|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

VCSC: Nhiều khả năng Techcombank và VPBank sẽ được ưu tiên hơn trong nới 'room' tín dụng

14:03 | 06/08/2021
Chia sẻ
Các chuyên gia của Chứng khoán Bản Việt cho rằng Techcombank và VPBank đang có vị thế tốt để nắm bắt được động thái đẩy mạnh cho vay từ nền kinh tế tăng trưởng mạnh.

Theo báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2021, bộ phận phân tích của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ ngày càng ưu tiên các ngân hàng có vốn hóa tốt khi cấp hạn mức tín dụng bổ sung, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng quốc doanh vẫn còn hạn chế về vốn.

Các chuyên gia cho rằng NHNN sẽ dựa vào các ngân hàng tư nhân để bù đắp cho mức tăng trưởng tín dụng dự báo khiêm tốn tại BIDV và VietinBank. Hai ngân hàng được nhóm phân tích điểm mặt là Techcombank và VPBank. 

Những cơ hội đầu tư hàng đầu trong ngành ngân hàng nửa cuối năm 2021 - Ảnh 1.

P/B và ROE của các ngân hàng tính đến ngày 30/6. (Nguồn: Bloomberg, VCSC).

Techcombank có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng vượt trội

Báo cáo cho biết tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao của Techcombank không phải là yếu tố khác biệt, nhưng việc thị trường vốn cổ phần quốc tế đóng cửa trong thời gian bùng phát COVID-19 cho thấy Techcombank có thể đạt được mức tăng trưởng tín dụng vượt trội trong khi các ngân hàng quốc doanh vẫn có tỷ lệ đòn bẩy cao. 

Techcombank là ngân hàng có chi phí huy động vốn thấp nhờ lợi thế CASA và điều đó tạo lợi thế cho ngân hàng trong mảng cho vay bán buôn, phân khúc mà VCSC cho rằng có lợi thế đặc biệt vì danh mục đa dạng có đặc tính rủi ro tốt hơn so với mảng cho vay bán lẻ SME và cho vay cá nhân ngoài mua nhà. 

Cho vay bán buôn ít tốn nguồn lực hơn để có nguồn vốn và giám sát trên mỗi đồng cho vay so với các phân khúc khác. Mảng này dẫn đầu tăng trưởng tín dụng của Techcombank trong năm 2020.

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ vào năm 2021 cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho hai thế mạnh đặc biệt của Techcombank là cho vay mua nhà và cho vay bán buôn. 

Nhóm phân tích tích ngành bất động sản của VCSC kỳ vọng các dự án lớn mới từ Vinhomes sẽ thúc đẩy sự phục hồi doanh số bán hàng vào năm 2021, điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho vay mua nhà tại Techcombank. 

Mảng cho vay bán buôn của ngân hàng cũng được dự báo sẽ hoạt động tốt hơn vào năm 2021 nhờ GDP tăng trưởng mạnh mẽ và lợi thế từ chi phí huy động thấp hơn so với năm 2020.

CASA của VPBank sẽ tăng nhờ sự tham gia của NĐT chiến lược nước ngoài

VCSC nhận định NIM của VPBank sẽ gần như ổn định trong ba năm tới, sau đó sẽ gia tăng do chi phí huy động giảm từ năm 2024. Trong khi đó, NIM của FE Credit sẽ tiếp tục giảm xuống mức đáy là 26,1% vào năm 2023 do sự cạnh tranh trong lĩnh vực ngân hàng tiếp tục tập trung vào các phân khúc có lợi suất cao hơn.

Báo cáo cho biết chất xúc tác chính trong khoản đầu tư của Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) vào FE Credit là khả năng thay thế khoản huy động vốn đắt đỏ bằng giấy tờ có giá bằng các khoản vay nước ngoài. 

Theo đó, một nhà đầu tư (NĐT) Nhật Bản dự kiến sẽ tham gia vào vị trí NĐT chiến lược của VPBank, từ đó gia tăng tiền gửi ngoại hối liên ngân hàng. Hiện nay, chỉ có Vietcombank và VietinBank sở hữu lượng tiền gửi ngoại hối liên ngân hàng lớn và đều có các ngân hàng Nhật Bản làm NĐT chiến lược. 

Đồng thời, sáng kiến FE Credit giới thiệu ứng dụng ngân hàng số UBank cho các khách hàng của mình sẽ khiến CASA hợp nhất của ngân hàng tăng lên 32% vào năm 2025 từ 15,6% vào năm 2020.

Với căn cứ trên, các chuyên gia của VCSC cho rằng VPBank sẽ trở thành một trong những ngân hàng được ưu tiên về tăng trưởng tín dụng cùng với Techcombank sau khi thoái 49% vốn tại FE Credit. 

Phương Nga