|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lộ diện nhóm nhà đầu tư mạnh tay bán ra khi Vinhomes mua lại cổ phiếu

08:53 | 06/11/2024
Chia sẻ
Cổ phiếu VIB dẫn đầu chiều mua ròng của cá nhân trong nước trong tháng 10 với giá trị 1.275 tỷ đồng, quy mô này bỏ xa các mã còn lại trong top mua ròng. Ở chiều ngược lại, VHM là cổ phiếu bị bán mạnh nhất khi Vinhomes thực hiện mua lại cổ phiếu.

Trong tháng 10, VN-Index dao động quanh ngưỡng 1.250 - 1.300 điểm và điều chỉnh giảm sau nhiều lần chạm ngưỡng kháng cự 1.300 điểm, VN-Index kết lại tháng 10 tại 1.264,48 điểm, giảm 23,46 điểm tương đương 1,82% so với tháng 9.

Cùng chiều, HNX-Index và UPCoM-Index lần lượt giảm 3,64% và 1,26% so với tháng trước, dừng chân tại mốc 226,36 điểm và 92,38 điểm.

Thanh khoản trầm lắng với tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 17.763 nghìn tỷ đồng trong tháng 10. Tính riêng khớp lệnh, thanh khoản bình quân phiên ở mức 15.435 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,2% so với mức bình quân tháng 9, nhưng vẫn thấp hơn 17,4% so với mức bình quân 5 tháng gần đây.

Sự thiếu vắng thanh khoản ngay cả trong các phiên phục hồi cho thấy dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng quay lại thị trường, khi chỉ số chưa có nhiều động lực bứt phá rõ ràng. Hơn nữa, áp lực bán ròng từ khối ngoại tiếp tục duy trì cũng gây thêm sức ép đáng kể.

Ngược chiều khối ngoại, NĐT cá nhân tiếp tục mua ròng 4.756 tỷ đồng, trong đó họ gom ròng 1.179 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.

Theo dữ liệu Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), tại cuối tháng 10, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của cá nhân trong nước đạt 8,96 triệu đơn vị (xấp xỉ 8,9% dân số).

Con số này cao hơn 156.568 tài khoản so với thời điểm cuối tháng 9. Mức tăng số lượng tài khoản trong tháng 10 đi ngang so với tháng 9. Trong khi đó vào tháng 10/2023, VSDC ghi nhận giảm khoảng 378.000 đơn vị, do thực hiện đóng các tài khoản không hoạt động.

Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, số lượng tài khoản của cá nhân trong nước đã tăng 1,73 triệu tài khoản. Tính trung bình mỗi tháng, thị trường gia tăng trên dưới 173.000 tài khoản giao dịch cá nhân trong nước.

Cá nhân trong nước tập trung giải ngân vào nhóm thực phẩm, ngân hàng, chứng khoán

Theo thống kê của FiinTrade, giao dịch mua ròng của NĐT cá nhân diễn ra tại 12/18 nhóm ngành. Trong đó, cổ phiếu thực phẩm & đồ uống được mua ròng gần 1.229 tỷ đồng, là giá trị lớn nhất trong tháng 10.

Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng hàng trăm tỷ đồng các đại diện thuộc nhóm ngân hàng (587 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (336 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (288 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (181 tỷ đồng).

Cùng chiều, các ngành hàng & dịch vụ công nghiệp, tài nguyên cơ bản, dầu khí, hóa chất, … cũng thu hút dòng tiền cá nhân trong nước với giá trị thấp hơn.

Chiều ngược lại, NĐT cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu bất động sản với quy mô hơn 1.045 tỷ đồng. Cổ phiếu ngành bán lẻ, công nghệ thông tin cũng nằm trong Top rút ròng với giá trị lần lượt là 612 tỷ đồng và 110 tỷ đồng. Áp lực bán từ NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở các lĩnh vực bảo hiểm, truyền thông, y tế nhưng với quy mô không đáng kể.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, VIB dẫn đầu chiều mua ròng của cá nhân trong nước với giá trị 1.275 tỷ đồng, quy mô này bỏ xa các mã còn lại trong top mua ròng. Giao dịch của NĐT cá nhân giữ vai trò chủ đạo cân lệnh bán ra cổ phiếu của từ tổ chức trong nước và bộ phận tự doanh công ty chứng khoán.

Theo sau, lực mua các cá nhân tiếp tục tìm đến nhiều cổ phiếu thuộc ngành tài chính – ngân hàng như HDB (870 tỷ đồng), BID (391 tỷ đồng), MSB (377 tỷ đồng), OCB (345 tỷ đồng), SSI (319 tỷ đồng) và HCM (305 tỷ đồng).

Dòng tiền các cá nhân trong nước cũng tìm đến các đại diện của nhóm thực phẩm, bất động sản, cao su như VNM (461 tỷ đồng), VRE (393 tỷ đồng) và GVR (288 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Tại chiều bán ròng, giao dịch tập trung mạnh nhất ở cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes với 3.387 tỷ đồng. Trên thị trường chứng khoán cổ phiếu của ông lớn ngành bất động sản giảm hơn 3% trong tháng vừa qua, đóng cửa phiên 31/10 tại mốc 41.500 đồng/cp.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh, sau 9 tháng đầu năm, Vinhomes ghi nhận tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 69.910 tỷ đồng và tổng doanh thu thuần hợp nhất quy đổi (bao gồm doanh thu từ các hoạt động của Vinhomes và các hợp đồng hợp tác kinh doanh) đạt 90.923 tỷ đồng.

Lợi nhuận hợp nhất sau thuế của công ty đạt 20.600 tỷ đồng. Kết quả này được hỗ trợ bởi việc bàn giao các dự án Vinhomes Ocean Park 2 – 3 và ghi nhận kết quả kinh doanh tại dự án Vinhomes Royal Island trong kỳ.

Trở lại với giao dịch của NĐT cá nhân, họ rút ròng nhiều cổ phiếu nhóm ngân hàng như TCB (1.146 tỷ đồng), VPB (691 tỷ đồng), EIB (554 tỷ đồng), TPB (173 tỷ đồng). Cùng chiều của các cá nhân trong nước rút ròng hàng trăm tỷ đồng các mã HPG (511 tỷ đồng), HAH (469 tỷ đồng), NTL (295 tỷ đồng), CTD (203 tỷ đồng) và PNJ (194 tỷ đồng).

Thu Thảo

ĐHĐCĐ bất thường HSC: Dự báo lợi nhuận 2024 trên 1.300 tỷ đồng, tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng
Tổng Giám đốc HSC, cho biết tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu của công ty đã áp sát ngưỡng tối đa quy định. Đồng thời, công ty cần chuẩn bị trước cho kịch bản thị trường xuất hiện nhịp tăng, nhu cầu sử dụng margin của khách hàng lên cao trong tương lai vì vậy tăng vốn lên 10.800 tỷ đồng là rất cấp bách.