|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga đang chờ 'vị tướng mùa đông' đến giúp sức ở Ukraine, nhưng liệu may mắn có mỉm cười?

19:44 | 20/11/2022
Chia sẻ
Quân đội Nga đang chờ "vị tướng mùa đông" đến giúp đỡ họ trong cuộc chiến tại Ukraine. Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia và phân tích khác, lợi thế trong những tháng tới có vẻ đang nghiêng về phía Ukraine.

Nga chờ “vị tướng mùa đông”

Những trận mưa lớn ở Ukraine đang dọn đường cho “rasputitsa” - hiện tượng mặt đất trở nên lầy lội, gây khó khăn cho binh lính trong quá trình di chuyển. Thậm chí, xe tăng cũng phải chật vật trong điều kiện địa hình này.

Sau đó, băng tuyết sẽ xuất hiện vào tháng 12, tiếp tục gây thêm trở ngại. Cây rừng không còn rậm rạp, khiến binh lính khó lẩn tránh máy bay không người lái và mây mù xuất hiện nhiều hơn khiến việc trinh sát trên không gặp bất lợi.

Ngoài ra, nguồn cung đạn dược cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn để đến chiến trường, và dĩ nhiên cũng sẽ đến với số lượng ít hơn. Điều này sẽ làm hạn chế khả năng tấn công cũng như phòng thủ của quân đội.   

Tóm lại, mùa đông thường khiến mọi thứ chậm lại và có vẻ Nga đang chờ “vị tướng mùa đông” đến giúp sức cho chính họ trên chiến trường Ukraine.

Xe tăng Nga không thể di chuyển khi "rasputitsa" đến. (Ảnh minh hoạ: AP).

Hiện giờ, mùa đông quả thực đang đến. Quân đội Nga, dưới sự lãnh đạo của Tướng Sergei Surovikin - vị chỉ huy mới được bổ nhiệm gần đây, được cho là đang cố gắng giữ vững các phòng tuyến của mình.

Đồng thời, có một số dấu hiệu cho thấy quân đội Nga đang triển khai một chiến lược chặt chẽ hơn. Bộ chỉ huy mới có vẻ đã cơ cấu lại tổ chức và hoạt động có phần hỗn loạn trước đó theo hướng hợp lý hơn, Guardian đưa tin. 

Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, các cuộc tấn công thiếu tập trung của Nga đã làm cạn kiệt kho vũ khí của nước này nhưng không giúp Moscow thu được lợi thế chiến lược hay tác chiến nào.

Bây giờ, Nga đang sử dụng máy bay không người lái do Iran sản xuất, cùng các tên lửa đạn đạo để tấn công vào các cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine. Đây được gọi là chiến lược “countervalue targeting”, nhắm vào các tài sản phi quân sự quan trọng.

Kể từ đầu tháng 10, Nga đã liên tục phóng tên lửa vào các nhà máy thuỷ điện và hạ tầng năng lượng quan trọng trên khắp Ukraine. Kiev, cùng ít nhất 10 khu vực khác như Zaporizhzhia, Kharkiv, Mykolaiv, Lviv chịu thiệt hại nặng nề.

Chia sẻ với USAToday, ông Volodymyr Omelyan - cựu Bộ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng Ukraine, ước tính rằng 40% ngành năng lượng của nước này đã bị hư hại hoặc phá huỷ.

Các nhà phân tích cho rằng Điện Kremlin có lẽ đang tính toán rằng dân thường Ukraine sẽ cảm thấy kiệt quệ khi phải sống trong cảnh lạnh lẽo và khốn khổ, sau đó sẽ thúc giục chính phủ Kiev nhượng bộ trong cuộc chiến với Nga.

Ông Dale Buckner - đại tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu và hiện là CEO của công ty an ninh quốc tế Global Guardian, khẳng định Nga đã thay đổi chiến thuật dưới sự lãnh đạo của Tướng Sergei Surovikin.

“Chúng ta có thể sẽ tiếp tục thấy Nga sử dụng cái lạnh như một vũ khí chống lại người dân Ukraine”, ông Buckner cho hay.

Cục diện chiến trường Ukraine, tính đến ngày 14/11/2022.

Lợi thế thực chất về phe ai?

Tuy Nga đã thay đổi chiến thuật, các yếu tố xoay quanh cuộc chiến chỉ ra rằng quân đội Ukraine mới là bên sẽ có lợi thế trong mùa đông năm nay.

Hiện tại, Nga đang thiếu thốn đủ thứ, từ quân lực cho đến vũ khí. Chưa kể, khâu vận chuyển vũ khí và bổ sung binh lính từ Nga đến chiến trường Ukraine rõ ràng là không dễ dàng gì trong điều kiện rasputitsa.

