Ngăn chặn tình trạng lợn và sản phẩm từ lợn ngang nhiên 'vượt biên'
Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung thịt lợn tại Trung Quốc và một số nước láng giềng thiếu hụt trầm trọng đã đẩy giá thịt lợn cao chưa từng có. Điều này khiến nhiều thương lái ồ ạt đưa lợn sống, thịt lợn vượt biên.
Thịt lợn trong nước vốn khan hiếm lại càng tăng giá chóng mặt. Vì lợi nhuận chênh lệch lớn, các thương lái, chủ cơ sở giết mổ cũng tìm mọi cách đưa thịt lợn không rõ nguồn gốc vào thị trường để tiêu thụ.
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, lực lượng chức năng bắt giữ nhiều trường hợp vận chuyển các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Ngày 8/12, tại thành phố Móng Cái, giá lợn hơi là 80.000 đồng/kg; thịt ba chỉ là 120.000 đồng/kg; Sườn là 200.000 đồng/kg…
Nhiều quán ăn cũng tăng giá khi nguyên liệu từ thịt lợn đều tăng giá. Trung bình mỗi loại sản phẩm sẽ có giá cao hơn trước từ 5.000-10.000 đồng và tiếp tục tăng khi Tết Nguyên đán đang tới gần.
Chị Vũ Thị Loan, người dân phường Trần Phú, thành phố Móng Cái cho biết: "Giá thịt lợn cao như này khi mua hàng tôi cũng phải cân đo, so sánh giữa các loại mặt hàng khác. Nhà tôi thì cũng hạn chế ăn thịt lợn đi rồi, thay vào đó là thịt bò, thịt gà… Vẫn dành khẩu phần ăn trong 1 tuần từ 1-2 bữa về thịt lợn, ít hơn so với những ngày trước.”
Lợi dụng giá cả thịt lợn trên thị trường biến động mạnh, nhiều đối tượng đã có hành vi xuất, nhập thịt lợn qua đường tiểu ngạch. Tại các xã biên giới, vùng sâu vùng xa như ở xã Hải Sơn, xã Bắc Sơn, một số đối tượng đã tập trung thu gom lợn và các sản phẩm từ lợn, tìm mọi cách để xuất lậu sang bên kia biên giới.
Ông Phạm Quang Khuy, Đội trưởng Đội QLTT số 4, Cục quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh nói: “Hầu hết các đối tượng đều có mối quan hệ với các thương lái bên Trung Quốc.
Thủ đoạn của họ thường là khi bên phía Trung Quốc đặt hàng thịt lợn và các sản phẩm từ lợn như lòng, vách ngăn… thì các đối tượng tiến hành thu gom từ các cơ sở giết mổ tư nhân, sau đó cấp đông trong thùng xốp, đủ khoảng một số lượng nhất định rồi chờ cơ hội xuất lậu qua biên giới, tránh việc kiểm tra kiểm soát của các lực lượng chức năng.”
Lợi dụng địa bàn nhiều đường mòn, lối mở, các đối tượng cũng thường sử dụng xe tải để vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn vào trong nội địa.
Tuy nhiên, cái khó của lực lượng chức năng khi thẩm tra xác minh chỉ có thể xác định là hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ do không có giấy tờ, chứ chưa thể xác định là từ nước ngoài hay các vùng dịch đưa vào.
Ông Nguyễn Cảnh Thắng, Đội trưởng Đội kiểm soát Hải quan số 1, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo 389 thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cho biết, do nhu cầu hàng hóa, giá cả giữa Việt Nam và Trung Quốc có sự chênh lệch nên một số hộ dân ở vùng sâu vùng xa đã chuyển lợn sang Trung Quốc bán tiêu thụ dạng theo kiểu trao đổi giữa cư dân hai biên giới.
Lợi dụng địa bàn nhiều đường mòn, lối mở, các đối tượng cũng thường sử dụng xe tải để vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn vào trong nội địa.
Ông Nguyễn Cảnh Thắng nói: “Chúng tôi chỉ đạo các lực lượng chức năng, đặc biệt là ở khu vực biên giới tập trung kiểm soát chặt những đường mòn lối mở dọc biên giới mà các đối tượng sử dụng để vận chuyển vào nội địa.
Đối với các hàng hóa mà nhu cầu bên phía Trung Quốc cao hơn so với Việt Nam, mà người dân bán sang Trung Quốc kiếm lợi nhuận cao hơn, chúng tôi cũng yêu cầu lực lượng chức năng phân công rõ trách nhiệm từng khu vực, từng địa bàn, từng vị trí để tăng cường lực lượng, phương tiện, tập trung vào công tác chống buôn lậu trước, trong và sau Tết Nguyên đán cũng như đối với mặt hàng lợn và các sản phẩm từ lợn.”
Cuối năm là thời điểm nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ lợn tăng cao. Bên cạnh công tác tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, các tác hại, nguy cơ lây lan dịch bệnh của việc sử dụng, kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục tăng cường ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn nhập lậu; kiểm tra, kiểm soát các chợ đầu mối, trung tâm giết, mổ gia cầm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.