|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Sếp Pyn Elite Fund thừa nhận chậm nhưng đúng hướng khi cắt lỗ ‘họ Vin’ mua cổ phiếu chứng khoán

19:50 | 25/11/2023
Chia sẻ
Dữ liệu về danh mục của Pyn Elite Fund công bố trên website cập nhật tại ngày 25/11/2023 cho thấy tỷ trọng hai mã VHM và VRE sau giai đoạn giảm giá đã hạ còn lần lượt 6,3% và 6,7%.

Mới đây ông Petri Deryng, nhà quản lý quỹ của Pyn Elite Fund đã gửi thư cho nhà đầu tư chia sẻ về quyết định cơ cấu lại danh mục đầu tư. Người đứng đầu tổ chức đến từ Phần Lan thừa nhận đã hành động chậm nhưng đúng hướng.

Theo nhà quản lý quỹ ngoại này, trong giai đoạn VN-Index gặp khó, quỹ đã phân bổ lại danh mục đầu tư để tận dụng tối đa lợi thế khi thị trường chứng khoán khởi sắc sau này.

Dữ liệu danh mục đầu tư từ quỹ cho thấy Pyn Elite Fund đã bán hạ tỷ trọng hai cổ phiếu “họ Vin” là VHM và VRE và mua vào cổ phiếu SHS của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội.

Với việc hai mã trên đang giao dịch ở vùng đáy kể từ khi niêm yết, đây là quyết định cắt lỗ của quỹ Pyn. Dữ liệu về danh mục của Pyn Elite Fund công bố trên website của quỹ cập nhật tại ngày 25/11/2023 cho thấy tỷ trọng hai mã VHM và VRE sau giai đoạn giảm giá đã hạ còn lần lượt 6,3% và 6,7%.

Top10 khoản đầu tư lớn nhất hiện tại cho thấy SSIAM VNFin Lead ETF không còn lọt nhóm, thay vào đó là SHS.

Ghi nhận trong khoảng thời gian 1 – 8/11, nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào khoảng 4,7% vốn của Chứng khoán SHS. Một phần giao dịch này có thể đến từ quỹ Pyn. Cùng với SHS, tổ chức ngoại này đã mua tăng tỷ trọng mã MIG của Bảo hiểm Quân đội (MIC) lên hơn 8%.

Danh mục đầu tư của quỹ Pyn Elite Fund sau giai đoạn cơ cấu lại cho thấy cấu trúc khá phân mảnh khi Top10 khoản đầu tư lớn nhất chiếm 76,8% danh mục, trong khi giai đoạn trước thường xuyên duy trì trên 80%, có thời điểm lên gần 90%.

 Cơ cấu danh mục đâu tư của Pyn Elite Fund. Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Cổ phiếu STB của Sacombank tiếp tục dẫn đầu danh mục đầu tư với 15,2%, kế đến là ba cổ phiếu ngân hàng khác là CTG (8,7%), TPB (8,6%), HDB (8,4%). Sự thay đổi tỷ trọng ở những mà ngân hàng hay VEA, ACV so với các tháng trước là không nhiều.

STB đã vươn lên trở thành khoản đầu tư lớn nhất của Pyn, thế chỗ vị trí của VHM và CTG. Nếu so với thời điểm đầu năm nay, tỷ trọng của VHM và CTG đều đã giảm hơn một nửa trong danh mục của quỹ. Song về tổng quan, nhóm tài chính vẫn là khẩu vị ưa thích của Pyn khi phân bổ quá nửa danh mục.

Nói về cổ phiếu ngân hàng, ông Petri Deryng cho rằng dự phòng nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng trong năm 2023 nhưng mức nợ xấu ở Việt Nam vẫn thấp. Kết quả kinh doanh của các ngân hàng vẫn tốt và suy thoái kinh tế trong ngắn hạn không đe dọa đến triển vọng cũng như thanh khoản của hệ thống.

Nói về diễn biến thị trường chung, nhà quản lý quỹ đến từ Phần Lan đánh giá VN-Index vẫn đang giằng co quanh ngưỡng 1.000 điểm. Các sự kiện hàng này đưa chỉ số lên xuống trong chu kỳ ngắn.

“Tại Việt Nam, giai đoạn tăng trưởng chững lại đã qua và tốc độ tăng tốc đang dần lộ diện, tuy nhiên nhà đầu tư trong nước vẫn tỏ ra thận trọng và chưa chuyển sang xu hướng lạc quan trên thị trường chứng khoán”, ông Petri đưa quan điểm.

Nói thêm về bức tranh vĩ mô, đại diện từ Pyn Elite Fund đánh giá xuất khẩu của Việt Nam đang chuyển sang trạng thái tích cực.

“Chúng tôi nhận được thông tin từ các ngân hàng rằng nhu cầu rằng nhu cầu tài chính của các công ty sản xuất đang tăng lên, điều này cho thấy số lượng đơn đặt hàng đang tăng lên. Bán lẻ và dịch vụ sẽ ghi nhận mức chỉ số thấp trong năm 2023, nhưng lãi suất đã giảm mạnh và tính thanh khoản tốt của ngân hàng chắc chắn sẽ phản ánh vào mức tăng trưởng tiêu dùng từ cuối năm, đặc biệt vào năm 2024”.

Thu Thảo