Trên truyền thông, các lực lượng vũ trang Nga tuyên bố họ có 1 triệu binh sĩ và trong tương lai gần là 1,1 triệu, theo nhà phân tích Margarete Klein của Viện Quốc tế và An ninh Đức. Tuy nhiên, trao đổi với DW, bà Klein nói quy mô thực tế nhỏ hơn nhiều.

Vị chuyên gia cho biết một lượng lớn binh sĩ Nga đã được triển khai ở Ukraine. “Họ đã phải chịu tổn thất nặng nề do binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương”, bà Klein nhấn mạnh.

Rất khó để xác định chính xác con số thương vong, nhưng tình báo Mỹ tin rằng ít nhất hàng chục nghìn lính Nga đã chết và bị thương. Nga phải tuyển quân từ tù nhân không được huấn luyện bài bản và phải phát lệnh động viên một phần.

Đây là những bằng chứng cho thấy Nga đang gặp vấn đề lớn về quân lực và lệnh động viên gần đây nhiều khả năng cũng không thể giúp Moscow bổ sung binh sĩ cho cuộc chiến tại Ukraine.

Vũ khí của Nga cũng bị phá huỷ rất nhiều. Hãng nghiên cứu Hà Lan có tên Oryx ước tính Nga đã mất khoảng 1.876 xe tăng từ đầu chiến sự cho đến nay.

Cụ thể, theo Oryx, tổng thiệt hại về trang thiết bị của Nga (không tính xe tăng) bao gồm: 1.027 xe chiến đấu bộ binh, 142 xe bọc thép chở quân lính, 75 khẩu pháo kéo, 154 pháo tự hành, 93 bệ phóng tên lửa và 68 hệ thống phòng không đất đối đất.

Các ước tính khác, chẳng hạn như của Lầu Năm Góc hoặc tình báo Anh, thận trọng hơn một chút. Thiệt hại về vũ khí của Nga vẫn khá nặng nề, nhưng ít hơn ước tính của Oryx khoảng 20 - 30%.

Do thiếu hụt vũ khí tối tân, Nga phải dùng đến các hệ thống từ thời Liên Xô. Mặt khác, Nga khó có thể bổ sung kho vũ khí một cách nhanh chóng, một phần vì vấn đề hậu cần trong mùa đông, phần khác vì các cấm vận của phương Tây khiến Moscow mất khả năng tiếp cận các linh kiện hiện đại.

Quân đội Ukraine được dự đoán là sẽ giành ưu thế trong mùa đông. (Ảnh: AP).

Trong khi đó, điều kiện của Ukraine lại thuận lợi hơn. Quân đội Ukraine ít tổn thất về binh lực hơn và đang có những trang thiết bị vượt trội hơn để đối mặt với mùa đông khắc nghiệt.

Phát biểu tại một diễn đàn hồi cuối tháng 8, Tổng tư lệnh Valeriy Zaluzhniy cho biết gần 9.000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng kể từ khi Nga động binh, dù con số thực tế có thể cao hơn.

Ukraine cũng bị thiệt hại về vũ khí, nhưng không nhiều bằng Nga. Theo tính toán của Oryx, từ đầu chiến sự đến nay, Ukraine đã mất 1.627 trang thiết bị, trong đó có 267 xe tăng và 244 xe chiến đấu bộ binh.

Mặt khác, Ukraine vẫn đang được phương Tây viện trợ vũ khí, dù tốc độ đã chững lại so với giai đoạn đầu. Mỹ và các đồng minh cũng đang giúp đỡ Ukraine về các thiết bị giữ ấm trong mùa đông.

Chẳng hạn, Mỹ đã cam kết cung cấp cho Ukraine 50.000 áo parka, 4.700 quần tây, 39.000 mũ lông cừu, 23.000 đôi ủng, 18.000 đôi găng tay và 6.000 chiếc lều. Nhiều nước khác cũng đã thông báo sẽ giúp Ukraine trang bị thêm thiết bị giữ ấm.

“Chúng tôi đã đặc biệt tập trung vào quần áo mùa đông và các thiết bị giữ ấm như máy phát điện, lều, cùng nhiều thứ khác để quân đội Ukraine có thể hoạt động trong suốt mùa đông...”, Wall Street Journal dẫn lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chia sẻ tại một cuộc họp hồi cuối tháng 10.

Hơn nữa, dân thường Ukraine cũng đang làm quen với mùa đông. Vì vậy, tính toán của Kremlin ở chiến thuật mới có thể sẽ không phát huy tác dụng.

Theo ghi nhận của Wall Street Journal, sau khi Nga tấn công vào hạ tầng lưới điện và gây ra tình trạng mất điện kéo dài, người dân tại Kiev cùng một số khu vực đã dần thích nghi với hoàn cảnh mới.

Người dân Ukraine đang dần làm quen với cảnh mất điện sau khi Nga tấn công vào các hạ tầng năng lượng quan trọng. (Ảnh: AP).

Khả Nhân