VPBank bỏ xa các nhà băng khác về biên lãi ròng, sẽ chào bán riêng lẻ 15% cho cổ đông chiến lược nước ngoài
Trong buổi gặp gỡ trực tuyến với các nhà phân tích và nhà đầu tư cá nhân mới đây, ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) đã chia sẻ sâu hơn về kết quả kinh doanh của ngân hàng trong nửa đầu năm.
Ban lãnh đạo VPBank cho biết lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước và bằng 54% kế hoạch năm. Trong đó, lợi nhuận của ngân hàng mẹ đóng góp 88%.
Thu nhập lãi thuần ngân hàng đạt hơn 18.000 tỷ đồng, tăng trưởng 16,7% so với cùng kỳ, trong đó tại ngân hàng mẹ là 9.700 tỷ đồng và tại FE Credit là 8.500 tỷ đồng; thu nhập dịch vụ thuần tăng trưởng 49,9% đạt hơn 2.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngân hàng cho biết nhờ tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn tốt đã giúp chi phí vốn của ngân hàng giảm đạt 4,6% trong nửa đầu năm, qua đó giúp biên lãi ròng (NIM) hợp nhất và riêng lẻ tăng lên mức lần lượt là 9,2% và 5,8% từ mức 8,8% và 4,6% cuối quý I.
Theo thống kê của Chứng khoán Maybank Kim Eng, đây cũng là mức NIM cao nhất toàn ngành tính đến thời điểm hiện tại. Tỷ lệ này tại Techcombank là 5,6%; MB là 5,4%;...
Ngoài ra, với chiến lược số hóa, năng suất lao động của VPBank cũng được cải thiện khi chi phí hoạt động giảm 7,4% so với cùng kỳ, giúp tỉ lệ chi phí trên doanh thu (CIR) đạt 23,4%, cũng là mức thấp nhất toàn ngành.
Về kế hoạch tăng vốn, VPBank cho biết trong năm 2021 và đầu năm 2022, ngân hàng sẽ có các nguồn vốn từ Thương vụ bán 49% vốn điều lệ FECredit cho Tập đoàn SMBC mang lại gần 1,4 tỷ USD và Phát hành gần 2 tỷ cổ phiếu trị giá gần 20.000 tỷ đồng từ nguồn cổ tức và thặng dư vốn cổ phần.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cũng dự kiến phát hành riêng lẻ 15% cho cổ đông chiến lược nước ngoài.
Với mức vốn điều lệ dự kiến tăng lên 75.000 tỷ đồng, VPBank kỳ vọng sẽ vươn lên vị trí ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất và nằm trong top đầu về vốn chủ sở hữu.