|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT tỉnh táo trước tình trạng tạo ‘game’ thổi giá cổ phiếu penny

14:59 | 26/09/2021
Chia sẻ
Để thêm phần cuốn hút và hợp lý hóa với đồ thị tăng giá phi mã của cổ phiếu penny, nhiều câu chuyện hay còn gọi là “game” được vẽ ra để tạo dựng niềm tin, lôi kéo các nhà đầu tư. Trước tình trạng này, hơn ai hết, nhà đầu tư phải tự trang bị những kỹ năng, kiến thức để bảo vệ mình.

Câu chuyện tạo dựng niềm tin của các cổ phiếu tăng bằng lần

Sóng cổ phiếu penny nhen nhóm từ giữa tháng 8 và bùng nổ mạnh trong nửa đầu tháng 9. Khi khó tìm kiếm lợi nhuận ở nhóm vốn hóa lớn, dòng tiền đã dịch chuyển sang nhóm đầu cơ. Sau chuỗi phiên tăng trần liên tiếp, thị giá của các cổ phiếu penny đã tăng nhiều lần, từ 1.000 – 2.000 đồng/cp lên ngưỡng 20.000, 50.000 thậm chí vượt 70.000 đồng/cp.

Nếu nhìn vào đồ thị giá, chắc hẳn nhiều nhà đầu tư sẽ rất phấn kích nếu như nắm giữ trong danh mục. Nhiều người lại không khỏi tiếc nuối vì đang cầm những cổ phiếu không tăng giá, thậm chí giảm giá trong thời điểm sắc tím tràn ngập bảng điện ở nhóm thị giá nhỏ.

Và câu chuyện không có gì mới, cứ mỗi lần cổ phiếu nào đó tăng giá, trên các diễn đàn, mạng xã hội, hội nhóm… lại có các câu chuyện hay còn gọi là "game". Những kịch bản quen thuộc là thương vụ thâu tóm của các ông lớn, bán vốn cho đối tác, phát hành cổ phần tăng vốn hay việc thoái vốn hứa hẹn sẽ mang lại khoản lợi nhuận nào đó sắp tới.

Ngay cả những doanh nghiệp gần như không có doanh thu, thua lỗ triền miên, HNX hay HOSE liên tục đưa ra những cảnh báo, hạn chế giao dịch cũng nằm trong tâm điểm của những tin đồn. Nhiều người đã vẽ ra một bức tranh "lột xác" của các công ty như vậy.

Trong những ngày đầu tháng 9, nhà đầu tư không khó để bắt gặp những câu chuyện như vậy. Bất cứ một cổ phiếu penny nào đó tăng giá đều được gắn với một "game" liên quan đến doanh nghiệp.

Đơn cử, khi cổ phiếu QBS của CTCP Xuất nhập khẩu Quảng Bình có chuỗi phiên tăng đẩy thị giá từ khoảng 3.000 đồng lên đỉnh 5.660 đồng/cp. Một số nhà đầu tư truyền tai nhau thông tin liên quan đến một nhóm cổ phiếu đang rất "hot" thời điểm này đó là "họ Louis".

Câu chuyện được tạo dựng từ việc Louis Capital (mã: TTG) mua cổ phần của DAP-Vinachem (Mã: DDV) và trở thành cổ đông lớn. Trước đó, Xuất nhập khẩu Quảng Bình cũng từng là cổ đông và sở hữu cổ phần lớn thứ hai tại DAP-Vinachem.

Song, trên thực tế, Xuất nhập khẩu Quảng Bình đã thoái toàn bộ khoản vốn gốc đầu tư trị giá gần 224 tỷ đồng khỏi DAP-Vinachem trong năm 2020. Hiện, công ty không còn nắm giữ cổ phiếu của nhà sản xuất phân bón này.

NĐT tỉnh táo trước tình trạng tạo ‘game’ thổi giá cổ phiếu penny - Ảnh 1.

Xuất nhập khẩu Quảng Bình (QBS) đã thoái sạch vốn khỏi DAP-Vinachem năm 2020. Ảnh: BCTC.

Một trường hợp khác cũng liên quan đến việc đồn thổi vô căn cứ đó là mã SJF của CTCP Đầu tư Sao Thái Dương. Khi giá cổ phiếu SJF tăng gấp đôi từ 4.000 đồng/cp lên 8.000 đồng/cp, luồng thông tin xuất hiện trên các diễn đàn và phương tiện truyền thông đại chúng là khả năng Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) sẽ thâu tóm, mua cổ phần công ty này. 

