|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân giao dịch ra sao trong tháng 11?

07:15 | 04/12/2024
Chia sẻ
Các cá nhân trong nước là nhóm nhà đầu tư mạnh tay bán ra khi Vinhomes thực hiện thương vụ mua lại cổ phiếu lớn nhất lịch sử của chứng khoán Việt Nam

Sau khi chạm ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm, áp lực bán đã giảm bớt giúp VN-Index bước vào xu hướng hồi phục và tịnh tiến tới các ngưỡng kháng cự cao hơn. Chỉ số kết thúc tháng 11 tại 1.250,46 điểm, giảm 14,02 điểm tương đương 1,11% so với tháng trước.

Giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HOSE chạm đáy 18 tháng, ở mức 12.202 tỷ đồng, giảm 13,4% so với tháng 10. Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn đạt 15.785 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, thanh khoản bình quân phiên ở mức 13.481 tỷ đồng, giảm 12,7% so với tháng trước và thấp hơn 30% so với mức bình quân 1 năm.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Trong bối cảnh khối ngoại đẩy mạnh bán ròng, NĐT cá nhân vẫn là một trong ba bên mua ròng nâng đỡ thị trường, dù vậy quy mô gom ròng chỉ còn gần 2.400 tỷ đồng, giảm một nửa so với tháng trước đó.

Theo thống kê từ Fiintrade, tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch nghiêng về bên mua với 13/18 nhóm ngành được gom ròng. Trong đó, cổ phiếu dịch vụ tài chính dẫn đầu danh mục giải ngân với gần 1.900 tỷ đồng. Tương tự, nhóm thực phẩm & đồ uống, ngân hàng cũng được gom ròng lần lượt 1.707 tỷ và 1.169 tỷ đồng, …

Hoạt động mua ròng của NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở các lĩnh vực như hóa chất, xây dựng & vật liệu, dầu khí, tài nguyên cơ bản, công nghệ thông tin, …

Chiều ngược lại, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu bất động sản với giá trị 3.874 tỷ đồng. Theo sau, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 349 tỷ đồng ở nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp, trước khi rút ròng nhẹ hơn ở một số ngành như bảo hiểm, bán lẻ, truyền thông.

NĐT cá nhân bán ròng gần 7.200 tỷ đồng cổ phiếu Vinhomes chỉ trong 2 tháng

Thống kê giao dịch khớp lệnh theo từng mã, cổ phiếu SSI của CTCP Chứng khoán SSI được mua ròng nhiều nhất trong tháng 11. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân gom ròng 1.544 tỷ đồng cổ phiếu SSI, trái ngược so với lực xả mạnh mẽ từ phía nhà đầu tư nước ngoài (1.466 tỷ đồng).

Một số cổ phiếu ngân hàng cũng được NĐT cá nhân gom ròng như HDB (704 tỷ đồng), VCB (270 tỷ đồng) và OCB (267 tỷ đồng). Mặt khác, hoạt động rót ròng cũng trải dài ở các cổ phiếu MSN (953 tỷ đồng), CMG (563 tỷ đồng), VNM (408 tỷ đồng), GVR (372 tỷ đồng), VRE (360 tỷ đồng), FRT (317 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp. 

Ở chiều ngược lại, NĐT cá nhân quay đầu bán ròng mạnh nhất cổ phiếu VHM với 3.795 tỷ đồng. Trong tháng trước đó, cổ phiếu của ông lớn Vinhomes cũng dẫn đầu Top xả ròng của khối này với 3.387 tỷ đồng. Điều này cho thấy các cá nhân trong nước là nhóm nhà đầu tư mạnh tay bán ra khi Vinhomes thực hiện thương vụ mua lại cổ phiếu lớn nhất lịch sử của chứng khoán Việt Nam.

Cụ thể, Vinhomes cho biết đã khép lại thương vụ mua lại cổ phiếu từ ngày 23/10 đến 21/11. Theo báo cáo kết quả giao dịch mới công bố, khối lượng mua lại đạt gần 247 triệu cp (khoảng 2/3 lượng đăng ký). Giá mua lại bình quân của Vinhomes là 42.444,36 đồng/cp, tương ứng giá trị giao dịch đạt gần 10.481 tỷ đồng.

Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết của Vinhomes giảm từ hơn 4,35 tỷ đơn vị xuống còn gần 4,11 tỷ đơn vị. Vốn điều lệ theo đó giảm từ 43.544 tỷ đồng về 41.074 tỷ đồng.

Trong thời gian mua lại cổ phiếu, thị giá VHM đã giảm 10,3%, khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân khoảng 21,8 triệu cp. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt gần 32 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị 1.344 tỷ đồng (bình quân gần 42.400 đồng/cp).

Đồng thuận với giao dịch cổ phiếu của ông lớn ngành bất động sản, CTG cũng bị bán ròng với giá trị 725 tỷ đồng. Kế đó, dòng tiền cá nhân cũng rút khỏi một số cổ phiếu vốn hóa lớn như MWG (537 tỷ đồng), FPT (317 tỷ đồng), ACB (219 tỷ đồng). Danh mục bán ròng của cá nhân nội còn có sự góp mặt của HDG, HAH, GMD và KDH với giá trị 132 - 337 tỷ đồng.

Thu Thảo

Hà Nội lập kỷ lục thu ngân sách Nhà nước vượt 500.000 tỷ đồng
Mặc dù GRDP tăng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, song trong năm 2024, một số chỉ tiêu kinh tế của Hà Nội vẫn giữ đà tăng trưởng tốt, đặc biệt tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn lần đầu tiên vượt ngưỡng 500.000 tỷ đồng và tăng 24,7% so với dự toán.