|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Phân hoá mạnh về NIM, không phải ngân hàng nào cũng có nhiều dư địa để giảm lãi suất cho vay

14:23 | 01/09/2021
Chia sẻ
Theo đánh giá của giới phân tích, mặc dù chịu tác động bởi việc giảm lãi suất cho vay, tuy nhiên biên lãi ròng (NIM) của một số ngân hàng vẫn có khả năng tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Giãm lãi suất cho vay, không phải biên lợi nhuận ngân hàng nào cũng giảm - Ảnh 1.

Tạm dừng hoạt động, chi phí tăng cao,... là những vấn đề mà nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang phải đối mặt ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh những giải pháp tự mình cắt giảm các khoản chi phí để "cầm cự" hay "ngủ đông", họ cũng cầu cứu tới các ngân hàng. 

Nhiều hiệp hội đề xuất mức giảm lãi suất 3 - 5%, một số chuyên gia phân tích cho rằng mức giảm như vậy là khó thậm chí vô lý khi biên lợi nhuận (NIM) của các ngân hàng Việt chỉ ở mức khoảng 3%. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng với biên lãi ròng hiện tại, nhiều ngân hàng vẫn còn dư địa để giảm lãi suất cho khách hàng.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), thực tế cho thấy tại các bank như Techcombank, VietinBank, LienVietPostBank,  với các chương trình giảm lãi suất công bố thì mức giảm lãi suất hiện tại mặc dù có làm giảm tỷ suất sinh lời của tài sản nhưng NIM của ngân hàng vẫn sẽ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.

Với trường hợp của Techcombank, ngân hàng đã thông báo sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất cho vay có chọn lọc áp dụng từ tháng 7 đến cuối tháng 12/2021 đến 1,5 điểm % cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng bán lẻ hiện hữu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19.

Tuy nhiên, VCSC đánh giá tỷ trọng vốn vay được giải ngân cho các lĩnh vực có thể nhận được ưu đãi cắt giảm lãi suất tại Techcombank là khá thấp. Mặt khác, lợi suất tài sản sinh lãi của Techcombank được cho rằng sẽ ổn định vào năm 2021 ở mức khoảng 7,58% so với năm 2020.

  • NIM của Techcombank sẽ vẫn tăng bất chấp các chương trình giảm lãi suất?

    NIM của Techcombank sẽ vẫn tăng bất chấp các chương trình giảm lãi suất?

Do đó, mặc dù giảm lãi suất cho vay nhưng các chuyên gia phân tích lại nâng NIM dự phóng năm 2021 thêm 0,08 điểm % so với dự báo trước đó trong nửa cuối năm 2021 nhờ chi phí vốn giảm đáng kể.

Tương tự tại các ngân hàng khác, với kỳ vọng chi phí vốn giảm, VCSC ước tính NIM năm 2021 của LienVietPostBank sẽ tăng 31 điểm cơ bản (0,31 điểm %).

Hay tại VPBank, vốn đã sở hữu tỷ lệ NIM cao hàng đầu toàn ngành song trong nửa cuối năm 2021, SSI Research vẫn kỳ vọng việc thoái vốn FE Credit sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng mẹ tiếp tục cải thiện hệ số này, bên cạnh các yếu tố khác như nguồn vốn rẻ, tỷ lệ CASA cải thiện và tối ưu hóa cấu trúc tài sản của ngân hàng.

Tuy nhiên cũng cần phải hiểu rõ, không phải ngân hàng nào cũng có mức NIM cao để có thể hy sinh nhiều lợi nhuận và duy trì được những con số kế hoạch của mình. Techcombank hay VPBank đều là những ngân hàng thuộc top dẫn đầu về NIM, theo công bố từ các ngân hàng này, NIM quý II/2021 của Techcombank đạt 5,6% và VPBank đạt 5,8%. 

Trong khi đó những ông lớn Big4 chiếm khoảng 50% thị phần tín dụng thì biên lợi nhuận được các công ty ước tính chỉ trên dưới 3%. Cụ thể, theo số liệu từ Finn Pro, tỷ lệ NIM năm 2020 tại BIDV đạt 2,45%; Vietcombank đạt 2,91% và VietinBank đạt 2,85%. Dự báo năm 2021 của một số công ty chứng khoán biên lợi nhuận của nhóm này cũng chỉ ở mức 3%.

Giãm lãi suất cho vay, không phải biên lợi nhuận ngân hàng nào cũng giảm - Ảnh 3.

