|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga cắt khí đốt cho hai nước châu Âu, chính thức ‘vũ khí hóa’ năng lượng

07:17 | 27/04/2022
Chia sẻ
Nga sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, đánh dấu một bước leo thang lớn trong mối quan hệ bế tắc giữa Moscow và châu Âu về vấn đề năng lượng và cuộc chiến tại Ukraine.

Nga chính thức “vũ khí hóa” năng lượng

Theo đưa tin từ Bloomberg, Nga đang thực hiện lời đe dọa cắt đứt nguồn cung khí đốt đến các quốc gia từ chối yêu cầu mới của Tổng thống Vladimir Putin về việc thanh toán hợp đồng nhiên liệu bằng đồng ruble.

Về nguyên tắc, Liên minh châu Âu (EU) đã khước từ yêu cầu của Moscow, nhưng thời hạn thanh toán hiện đang đến gần và chính phủ các nước trong khu vực phải quyết định có nên chấp nhận các điều khoản của ông Putin hay chịu mất nguồn cung nhiên liệu thiết yếu và đối mặt với viễn cảnh phải hạn chế tiêu thụ năng lượng.

Trước mắt, Nga sẽ cắt nguồn cung khí đốt của hai nước châu Âu là Ba Lan và Bulgaria. Giá khí đốt tại châu Âu có thời điểm tăng tới 17%, khi các nhà giao dịch đánh giá những nước có nguy cơ bị ảnh hưởng tiếp theo.

Một trạm nén khí ở đường ống Yamal-châu Âu gần thị trấn Nesvizh, cách thủ đô Minsk của Belarus khoảng 130 km. (Ảnh: Reuters).

Chia sẻ với hãng tin Bloomberg, ông Piotr Naimski, quan chức hàng đầu của Ba Lan về cơ sở hạ tầng năng lượng chiến lược, bình luận: “Đây là một bước ngoặt đã được Nga tính toán từ trước”.

Mối đe dọa về việc bị cắt nguồn cung năng lượng đã xuất hiện trong nhiều tuần, nhưng đã có dấu hiệu vào tuần trước rằng EU đang đề xuất một giải pháp tiềm năng để thoát khỏi bế tắc.

Giờ đây, động thái mới của Nga đối với hai nước thành viên EU là Ba Lan và Bulgaria khiến khả năng châu Âu nhượng bộ giảm dần. Tuy nhiên, hành động của Moscow cũng cùng lúc khiến EU phải từ bỏ phương án cấm vận khí đốt của Nga.

Trọng tâm chú ý bây giờ chuyển sang các nước châu Âu khác, đặc biệt là Đức - quốc gia phụ thuộc nặng nề vào khí đốt của đất nước Liên Xô cũ. Hiện, Berlin chưa đưa ra bình luận nào về vụ việc.

Bà Katja Yafimava, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho hay: “Bất kỳ khách hàng nào từ chối yêu cầu thanh toán mới đều đang phải đối mặt với rủi ro rất lớn là nguồn cung khí đốt sẽ bị cắt giảm”.

Bình luận thêm, nhà nghiên cứu Simone Tagliapietra tại viện chính sách Bruegel cho biết: “Quyết định ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria thể hiện một bước ngoặt lịch sử trong mối quan hệ năng lượng song phương…”.

Ông Tagliapietra kêu gọi các chính phủ châu Âu cần triển khai tất cả biện pháp khẩn cấp, cả ở phía cung lẫn cầu để đảm bảo an ninh năng lượng vì hành động của Nga có thể là một lời cảnh báo trước cho các động thái tương tự với các nước châu Âu khác trong vài tuần tới.

Lịch thanh toán đến gần

Các khoản thanh toán khí đốt đầu tiên bằng đồng ruble sẽ đến hạn vào cuối tháng 4 cũng như trong tháng 5 tới, theo Bloomberg.

Hãng tin Onet.pl của Ba Lan cho biết, thời hạn thanh toán cho PGNiG - tập đoàn khí đốt hàng đầu trong nước, là ngày 22/4. Sang đầu tuần này, gã khổng lồ năng lượng Nga Gazprom thông báo khoản thanh toán sẽ phải thực hiện ngay lập tức.

Chính phủ các nước cũng như giám đốc các công ty khí đốt đang suy tính nhiều phương án để tìm ra cách phản ứng tốt nhất. Tuần trước, EU đã đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục thanh toán bằng đồng euro và tìm kiếm các biện pháp miễn trừ từ Moscow.

Quy định của Moscow yêu cầu các công ty phải thiết lập hai tài khoản, một bằng ngoại tệ và một bằng đồng ruble, với Gazprombank. Ngân hàng nước Nga sẽ chuyển đổi các khoản thanh toán bằng ngoại tệ sang đồng ruble, trước khi chuyển tiền đến Gazprom.

“Ví dụ ở Ba Lan cho thấy những khách hàng không chấp nhận cơ chế mới hoặc không thể giành được miễn trừ của Nga đều có khả năng bị mất nguồn cung khí đốt nếu không thanh toán kịp thời cho Gazprom”, bà Yafimava nhấn mạnh.

Chính phủ Ba Lan cho biết họ đã chuẩn bị đầy đủ trước việc bị cắt nguồn cung năng lượng và đã vạch ra các kế hoạch sống mà không cần khí đốt của Nga trước cả trước khi cuộc chiến tại Ukraine bắt đầu.

Hợp đồng khí đốt dài hạn của Ba Lan với Nga sẽ hết hạn vào cuối năm nay và chính phủ đã nhiều lần khẳng định họ không có kế hoạch gia hạn. Ba Lan đã tìm kiếm các nguồn cung khí hóa lỏng (LNG) và lên kế hoạch xây dựng một đường ống từ Na Uy vào tháng 10.

Sau lời thúc giục của Gazprom hôm 26/4, chính phủ Ba Lan thông báo họ có đủ nguồn cung năng lượng trong kho. Khách hàng sẽ không bị ảnh hưởng và chính quyền dự định tiếp tục lấp đầy kho chứa lên đến 90%.

Bulgaria cũng đã thực hiện các bước nhằm giảm sự phụ thuộc, mặc dù hiện nước này vẫn còn lệ thuộc nặng nề vào khí đốt của Nga. Tuy nhiên, tác động tức thời sẽ được giảm bớt phần nào bởi nhiệt độ đang ấm lên.

Yên Khê