|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

NĐT đổi ý trong chớp mắt, không còn giục Fed hạ lãi suất khẩn cấp

07:49 | 11/08/2024
Chia sẻ
So với hồi đầu tuần, thị trường đã bớt thúc giục các quan chức Fed nới lỏng chính sách tiền tệ.

Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, thị trường tài chính đã bớt hối thúc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất.

Đầu tuần này, một số nhà đầu tư thậm chí còn kêu gọi các quan chức ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất khẩn cấp. Khi đó, thị trường nhận định Fed gần như chắc chắn sẽ giảm ít nhất 50 điểm cơ bản (bps).

Bây giờ thì sao? Các nhà đầu tư đang do dự giữa hai khả năng - giảm 25 bps hoặc 50 bps vào tháng 9 - khi họ ngày càng tự tin rằng nền kinh tế không lao thẳng vào suy thoái và Fed không quá chậm chân.

Trao đổi với CNBC, ông Steven Wieting, nhà kinh tế kiêm chiến lược gia trưởng của Citi Wealth, dự đoán thị trường lao động sẽ tiếp tục suy yếu.

Tuy nhiên, ông lưu ý tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi các biện pháp kích thích tài khoá của chính phủ và sự ổn định tương đối của người tiêu dùng.

Ông Wieting nhấn mạnh, “đó không phải là môi trường mà chúng ta có thể nhìn thấy suy thoái, trừ khi một cú sốc mới xảy ra”.

Chỉ báo suy thoái Quy tắc Sahm được kích hoạt ngay sau số liệu việc làm phi nông nghiệp tháng 7.

Tâm lý hoảng loạn trên thị trường nhen nhóm vào ngày 1/8 và kéo dài đến đầu tuần này, khi số liệu việc làm và chỉ số PMI sản xuất của Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) đều xấu hơn dự kiến.

Đáng chú ý là báo cáo việc làm mà Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày 2/8. Theo báo cáo, các doanh nghiệp Mỹ chỉ tạo thêm 114.000 việc làm trong tháng 7 và tỷ lệ thất nghiệp vọt lên mức 4,3%, kích hoạt chỉ báo suy thoái Quy tắc Sahm.

Song, dữ liệu mới của Bộ Lao động Mỹ vào ngày 8/8 đã xoa dịu tình hình. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua đã giảm. Chỉ số PMI dịch vụ của ISM tốt hơn dự kiến cũng nâng đỡ tâm lý nhà đầu tư.

Do đó, xác suất Fed hạ lãi suất 50 bps vào tháng 9 đã giảm từ 85% vào đầu tuần xuống còn 54% vào ngày 9/8, theo công cụ FedWatch của CME Group.

Thị trường vẫn hy vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giảm lãi suất 100 bps trong nửa cuối năm nay, xác suất vào khoảng 68%. Tuy nhiên, kỳ vọng cũng đã đi xuống so với xác suất gần 100% về mức giảm 125 bps vào ngày 5/8.

Giáo sư Jeremy Siegel của Trường Kinh doanh Wharton là một trong những chuyên gia mạnh mẽ kêu gọi Fed cắt giảm lãi suất khẩn cấp vào đầu tuần.

Tuy nhiên, ngay cả ông Siegel nay cũng đã dịu giọng. Bây giờ, vị giáo sư chỉ khuyến khích Chủ tịch Jerome Powell và các đồng nghiệp nới lỏng tiền tệ càng nhanh càng tốt.

“Tôi không nghĩ ông Powell sẽ khiến nền kinh tế suy sụp nếu Fed có thể nhanh chóng đưa lãi suất xuống dưới 4%”, ông Siegel cho hay trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 8/8.

 

Fed đã giữ lãi suất chuẩn trong phạm vi 5,25 - 5,5% trong hơn một năm qua. Đây là mức lãi suất cao nhất trong hơn hai thập kỷ.

Trong những ngày gần đây, ông Powell và một số quan chức ngân hàng trung ương khác đã phát tín hiệu rằng họ sẵn sàng hạ lãi suất, mặc dù chưa cung cấp chi tiết về mức độ và thời điểm giảm.

Đơn cử như vào ngày 5/8, giữa lúc thị trường chứng khoán Mỹ đỏ lửa, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Austan Goolsbee tuyên bố ngân hàng trung ương Mỹ sẽ phản ứng với các dấu hiệu suy yếu trong nền kinh tế.

Ông còn hàm ý chính sách tiền tệ có thể đang quá thắt chặt. Ông Goolsbee nói việc duy trì lập trường chính sách “hạn chế” là không hợp lý nếu nền kinh tế đang yếu đi.

“Nhiệm vụ của Fed rất đơn giản, đó là tối đa hoá việc làm, ổn định giá cả và duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính. Đó là những gì chúng tôi sẽ làm”, vị quan chức nhấn mạnh với CNBC.

“Nếu các điều kiện kinh tế bắt đầu xấu đi, nếu thị trường lao động hay lĩnh vực sản xuất suy yếu, chúng tôi sẽ khắc phục tình hình”, ông nói thêm.

 

Yên Khê