiều loại chi phí như thuê nhà, trả lương,... thì có thể kéo dài được bao lâu?

Trao đổi với chúng tôi, Chuyên gia tài chính TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho biết trong bối cảnh hiện nay cần phải sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp, phải hỗ trợ toàn diện chứ không chỉ là từ việc giảm lãi vay.

Theo chuyên gia, chính sách tiền tệ là quan trọng nhưng chỉ là hỗ trợ, chính sách tài khoá phải là chủ lực. "Những lúc như thế này Chính phủ phải vào cuộc, ngân sách phải vào cuộc thì mới được", ông nói

"Theo thống kê trên toàn thế giới, thông thường chính sách tài khoá tung ra khoảng 10%, chính sách tiền tệ khoảng 6% GDP", ông cho biết thêm.

Giải cứu doanh nghiệp, không phải chỉ từ việc giảm lãi suất - Ảnh 1.

Chuyên gia tài chính TS. Cấn Văn Lực. (Ảnh: Reatimes).

Chuyên gia cho rằng trước hết chính phủ cần thực hiện khẩn trương, tiến hành rà soát và tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện các gói hỗ trợ tính đến thời điểm hiện tại.

Cụ thể như Nghị định 52 về việc giãn hoãn thuế và tiền thuê đất, hiện đã hết hạn sẽ gia hạn tiếp theo như thế nào? Nghị quyết 68 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 có quy mô 26.000 tỷ đồng nhưng hiện tại mới sử dụng hỗ trợ cho 13 triệu lượt người với tổng số tiền là gần 6.000 tỷ đồng.

Các Thông tư 01 và 03 của NHNN về giãn hoãn nợ, cơ cấu lại nợ cũng cần xem xét sớm sửa đổi ngay sau khi NHNN hoàn tất lấy ý kiến rộng rãi.

Chuyên gia Cấn Văn Lực cũng đưa ra các đề xuất về các gói hỗ trợ mới và các giải pháp để đưa sản xuất trở lại như sau:

Trợ cấp cho tất cả lao động tự do

Giải cứu doanh nghiệp, không phải chỉ từ việc giảm lãi suất - Ảnh 2.

Đề xuất trợ cấp cho tất cả lao động tự do từ ngân sách chính phủ. (Ảnh: Thanh niên).

Chính phủ nên xem xét sớm mở rộng đối tượng hỗ trợ tới tất cả lao động phi chính thức (lao động tự do) với mức trợ cấp 1 triệu đồng/người ngoài phần hỗ trợ riêng của các địa phương theo Nghị quyết 68. Với tổng số lao động năm 2020 là 54,6 triệu người, trong đó có khoảng 29,3 triệu người (53,7%) là lao động tự do, quy mô cho gói hỗ trợ này cần 29.300 tỷ đồng.

Theo số liệu thu thập của chuyên gia cùng nhóm nghiên cứu, đến nay, các địa phương mới hỗ trợ lao động tự do với số tiền khoảng gần 2.370 tỷ đồng, quá nhỏ bé so với nhu cầu cấp thiết. 

Giảm mạnh hơn các gói hỗ trợ tiền điện, viễn thông

Với gói hỗ trợ tiền điện, nên giảm mạnh hơn, giảm tiếp tiền điện cho người dân và doanh nghiệp, tương đương đợt 1 năm 2020 (khoảng 9.300 tỷ đồng); theo đó, EVN có thể xem xét mở rộng đối tượng được giảm, với ngân sách giảm bổ sung khoảng 6.800 tỷ đồng.

Với gói hỗ trợ viễn thông, hiện được công bố có giá trị ước khoảng 10.000 tỷ đồng, nhưng chủ yếu là gia tăng quyền lợi, ưu đãi cho khách hàng, chứ không giảm trực tiếp vào giá cước, nên chỉ có tác động đến một số đối tượng nhất định. Theo đó, cách hỗ trợ tốt nhất là nên giảm giá cước 20-30% trong khoảng 3 tháng (quý III), vì như vậy tính vào chi phí của doanh nghiệp và việc hỗ trợ thiết thực hơn.

