|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga thặng dư cao đột biến trong quý I/2022 mặc cho phương Tây cấm vận

17:27 | 12/04/2022
Chia sẻ
Mặc dù đang chịu nhiều các biện pháp cấm vận từ Phương Tây, thặng dự tài khoản vãng lai quý I của Nga vẫn cao gấp 2,5 lần cùng kỳ 2021 do giá nhiên liệu tăng và nhập khẩu giảm.

Theo dữ liệu từ ngân hàng trung ương Nga được Bloomberg tổng hợp, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga đã tăng hơn gấp đôi trong quý đầu tiên của năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh giá dầu và khí đốt tăng cao.

Nga vẫn tiếp tục bán dầu và khí đốt trong quý I/2022 với giá cao nhất trong nhiều năm. Tài khoản vãng lai của Moscow đã tăng hơn 2,5 lần so với quý đầu tiên của năm ngoái, tương ứng từ 22,5 tỷ USD lên mức 58,2 tỷ USD.

 

Doanh thu từ việc bán dầu và khí đốt đã tăng vọt trong quý đầu tiên của năm 2022, trong khi nhập khẩu sụt giảm do các công ty rút khỏi Nga vì xung đột tại Ukraine dẫn đến thặng dư lớn trong thương mại hàng hóa và dịch vụ.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov phát biểu với tờ báo Izvestia trong một cuộc phỏng vấn: “Dòng chảy xuất khẩu vẫn giữ nguyên, nhưng nhập khẩu giảm mạnh do các giới hạn về logistics và lệnh trừng phạt do Phương Tây áp đặt”.

Phương Tây cực lực lên án hành động quân sự của Nga nhưng vẫn mua dầu mỏ và khí đốt từ Nga trong quý đầu năm nay. 

Trung Quốc và Ấn Độ được mua dầu của Moscow với mức chiết khấu khủng, trong khi châu Âu tiếp tục mua khí đốt. Châu Âu cũng tiếp tục mua dầu của Nga trong hầu hết quý 1, mặc dù một số nước lớn ở Châu Âu cho biết vào đầu tháng 3 rằng họ sẽ không giao dịch dầu thô giao ngay và các sản phẩm từ dầu của Nga.

Tuần trước, Bộ Tài chính Nga cho biết Nga dự kiến sẽ kiếm được tương đương 9,6 tỷ USD (798,4 tỷ rúp) từ dầu và khí đốt trong tháng 4.

 

Hôm thứ 8/4, EU cho biết sẽ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu than và các nhiên liệu hóa thạch rắn khác từ Nga kể từ tháng 8/2022. Kế hoạch này nằm trong vòng trừng phạt thứ 5 nhằm vào Moscow. 

EU hiện đang thảo luận về các biện pháp trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga nhưng có thể phải mất thêm vài tuần nữa mới đạt được sự đồng thuận do Liên minh này vẫn chia rẽ về lệnh cấm vận dầu mỏ.

Giá năng lượng cao trong quý đầu tiên cũng giúp ích cho ngân sách của Nga. Điện Kremlin đã trích 273,4 tỷ rúp (3,4 tỷ USD) vào quỹ dự trữ đặc biệt cho các chương trình xã hội, hỗ trợ kinh tế và các nhu cầu khác.

Minh Quang