Nếu bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhập vào Việt Nam, sức tàn phá rất khủng khiếp
Trung Quốc phát hiện tới 16 ổ dịch tả heo châu Phi trong hơn 1 tháng |
Chưa có vắc-xin ngăn chặn dịch tả heo châu Phi
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ thu đông và ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, ông Ken Inui - Chuyên gia phòng thí nghiệm Trung tâm Khần cấp kiểm soát bệnh động vật lây truyền qua biên giới (thuộc FAO) cho biết, hiện nay chưa có vắc-xin ngăn chặn loại bệnh này.
Bên cạnh đó, bệnh dịch này tồn tại lâu hơn so với các loại bệnh khác như dịch cúm gia cầm. Điền hình như Tây Ban Nha phải mất 35 năm mới đẩy lùi được căn bệnh này.
Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vụ thu đông và ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam. (Ảnh: Đức Quỳnh) |
“Nếu bệnh này xâm nhập vào Việt Nam, sức tàn phá sẽ rất khủng khiếp”, ông Ken Inui nói.
Bản thân virus dịch tả heo châu Phi lây lan rất chậm, không chết hàng loạt nhưng xác suất chết gần như 100%, khác hẳn so với bệnh tai xanh. Bệnh tập trung nhiều ở heo trên 12 tuần tuổi, tất cả các lứa tuổi khác cũng có nguy cơ nhiễm bệnh.
Không điều trị heo nghi mắc bệnh
Ông Ken Inui khuyến nghị người nông dân không điều trị heo nghi mắc bệnh mà nhanh chóng tiêu hủy do hiện nay chưa có vắc - xin điều trị.
Vị chuyên gia cho biết, thói quen của nhiều hộ chăn nuôi là dùng một kim tiêm cho nhiều con heo khác nhau, đây là tác nhân lây lan virus qua đường máu. Bên cạnh đó, việc cho heo ăn thức ăn thừa cũng là nguyên nhân khiến mầm bệnh lây lan rộng, vì vậy, khuyến cáo bà con không nên sử dụng loại thức ăn này cho chăn nuôi.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, Thái Lan đã ban hành lệnh tạm dừng nhập khẩu heo và các sản phẩm thịt heo từ Trung Quốc (trừ sản phẩm ruột heo muối đã qua công đoạn diệt vi rút dịch tả heo châu Phi theo quy định của Tổ chức Sức khỏe Động vật Thế giới - OIE).
Đồng thời, Thái Lan tổ chức kiểm soát chặt hành lý của khách du lịch tại sân bay, cửa khẩu, cảng biển, sử dụng chó để phát hiện, mở hành lý kiểm tra nếu nghi ngờ; xây dựng, rà soát lại toàn bộ kế hoạch ứng phó khẩn cấp đối với bệnh dịch tả heo châu Phi.
Tại Trung Quốc, trước diễn biễn tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại Nga và một số nước Châu Âu vào năm 2014, FAO đã triển khai Dự án hợp tác kỹ thuật phối hợp với Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, Trung tâm Dịch tễ và Thú y Trung Quốc và Trung tâm Phòng chống dịch bệnh động vật Trung Quốc nhằm tăng cường sự chuẩn bị ứng phó và xây dựng chiến lược phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi tại Trung Quốc.
Ngày 24/11/2015, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật về phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi nhằm giúp cho các cơ quan liên quan thực hiện đầy đủ Kế hoạch quốc gia Khống chế bệnh động vật trung và dài hạn (2012 – 2020) và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi heo.
Khi có bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện, Trung Quốc đã và đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh, trong đó có việc đóng các cửa chợ buôn bán heo sống, không cho phép vận chuyển heo và các sản phẩm của heo ra khỏi địa bàn các tỉnh có bệnh.
Trung Quốc cũng thiết lập các vùng bị dịch đe dọa là 3 km và vùng bảo vệ là 10 km; tiêu hủy đàn heo nhiễm bệnh và các đàn có nguy cơ, kèm theo việc hỗ trợ tài chính với mức khoảng 115 USD/con heo, không phân biệt heo to hay nhỏ.
Trung Quốc đã tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình dịch bệnh tại hơn 23.000 địa điểm, bao gồm giám sát lâm sàng và chủ động lấy mẫu xét nghiệm của heo chết, heo bệnh. Kết quả, các cơ quan của Trung Quốc đã phát hiện được 120 mẫu dương tính với vi rút dịch tả heo châu Phi trong số hơn 9.900 mẫu xét nghiệm.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các địa phương phải hành động quyết liệt, không được chủ quan với bệnh dịch, chủ động nắm bắt thông tin chính xác, kịp thời cung cấp cho địa phương. Đồng thời, nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu. Các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ, không để lây nhiễm qua đường biên giới.