Cơ sở để "vẽ" ra câu chuyện đó là sản phẩm ván ép của Đầu tư Sao Thái Dương có thể làm tấm lót sàn container – một mảng mới của Hòa Phát.

Trước thông tin trên, Tập đoàn Hòa Phát cho biết không có ý định M&A hay tham gia quản trị công ty nào về sản xuất ván tre gỗ ép. Thay vào đó, công ty sẽ tìm kiếm nhà cung cấp sản phẩm có chất lượng và giá thành hợp lý.

Thực tế trên để thấy rằng những tin vô căn cứ, tin đồn xuất hiện trên thị trường đã phần nào tác động đến những giao dịch của các cổ phiếu có liên quan. Điều đáng nói, dù có hay không việc mua bán dựa vào những thông tin trên, nhưng việc này đã ảnh hưởng đến thị trường bởi chứng khoán là kênh đầu tư rất nhạy với các thông tin lan tỏa.

Trong ngắn hạn, nhiều cổ phiếu penny đã giảm sàn và mất thanh khoản trong phiên 24/9 sau khi giao dịch với khối lượng khủng trước đó. Đơn cử, phiên 23/9 ghi nhận khối lượng khớp lệnh 11,4 triệu cổ phiếu SJF tương đương 14,3% số cổ phần đang lưu hành hay gần 15% cổ phần của Xuất nhập khẩu Quảng Bình được đem lên sàn giao dịch. 

Liệu cổ phiếu có trở lại đà tăng hay tiếp tục lao dốc là một câu hỏi khó, nhưng việc giao dịch với khối lượng khủng sau chuỗi tăng giá bằng lần gửi đi tín hiệu để cảnh báo rủi ro cho những nhà đầu tư.

NĐT tỉnh táo trước tình trạng tạo ‘game’ thổi giá cổ phiếu penny - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu SJF trong giai đoạn gần đây. Ảnh: TradingView.

Lời khuyên cho NĐT trước tình trạng loạn tin như hiện nay?

Đứng trước vấn nạn giá cổ phiếu tăng mạnh đi cùng những tin đồn như hiện nay, ông Nguyễn Công Minh Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đưa ra quan điểm và khuyến nghị các NĐT.

Theo ông Minh, cùng với sự phát triển của thị trường, sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo ra rủi ro, nguy cơ về phát tán thông tin không chính thống, thậm chí thông tin sai lệch, tin giả về thị trường, tạo ra áp lực cho cơ quan quản lý trong việc kiểm soát, xử lý tin đồn, tin giả mạo trên thị trường chứng khoán.

Nói thêm, trong thời gian qua, rất nhiều hội, nhóm liên quan tới chứng khoán được tạo ra trên mạng xã hội. Đây là nơi trao đổi, tham khảo thông tin, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc ra quyết định mua, bán. Tuy nhiên, thị trường đã xuất hiện tượng lợi dụng các diễn đàn, hội, nhóm để tung tin đồn, lôi kéo, phát tán thông tin chưa có kiểm chứng và cả tin giả mạo.

Mới đây nhất, cơ quan công an đã hỗ trợ UBCKNN trong xác minh, truy tìm đối tượng cung cấp văn bản giả mạo của HOSE, cung cấp thông tin sai sự thật trên mạng. Ngày 5/8, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ra Quyết định xử phạt đối với một cá nhân về hành vi này.

Về giải pháp, vị lãnh đạo UBCKNN khuyến nghị, để đầu tư an toàn, có hiệu quả, NĐT cần trang bị cho mình kiến thức về chứng khoán, tài chính doanh nghiệp và nắm bắt đầy đủ các quy định pháp luật. Việc đầu tư cần phải xem xét thấu đáo dựa trên đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh và tiềm năng phát triển của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, NĐT cần lưu ý việc tham khảo, kiểm chứng dựa trên các kênh chính thống của các cơ quan, đơn vị, tổ chức chức năng hoặc từ chính doanh nghiệp. Các luồng thông tin trên không gian mạng có thể xem là một kênh thông tin tham khảo và NĐT nên cẩn trọng để tránh bị lôi kéo, cuốn theo, từ đó đầu tư theo cảm tính.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoàng Linh

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.