|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga, Trung Quốc tìm cách bắn rụng vệ tinh Mỹ

14:34 | 13/04/2022
Chia sẻ
Theo một báo cáo của đơn vị tình báo Lầu Năm Góc, Nga và Trung Quốc đang nghiên cứu các phương pháp để vô hiệu hóa hoặc phá hủy các vệ tinh của Mỹ.

Vũ khí laser

Bloomberg cho biết, theo đơn vị tình báo của Lầu Năm Góc, Nga và Trung Quốc đang nghiên cứu và triển khai các loại vũ khí có thể bắn hạ vệ tinh Mỹ, đồng thời tăng cường hệ thống tình báo, giám sát và trinh sát trong không gian.

Báo cáo cập nhật do Cơ quan Tình báo Quốc (DIA) phòng đưa ra hôm 12/4 chủ yếu dựa trên các tuyên bố của quan chức Trung Quốc và Nga.

Tuy nhiên, bản báo cáo cho thấy những mối đe dọa khiến Mỹ phải tăng cường các khoản đầu tư lớn vào ngân sách quốc phòng cho Lực lượng Vũ trụ và Bộ Chỉ huy Không gian vào năm 2023. 

Cơ quan tình báo cho biết: “Trung Quốc có nhiều vũ khí laser trên mặt đất với các mức công suất khác nhau để phá vỡ, làm suy giảm hoặc làm hỏng các vệ tinh. Bắc Kinh có khả năng hạn chế trong việc sử dụng hệ thống laser chống lại các cảm biến của vệ tinh”. 

“Từ giữa đến cuối những năm 2020, Trung Quốc có thể cung cấp các hệ thống laser với mức năng lượng cao hơn nhằm tấn công và phá hủy cấu trúc của các loại vệ tinh không có cảm biến quang học”.

Nga coi sự phụ thuộc của Mỹ vào không gian là "gót chân Achilles". Vì vậy theo cơ quan tình báo của Lầu Năm Góc, Moscow đã "nghiên cứu hệ thống vũ khí nhằm vô hiệu hóa các nguồn lực trên không gian của Mỹ" và "sẽ phát triển loại tia laser có khả năng làm hỏng các vệ tinh từ giữa đến cuối thập niên 2020”.

 Hệ thống laser Peresvet di động có thể làm mù cảm biến của vệ tinh Mỹ. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga).

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ cho biết, Nga “đã có một số hệ thống laser đặt trên mặt đất, có thể làm mù các cảm biến vệ tinh”, bao gồm cả một hệ thống được chuyển giao vào năm 2018 cho các lực lượng hàng không vũ trụ.

Đến năm 2030, Nga có thể triển khai "hệ thống laser năng lượng cao, đe dọa đến cấu trúc của tất cả các vệ tinh chứ không chỉ các cảm biến điện quang", DIA cho biết.

Tên lửa chống vệ tinh

Trong những năm gần đây, ngoài các loại laser, Nga và Trung Quốc cũng liên tục thử nghiệm các hệ thống tên lửa chống vệ tinh. Vào tháng 11/2021, Nga đã phóng tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo Nudol PL-19 để bắn hạ một vệ tinh cũ từ năm 1982.

Hệ thống tên lửa đánh chặn Nudol PL-19 có thể được sử dụng để bắn hạ vệ tinh. (Ảnh: TASS).

Vụ phóng tên lửa đã tạo ra 1.500 mảnh vỡ có thể theo dõi được trong quỹ đạo thấp của Trái Đất (LEO), gây ảnh hưởng đến hoạt vũ trụ và các chuyến bay của con người vào không gian.

Nga đang nghiên cứu các vũ khí chống vệ tinh có thể được gắn trên tiêm kích đánh chặn MiG-31.

Trung Quốc cũng liên tục bắn hạ các vệ tinh của mình bằng các loại tên lửa khác nhau. Gần đây nhất vào tháng 2/2018, Bắc Kinh đã phóng tên lửa đạn đạo Dong Neng 3 lên quỹ đạo để thử nghiệm khả năng đánh chặn vệ tinh. 

Trung Quốc tuyên bố các thử nghiệm của mình chỉ nhằm mục đích tự vệ và đã đạt được những kết quả mong đợi.

Ngoài mối đe dọa từ vũ khí chống vệ tinh, báo cáo chỉ ra rằng "xác suất va chạm của các vật thể vô chủ lớn trong quỹ đạo thấp của Trái Đất đang tăng lên và gần như chắc chắn sẽ tiếp tục cho đến ít nhất là năm 2030". 

DIA đã trích dẫn số lượng các vụ phóng vào không gian ngày càng tăng, đặc biệt là những vụ phóng với nhiều trọng tải và tiếp tục bị phân mảnh do va chạm, nổ pin và thử nghiệm chống vệ tinh.

Đường đi của các mảnh vỡ từ vụ thử tên lửa chống vệ tinh của Nga ngày 15 /11/2021 trong 24 giờ đầu tiên sau khi va chạm với vệ tinh Cosmos 1408. (Ảnh: COMSPOC).

Phóng thêm vệ tinh

Đội ngũ vệ tinh tình báo, giám sát và do thám (ISR) của Trung Quốc không ngừng mở rộng. Tính đến tháng 1/2022, số vệ tinh trong không gian của Bắc Kinh đã lên đến 250 hệ thống.

Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, số lượng vệ tinh của Trung Quốc hiện tại "chỉ đứng sau Mỹ và gần gấp đôi các vệ tinh trên quỹ đạo của Trung Quốc thời điểm 2018". 

 

Báo cáo cho biết thêm rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) “sở hữu và vận hành khoảng một nửa hệ thống ISR của thế giới, hầu hết trong số đó có thể hỗ trợ giám sát, theo dõi và nhắm mục tiêu vào lực lượng Mỹ và đồng minh trên toàn thế giới, đặc biệt là tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. 

“Các vệ tinh cho phép PLA giám sát những điểm nóng tiềm năng trong khu vực, bao gồm Bán đảo Triều Tiên, Đài Loan, Ấn Độ Dương và Biển Đông”.

Minh Quang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.