Có thể thấy, NIM của các ngân hàng có xu hướng tăng nhanh kể từ quý III/2020, cùng thời điểm chi phí vốn có xu hướng giảm mạnh. Điều này một phần đến từ việc lãi suất huy động giảm xuống; mặt khác, cũng đến từ việc cơ cấu tiền gửi thay đổi.

Thống kê cho thấy tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngành đã tăng cao kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại. Trong khi đó, tiền gửi kỳ hạn, là nguồn tiền có chi phí vốn cao hơn, lại tăng trưởng không nhiều.

Theo giới phân tích, lý do có thể đến từ việc lãi suất tiết kiệm đã kém hấp dẫn so với trước đây, khiến người dân có xu hướng ít để tiền trong ngân hàng hơn; trong khi doanh nghiệp bị đình trệ trong kinh doanh có tâm lý giữ tiền ở tài khoản thanh toán để chờ dịch bệnh qua.

Do đó, trong báo cáo chiến lược nửa cuối năm của mình, VDSC cho rằng việc tiết giảm chi phí vốn thông qua đẩy mạnh CASA là một trong những nhân tố giúp các ngân hàng cải thiện NIM trong nhưng tháng tới đây.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của VDSC chỉ ra rằng việc cắt giảm lương có tác động tức thì đến tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR), do đó, giúp các ngân hàng đối phó với cú sốc ở NIM. 

Với các ngân hàng có NIM bị ảnh hưởng, nền chi phí tín dụng cao và cho vay rủi ro lớn, tác động sẽ nặng nề hơn. Do đó, để tối ưu hóa tăng trưởng bảng cân đối với NIM thấp hơn và chi phí dự phòng cao hơn, quy mô nhân viên được cắt giảm để đảm bảo hiệu quả hoạt động.

Một mặt, VDSC cho rằng rằng phương pháp này là không bền vững, tuy nhiên, sự thay đổi này lại là cần thiết.

"Nếu đại dịch kéo dài, chúng tôi cho rằng những ngân hàng trên có ít dư địa trong nửa sau năm 2021 trong việc tiếp tục cắt chi phí thông qua lương hoặc nhân sự do sẽ có tác động lên quy mô hoạt động", các chuyên gia VDSC nhận định.

Giãm lãi suất cho vay, không phải biên lợi nhuận ngân hàng nào cũng giảm - Ảnh 5.

Mặc dù có lợi nhuận cao, cũng không thể phủ nhận nỗ lực của các ngân hàng, một trong những thành phần cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, để hỗ trợ khách hàng với nhiều đợt giảm lãi suất đã được triển khai.

Trong cuộc họp vào tháng 7, 16 tổ chức tín dụng tham gia gồm Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, MB, Techcombank, SHB, LienVietPostBank, VPBank, VIB, TPBank, SeABank, MSB, Sacombank, ACB, HDBank đã đồng thuận giảm lãi suất cho khách hàng.

Số tiền cam kết giảm lãi suất lên tới hơn 24.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng vào cuộc cho biết sẽ giám sát để đảm bảo việc giảm lãi suất cho vay là thực chất nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, khách hàng trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay.

Trên góc độ tài chính, việc giảm lãi suất cho vay sẽ khiến biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng giảm xuống, ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập lãi thuần, nguồn thu chính của các nhà băng qua đó, tác động tới kết quả kinh doanh.

Các chuyên gia của Chứng khoán Tân Việt (TVSI) dự báo lợi suất tài sản của các ngân hàng nửa cuối năm 2021 sẽ giảm về 7,49%. 

Trong khi đó, chi phí vốn được dự báo sẽ tăng nhẹ trong những tháng cuối năm khi mặt bằng lãi suất đã tạo đáy từ đầu năm 2021. Cùng với đó, việc siết tỷ lệ huy động ngắn cho vay trung và dài hạn cũng sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi.  

TVSI nhận định NIM của các ngân hàng trong năm nay sẽ sụt giảm nhẹ so với đầu năm về mức 3,21%. Đồng quan điểm, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng ở thời điểm hiện tại, NIM của các nhà băng có thể sẽ bị áp lực trong ngắn hạn, khả năng là trong vòng một quý dựa trên kỳ hạn tái định giá của các ngân hàng lớn.

Giãm lãi suất cho vay, có phải NIM ngân hàng nào cũng bị giảm? - Ảnh 1.

Lê Huy