|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga gia tăng sức mạnh ở Bắc Cực bằng hai con tàu hạt nhân mới

12:19 | 24/11/2022
Chia sẻ
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết sẽ phát triển hạm đội tàu phá băng hạt nhân dù kinh tế nước này đang đương đầu với nhiều lệnh trừng phạt.

 Lễ kỷ niệm hạ thủy tàu phá băng chạy năng lượng hạt nhân diễn ra tại St Petersburg. (Ảnh: Reuters)

Sau khi nắm quyền lãnh đạo nước Nga vào năm 1999, ông Putin đã tăng cường sự hiện diện của Nga ở Bắc Cực, nơi nước này có hơn 24.000 km đường bờ biển, kéo dài từ biển Barents đến biển Okhotsk.

Kể từ năm 2005, Nga đã mở lại hàng chục căn cứ quân sự ở Bắc Cực từ thời Liên Xô, hiện đại hóa hải quân và phát triển các tên lửa siêu vượt âm mới để vượt qua hệ thống phòng thủ của Mỹ.

Các chuyên gia về Bắc Cực cho biết phương Tây sẽ mất ít nhất 10 năm để bắt kịp quân đội Nga tại khu vực này.

Theo trang Al Jazeera, hiện nay, Bắc Cực đang có ý nghĩa chiến lược lớn hơn do biến đổi khí hậu, khi tình trạng tan băng đang mở ra các tuyến đường biển mới.

Cam kết phát triển hạm đội tàu hạt nhân của người đứng đầu Điện Kremlin trong hoàn cảnh đầy thách thức hiện nay được coi là một sự ám chỉ đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Vai trò của tàu phá băng

Ngày 22/11, Tổng thống Putin đã ca ngợi sức mạnh của Nga ở Bắc Cực tại buổi lễ thượng cờ và hạ thủy hai tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân nhằm đảm bảo việc di chuyển quanh năm ở tây Bắc Cực.

Tham dự lễ hạ thủy diễn ra tại St Petersburg qua hình thức trực tuyến, ông Putin phát biểu từ Điện Kremlin rằng những tàu hạt nhân đóng vai trò quan trọng chiến lược đối với nước Nga: “Cả hai tàu trên là một phần trong dự án quy mô lớn nhằm trang bị và bổ sung cho đội tàu phá băng trong nước và củng cố vị thế của Nga như một cường quốc Bắc Cực”.

Ông Putin khẳng định Nga sẽ tăng cường năng lực cho hạm đội tàu phá băng và mục tiêu này nên đạt được bằng cách sử dụng các thiết bị và linh kiện trong nước.

Nhà lãnh đạo Nga nói thêm rằng Moscow sẵn sàng hợp tác với các đối tác và nước này chắc chắn sẽ thực hiện những phương án đã lên kế hoạch kể cả trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Theo trang Al Jazeera, “ông chủ” Điện Kremlin đã mỉm cười khi tàu phá băng hạt nhân Yakutia được hạ thủy tại bến cảng và ông đã đứng lên khi quốc ca Nga vang lên trong lúc cờ Nga được kéo trên tàu phá băng Ural. Con tàu này dự kiến bắt đầu hoạt động trong tháng 12.

Tàu Yakutia dài 173,3 m, với lượng giãn nước lên tới 33.540 tấn và có thể xuyên qua lớp băng dày tới 3 m. Tàu này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024.

Hai tàu phá băng khác đã được đưa vào sử dụng là Arktika và Sibir. Trong khi một chiếc khác là Chukotka, được lên kế hoạch hoạt động vào năm 2026.

Ông Putin cho biết tàu phá băng chạy năng lượng hạt nhân dài 209 m mang tên "Rossiya", với trọng lượng giãn nước lên tới 71.380 tấn, sẽ được hoàn thành vào năm 2027, có thể phá vỡ lớp băng dày 4 m.

Ông Putin nói: “Các tàu phá băng rất cần thiết cho việc nghiên cứu và phát triển Bắc Cực, để đảm bảo an ninh hàng hải bền vững trong khu vực này và tăng cường giao thông dọc theo tuyến đường biển phía Bắc. Việc phát triển hành lang giao thông quan trọng này sẽ cho phép Nga khai thác triệt để hơn tiềm năng xuất khẩu và thiết lập các tuyến hậu cần hiệu quả, bao gồm cả tuyến đường đến Đông Nam Á.”

Nhà lãnh đạo Nga đã mỉm cười khi tàu phá băng hạt nhân Yakutia được hạ thủy tại bến cảng. (Ảnh: Reuters) 

Cảnh báo của chuyên gia

Sự phát triển của tuyến đường biển phía Bắc là một phần thiết yếu trong thành công của nền kinh tế Bắc Cực. Do đó, Chính phủ Nga có kế hoạch đầu tư 29 tỷ USD nhằm phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực này.

Tuy nhiên, ông Evgeny Gontmakher thuộc nhóm chuyên gia European Dialogue cho rằng ngay cả trước năm 2022, việc hoàn thành kế hoạch trên đã là điều đáng nghi ngờ do hai yếu tố chính.

Trước tiên, trong những năm 2010, Nga đã thiếu đầu tư vào lĩnh vực dầu khí. Môi trường đầu tư đã xấu đi trong thời gian dài, khi phương Tây áp gói trừng phạt đầu tiên đối với Nga vào năm 2014 sau khi sáp nhập Crimea. Thứ hai, quá trình chuyển đổi xanh của các nền kinh tế phát triển sẽ làm giảm nhu cầu đối với các nguồn năng lượng không tái tạo vào năm 2030.

Các biện pháp trừng phạt đối với Nga sau cuộc chiến tại Ukraine vào tháng 2/2022 càng làm phức tạp thêm triển vọng phát triển Bắc Cực của Nga. Hơn nữa, các đối tác thương mại tiềm năng có thể sẽ từ chối việc sử dụng Tuyến đường biển phía Bắc để vận chuyển hàng hóa quốc tế. Khả năng này sẽ hạn chế đáng kể nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ mà khu vực Bắc Cực của Nga có thể sản xuất.

Trà My