Cho vay lãi suất ưu đãi thời hạn 1 năm, cấp bù lãi suất từ ngân sách với các lĩnh vực ảnh hưởng nặng nề

Theo ông, ngoài gói hỗ trợ 20.000 tỷ đồng mà Bộ Tài chính đang đề xuất; cần tăng khả năng tiếp cận vốn hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp. Theo đó, sớm tháo gỡ vướng mắc đối với phương án đầu tư mua cổ phần của SCIC tại Vietnam Airlines cũng như các hãng hàng không tư nhân (theo hướng cho phép cho vay theo lãi suất thỏa thuận, có ưu đãi đối với hãng hàng không đang bị thua lỗ nhưng triển vọng phục hồi trung – dài hạn là tích cực). 

Tăng khả năng tiếp cận vốn, hỗ trợ thanh khoản đối với DNNVV và có thể bao gồm các hãng hàng không tư nhân nêu trên (dưới dạng hỗ trợ lãi suất có trọng tâm, trọng điểm với gói tín dụng quy mô khoảng 60.000 tỷ đồng). Giá trị hỗ trợ lãi suất thực tế ước tính khoảng 2.500 tỷ đồng. 

Một số điều kiện cơ bản như lãi suất cho vay khoảng 4%/năm (tức là mức hỗ trợ lãi suất khoảng 4%/năm so với lãi suất thị trưởng). Việc cho vay thực hiện qua các ngân hàng thương mại và Quỹ phát triển DNNVV (có thể cùng với bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV). 

Thời hạn cho vay khoảng 1 năm, nguồn vốn cấp bù lãi suất từ ngân sách và tập trung vào các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như vận tải, du lịch, lưu trú – ăn uống, y tế, giáo dục – đào tạo,...

Tổng giá trị các gói hỗ trợ bổ sung nêu trên khoảng gần 40.000 tỷ đồng (0,62% GDP năm 2021), chưa kể giá trị hỗ trợ còn gia tăng khi điều chỉnh, gia hạn các chính sách hiện hành.

Không thể để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá, dịch vụ

Giải cứu doanh nghiệp, không phải chỉ từ việc giảm lãi suất - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ: Vietnamplus.

Bên cạnh các gói hỗ trợ từ ngân sách, chuyên gia cho rằng một trong những điều quan trọng hiện nay là khẩn trương tháo gỡ những ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất cho người dân và doanh nghiệp. 

Với người dân, không để hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu xảy ra (vừa gây khó khăn cho người dân, vừa bị tăng giá do vận chuyển, đi lại khó khăn; đây cũng là thực tế đã xảy ra ở một số địa phương giãn cách xã hội). 

Theo đó, cần nhất quán hơn về cách thức hoạt động của các chốt kiểm soát, của các shippers ở những địa phương giãn cách xã hội (tránh hiện tượng mỗi nơi, một kiểu như hiện nay). 

Với doanh nghiệp, mô hình "hai tại chỗ, một xanh" (ăn và làm việc tại chỗ, ở một chỗ khác an toàn, khi cần có thể là nơi cách ly luôn hoặc bố trí nơi cách ly khác do doanh nghiệp thu xếp) tỏ ra khá hiệu quả, phù hợp hơn cả và đang được Thái Lan áp dụng theo chương trình có tên gọi là "Thử nghiệm Nhà máy – Factory Sanbox". 

Tất cả công nhân sẽ được xét nghiệm 1 lần/tuần. Sau đó, những người dương tính sẽ bị cách ly và/hoặc chữa trị, còn nhóm âm tính được tiêm vắc xin,.... Cùng với đó, lực lượng sản xuất, tham gia chuỗi cung ứng này cần ưu tiên sớm tiêm vắc xin.

Cuối cùng, chuyên gia cho rằng Chính phủ cần sớm xây dựng chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh "bình thường mới"sau dịch COVID-19 nhằm chủ động tận dụng cơ hội phục hồi mạnh cũng như kiểm soát rủi ro phát sinh (giá cả tăng, lạm phát tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động….) nhằm đạt được mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và dài hơi hơn.

Diệp Bình

ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.