|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân quay đầu bán ròng sau 6 tháng giải ngân liên tục, mua gom nghìn tỷ đồng HPG và VHM

06:58 | 04/09/2024
Chia sẻ
Cùng với khối ngoại, NĐT cá nhân là một trong hai bên bán ròng trong tháng 8, đối ứng với lực mua từ phía bộ phận tự doanh công ty chứng khoán và các tổ chức trong nước.

VN-Index kết thúc tháng 8 tại 1.283,87 điểm, tăng 32,36 điểm tương đương 2,59% so với tháng trước. Thanh khoản giảm nhẹ với tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn đạt 18.580 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh, thanh khoản bình quân phiên ở mức 16.516 tỷ đồng, giảm 4,4% so với mức bình quân tháng 7 và thấp hơn 25,6% so với mức bình quân 5 tháng gần đây.

Xét theo khung thời gian tháng, nhóm bất động sản, ngân hàng, chứng khoán tiếp tục là top 3 ngành hút dòng tiền tích cực trong khi đó dòng tiền suy giảm ở ngành thép, xây dựng, dệt may, điện, …

Liên quan đến giao dịch của các nhóm nhà đầu tư, cá nhân trong nước chuyển hướng bán ròng sau 6 tháng mua ròng liên tiếp. Cùng với khối ngoại, NĐT cá nhân là một trong hai bên bán ròng, đối ứng với lực mua từ phía bộ phận tự doanh công ty chứng khoán và các tổ chức trong nước.

Cụ thể, NĐT cá nhân bán ròng gần 3.628 tỷ đồng, trong đó họ rút ròng 1.128 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Theo thống kê từ Fiintrade, tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch nghiêng về bên bán với 11/18 các nhóm ngành bị bán ròng.

Trong đó, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu thực phẩm và đồ uống với giá trị lên tới 3.055 tỷ đồng. Xếp vị trí thứ 2 trong top bán ròng là cổ phiếu ngành công nghệ thông tin với quy mô hơn nghìn tỷ đồng.

Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 932 tỷ đồng ở nhóm bán lẻ, trước khi rút ròng nhẹ hơn ở một số ngành như hóa chất (678 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (237 tỷ đồng), ngân hàng (100 tỷ đồng), …

Chiều ngược lại, cổ phiếu ngành tài nguyên cơ bản dẫn đầu danh mục giải ngân với gần 3.657 tỷ đồng. Tương tự, nhóm bất động sản cũng được gom ròng với giá trị 1.127 tỷ đồng, … Áp lực bán từ NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở các lĩnh vực như dầu khí, xây dựng & vật liệu, điện, nước & xăng dầu khí đốt với quy mô thấp hơn.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại cổ phiếu VNM của nhóm thực phẩm với 2.306 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân trong nước gần như đối ứng với lực mua của NĐT nước ngoài và các tổ chức trong nước.

Đồng thuận với giao dịch cổ phiếu của ông lớn ngành sữa, FPT cũng bị bán ròng với giá trị 1.046 tỷ đồng. Kế đó, nhiều mã ngân hàng cũng nằm trong danh mục rút vốn là CTG (837 tỷ đồng), VCB (764 tỷ đồng), MBB (342 tỷ đồng), STB (301 tỷ đồng), …

Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của các cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như MWG (755 tỷ đồng), MSN (615 tỷ đồng), PC1 (436 tỷ đồng), DGC (364 tỷ đồng) và TCH (311 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tháng 8. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân gom ròng 2.948 tỷ đồng cổ phiếu HPG, trái ngược so với lực xả mạnh mẽ từ phía nhà đầu tư nước ngoài (2.477 tỷ đồng). Một cổ phiếu ngành thép khác cũng góp mặt trong danh sách mua ròng là HSG với 566 tỷ đồng.

Đứng thứ hai trong Top mua ròng là VHM với 1.385 tỷ đồng. Danh sách mua ròng cũng ghi nhận giao dịch của các cổ phiếu ngân hàng như TCB (655 tỷ đồng), HDB (634 tỷ đồng), VPB (529 tỷ đồng), EIB (168 tỷ đồng), OCB (152 tỷ đồng), SSB (145 tỷ đồng), … Hoạt động rót ròng cũng trải dài ở các cổ phiếu PVD, VRE, VGC, NKG, KDC, … với quy mô dưới 400 tỷ đồng.

Linh Chi