NĐT cá nhân chỉ còn rót trên 2.300 tỷ đồng trong tháng 7, cổ phiếu ngành nào được mua mạnh nhất?
NĐT cá nhân chỉ còn mua ròng hơn 2.300 tỷ đồng trên HOSE trong tháng điều chỉnh
Sau những diễn biến tích cực nửa đầu năm, VN-Index bất ngờ trải qua chuỗi phiên lao dốc trong suốt tháng 7 và chỉ hồi phục nhẹ vào tuần cuối tháng.
Đóng cửa phiên 30/7, chỉ số đánh mất 98,5 điểm tương đương 6,99% so với thời điểm cuối tháng 6, dừng lại ở mức 1.310,05 điểm. Diễn biến tương tự, HNX-Index và UPCoM-Index cũng giảm lần lượt 2,62% và 3,68%.
Khi thị trường diễn biến không mấy thuận lợi, tâm lý giao dịch của NĐT trở nên dè dặt hơn. Theo thống kê, thanh khoản trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 20.437 tỷ đồng, giảm 14,1% so với tháng trước đó nhưng vẫn là mức thanh khoản cao trong lịch sử.
Bất chấp diễn biến kém sắc của thị trường, NĐT cá nhân tiếp tục mua ròng hơn 2.349 tỷ đồng trong tháng 7. Tuy vậy quy mô giải ngân giảm mạnh hơn 71% so với tháng trước, khiến các cá nhân không còn là lực cầu mạnh nhất của thị trường.
Thay vào đó, khối ngoại đảo chiều gom ròng hơn 3.600 tỷ đồng trong tháng 7, là quy mô mạnh nhất trong vong 1 năm trở lại đây. Hoạt động mua ròng chủ yếu đến từ quỹ mới mở từ Đài Loan có tên Fubon FTSE Vietnam ETF. Nhờ hoạt động giải ngân từ Fubon FTSE Vietnam ETF, dòng vốn ngoại vào Việt Nam đã đảo chiều trong tháng 7 sau nhiều tháng bị bán ròng liên tiếp.
Chiều ngược lại, tổ chức trong nước cùng bộ phận tự doanh công ty chứng khoán đồng loạt bán ròng qua kênh khớp lệnh trên sàn HOSE. Trong đó, tổ chức nội gia tăng bán ròng lên 4.306 tỷ đồng trong kỳ cơ cấu danh mục tháng 7.
Nhóm thép tụt áp, ưu tiên giải ngân cổ phiếu ngân hàng và bất động sản
Quan sát giao dịch theo từng nhóm ngành, lực mua vào của NĐT cá nhân tại nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản gia tăng trong tháng 7. Trong đó, nhóm ngân hàng được mua ròng nhiều nhất 3.284 tỷ đồng, tăng 860 tỷ đồng so với tháng 6. Theo sau, cổ phiếu ngành bất động sản được gom ròng 1.054 tỷ đồng, tương đương mức tăng 1,5 lần.
Sau khi mua ròng mạnh 5.063 tỷ đồng cổ phiếu tài nguyên cơ bản (thép) trong tháng 6, NĐT cá nhân đảo chiều bán ròng 325 tỷ đồng trong tháng 7.
Nhóm thực phẩm và đồ uống tiếp tục chịu áp lực xả mạnh nhất từ phía NĐT cá nhân. Cụ thể nhóm này rút ròng 1.027 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh, tăng 60% so với tháng trước đó.
Hoạt động bán ròng từ NĐT cá nhân còn diễn ra tại nhóm dịch vụ tài chính (chứng khoán) và hàng & dịch vụ công nghiệp với giá trị lần lượt là 324 tỷ đồng và 646 tỷ đồng.
Bốn mã được mua ròng trên 1.000 tỷ đồng tháng qua: VPB, CTG, STB và NVL
Thống kê giao dịch từng mã trên HOSE, cổ phiếu VPB của VPBank dẫn đầu chiều mua với giá trị giao dịch 1.578 tỷ đồng. Lực mua từ các NĐT cá nhân gần như đối ứng với giao dịch khối ngoại do VPB khóa room ngoại ở mức 5% khiến NĐT nước ngoài buộc phải hạ tỷ lệ sở hữu xuống tương ứng.
Nhóm cổ phiếu được mua ròng trên 1.000 tỷ đồng còn có ba cổ phiếu khác là CTG, STB, NVL. Trong đó, CTG và STB được NĐT cá nhân mua ròng lần lượt 1.392 tỷ đồng và 1.353 tỷ đồng, theo sau là NVL với 1.130 tỷ đồng.
Liên quan đến giao dịch cổ phiếu STB của Sacombank, trong tháng 7, ngân hàng này hoàn tất bán toàn bộ 81.562.287 cổ phiếu quỹ (tương đương 4,33% vốn điều lệ) theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận cổ phiếu lẻ, thu về hơn 2.438 tỷ đồng, thặng dư vốn Sacombank có được là 1.684 tỷ đồng.
Cũng thuộc nhóm ngân hàng, TCB của Techcombank thu hút lực mua ròng 562 tỷ đồng. Trong đó, sau khi được Ngân hàng Nhà nước nới mức trần tín dụng cho Techcombank từ 12% lên hơn 17%, nhà băng này được dự báo đạt gần 1 tỷ USD lợi nhuận trong năm 2021. Một cổ phiếu ngân hàng khác là MSB cũng được mua ròng nhẹ hơn 280 tỷ đồng.
Trái chiều, lực xả tập trung nhiều nhất ở cổ phiếu MBB của MB Bank. Đặc biệt, giao dịch được ghi nhận nhiều nhất ngay trước ngày ngân hàng này chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 35% (ngày 13/7).
Dòng vốn cá nhân cũng rút ròng khỏi nhiều cổ phiếu bluechips khác như SSI (629 tỷ đồng), ACB (472 tỷ đồng), GEX (440 tỷ đồng), DXG (359 tỷ đồng). Nhóm thực phẩm & đồ uống bị xả mạnh nhất với hai tâm điểm bán ròng là MSN (624 tỷ đồng) và VNM (424 tỷ đồng).