NĐT cá nhân mua ròng gần 1.050 tỷ đồng tuần qua, tâm điểm VHM và VNM
NĐT cá nhân mua ròng gần 1.050 điểm, tâm điểm VHM và VNM
VN-Index ghi nhận tuần giao dịch 20 - 24/11 rung lắc mạnh với biên độ lớn và đóng cửa tuần tại 1.095 điểm. Trong phiên đầu tuần, thanh khoản mua chủ động gia tăng tốt đã giúp cho VN-Index có được sắc xanh lan tỏa ở hầu hết các nhóm ngành, đẩy chỉ số chung tiệm cận lại khu vực 1.110.
Tuy nhiên, với tâm lý thận trọng và dư địa của áp lực chốt lời ngắn hạn, thị trường đã có phần hụt hơi trong hai phiên kế tiếp trước khi chịu áp lực bán mạnh và bất ngờ vào phiên ngày 23/11.
Trong phiên cuối tuần, thị trường biến động với biên độ rộng và nhờ lực cầu trong ít phút cuối phiên đã đảo chiều lấy lại được sắc xanh. VN-Index đóng cửa tuần tại mốc 1.095,61 điểm, giảm 5,58 điểm, tương đương 0,51% so với tuần trước, trong khi thanh khoản giảm nhẹ.
Liên quan đến giao dịch của các nhóm nhà đầu tư, cá nhân trong nước mua ròng với quy mô 1.045 tỷ, tính riêng kênh khớp lệnh họ gom ròng hơn 318 tỷ đồng. Theo thống kê của FiinTrade, giao dịch mua ròng của NĐT cá nhân chiếm ưu thế khi diễn ra tại 11/18 nhóm ngành. Cổ phiếu bất động sản vươn lên trở thành ngành được mua ròng mạnh nhất với 693 tỷ đồng.
Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng các đại diện thuộc nhóm thực phẩm & đồ uống (271 tỷ đồng), bán lẻ (67 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (56 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (44 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (36 tỷ đồng), ...
Giao dịch bên bán vẫn tập trung ở nhóm dịch vụ tài chính với quy mô 427 tỷ đồng. Cổ phiếu chứng khoán có tỷ trọng giao dịch tăng lên 22,09%, trong khi đó chỉ số giá ngành tăng 1,81% so với tuần trước.
Bên cạnh đó, ngành hóa chất và công nghệ thông tin cũng bị rút ròng gần 245 tỷ và 87 tỷ đồng. Áp lực bán đến từ NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở các ngành dầu khí, hàng cá nhân & gia dụng, ô tô & phụ tùng, du lịch & giải trí với giá trị thấp hơn.
Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, cổ phiếu VHM của Công ty cổ phần Vinhomes ghi nhận giá trị vào ròng gần 340 tỷ đồng. Giao dịch của NĐT cá nhân giữ vai trò chủ đạo cân lệnh bán ra cổ phiếu VHM từ khối ngoại.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VHM đóng cửa phiên 24/11 tại 39.100 đồng/cp, tương đương giá trị vốn hóa thị trường hơn 170.250 tỷ đồng. Vốn hóa hiện tại của Vinhomes đang ở mức thấp nhất kể từ khi lên sàn, thấp hơn so với thời điểm tháng 3/2020 do ảnh hưởng của đợt bán tháo trên diện rộng vì lo ngại ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Cùng thuộc “họ Vin”, VRE và VIC cũng được gom ròng với giá trị 228 tỷ và 134 tỷ đồng. Theo sau, dòng tiền các cá nhân cũng tìm đến VNM với 248 tỷ đồng, MWG (118 tỷ đồng), STB (97 tỷ đồng), HSG (80 tỷ đồng), VHC (60 tỷ đồng), MSN (52 tỷ đồng), GEX (48 tỷ đồng).
Tại chiều bán ròng, giao dịch tập trung mạnh nhất ở DGC với 179 tỷ đồng. Nguồn: Linh Chi tổng hợp. Các cá nhân rút ròng khỏi một số cổ phiếu như EVF (165 tỷ đồng), SSI (149 tỷ đồng), VND (102 tỷ đồng), NKG (86 tỷ đồng), FPT (83 tỷ đồng), NLG (76 tỷ đồng), PVD (70 tỷ đồng), DCM (56 tỷ đồng), PNJ (39 tỷ đồng), …
Tổ chức trong nước mua ròng tuần thứ ba liên tục
Giao dịch cùng chiều với các NĐT cá nhân, tổ chức trong nước mua ròng gần 94 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, nhóm này mua ròng hơn 112 tỷ đồng.
Hoạt động mua ròng diễn ra ở 12/18 ngành, lớn nhất là nhóm hóa chất với 134 tỷ đồng. Theo sau là công nghệ thông tin (106 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (68 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (57 tỷ đồng),…
Trong khi đó, dòng tiền tổ chức trong nước bán ròng các mã thuộc lĩnh vực tài nguyên cơ bản (126 tỷ đồng), bất động sản (105 tỷ đồng), ngân hàng (88 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (21 tỷ đồng), …
Tại chiều mua, tổ chức trong nước tập trung vào cổ phiếu FPT với 115 tỷ đồng. Đóng cửa phiên 24/11, thị giá FPT dừng ở 91.200 đồng/cp, tăng gần 19% so với đầu năm. Vốn hóa thị trường theo đó đạt hơn 115.800 tỷ đồng, đưa ông lớn ngành công nghệ FPT quay lại top 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên HOSE.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh, 10 tháng đầu năm, FPT ghi nhận doanh thu 42.465 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 5.407 tỷ đồng, tăng lần lượt 21% và 18% so với cùng kỳ năm trước. Công ty đã thực hiện 81% về doanh thu và 85% chỉ tiêu lãi cả năm 2023.
Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình khác như EVF (90 tỷ đồng), DCM (68 tỷ đồng), DGC (64 tỷ đồng) và NLG (41 tỷ đồng), …
Ở phía đối diện, cổ phiếu HSG đứng vị trí số 1 về giá trị xả ròng với hơn 113 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VIC cũng nằm trong top rút ròng với 52 tỷ đồng. Ngoài ra, top 5 cổ phiếu bị bán ròng còn có STB (51 tỷ đồng), BCM (26 tỷ đồng), SHB (24 tỷ đồng), …