|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân mua ròng hơn 2.200 tỷ đồng tuần VN-Index lấy lại mốc 1.300 điểm, tâm điểm nhóm bất động sản

07:20 | 31/07/2021
Chia sẻ
Với 5 phiên tăng liên tiếp, VN-Index khép lại tuần 26 - 30/7 ở mức 1.310,05 điểm. Trong tuần, các NĐT cá nhân mua ròng khớp lệnh 2.217 tỷ đồng trên sàn HOSE, với tâm điểm vẫn là nhóm bất động sản và ngân hàng.

Sau 5 phiên VN-Index tăng điểm, NĐT cá nhân mua ròng 2.217 tỷ đồng

Đóng cửa tuần 26 - 30/7, VN-Index tăng 41,22 điểm (3,25%) sau 5 phiên đi lên liên tiếp, dừng lại ở mức 1.310,05 điểm. Khởi sắc hơn, HNX-Index tăng 13,08 điểm (4,3%), đóng cửa tuần ở 314,85 điểm. UPCoM-Index tăng thêm 3% lên mức 86,93 điểm.

Thanh khoản trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 16.807 tỷ đồng, giảm 7,2% so với tuần trước đó và là tuần có thanh khoản thấp nhất kể từ đầu tháng 5/2021.

Nhà đầu tư cá nhân mạnh tay mua ròng hơn 2.200 tỷ đồng tuần VN-Index tăng 41 điểm - Ảnh 1.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Trong tuần hồi phục, các tổ chức trong nước bán ròng mạnh 2.226 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Lực xả tăng gần 7 lần trong tuần cuối cùng thực hiện cơ cấu lại danh mục của các quỹ ETF sử dụng bộ chỉ số VN30, VNFin Lead và VNDiamond. 

Cùng chiều, mặc dù mua ròng 652 tỷ đồng trên HOSE, NĐT nước ngoài lại bán ròng khớp lệnh 274 tỷ đồng.

Đối ứng với lực bán từ các tổ chức trong nước, NĐT cá nhân mua ròng 2.217 tỷ đồng, tăng 36,7% so với tuần liền trước và là bên mua ròng nhiều nhất sàn HOSE. Khối tự doanh CTCK cũng đảo chiều mua ròng 283 tỷ đồng khi thị trường diễn biến tích cực hơn.

Mua ròng mạnh nhất nhóm bất động sản và ngân hàng

Nhà đầu tư cá nhân mạnh tay mua ròng hơn 2.200 tỷ đồng tuần VN-Index tăng 41 điểm - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Thống kê giao dịch theo ngành, hoạt động mua ròng của NĐT cá nhân diễn ra tại 15/18 nhóm cổ phiếu với giá trị áp đảo so với chiều bán.Lực mua ròng được ghi nhận mạnh nhất tại nhóm bất động sản và ngân hàng. 

Cụ thể, NĐT cá nhân mua ròng 911 tỷ đồng nhóm bất động sản và 613 tỷ đồng các cổ phiếu ngân hàng.

Mặc dù giá cổ phiếu đã phần nào phản ánh kết quả kinh doanh tích cực nửa đầu năm, hai nhóm này được đánh giá sẽ tiếp tục tăng trưởng khi gói đầu tư công được giải ngân trong quý III và tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát.

Chiều ngược lại, chỉ có 3/18 ngành bị bán ròng với giá trị nhỏ hơn 30 tỷ đồng, lần lượt là nhóm hóa chất, xây dựng & vật liệu và hàng cá nhân & gia dụng.

Tâm điểm mua ròng VHM, trong khi xả ACB

Nhà đầu tư cá nhân mạnh tay mua ròng hơn 2.200 tỷ đồng tuần VN-Index tăng 41 điểm - Ảnh 3.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Thống kê giao dịch theo từng mã, hoạt động mua ròng tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn với 10 mã được mua ròng nhiều nhất đều thuộc rổ chỉ số VN30.

Nổi bật tại chiều mua ròng, cổ phiếu VHM của Vinhomes được mua ròng khủng 931,5 tỷ đồng. Trong tuần, VHM ghi nhận khối lượng khớp lệnh bình quân gần 7,2 triệu đơn vị, cao hơn so với mức 3 triệu đơn vị của tuần trước. 

Theo thông tin công bố, HĐQT Vinhomes đã thông qua việc bán 60 triệu cổ phiếu quỹ, tương ứng 1,79% vốn điều lệ theo hình thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh. Ước tính doanh nghiệp sẽ thu về khoản lãi 1.350 tỷ đồng sau khi hoàn tất giao dịch trên.

Kế tiếp, lực mua xuất hiện tại nhiều cổ phiếu ngân hàng như VPB (273,8 tỷ đồng), STB (247,6 tỷ đồng), CTG (207,1 tỷ đồng), VCB (196,7 tỷ đồng), TCB (163,8 tỷ đồng) và MBB (151,1 tỷ đồng). 

Theo ghi nhận, ngân hàng là nhóm ảnh hưởng tích cực nhất tới đà tăng của chỉ số trong tuần qua sau khi các ngân hàng đồng loạt công bố kết quả kinh doanh ấn tượng nửa đầu năm.

Bên cạnh bất động sản và ngân hàng, lực mua cũng lan tỏa tại nhiều nhóm ngành khác. Cụ thể, VNM (Vinamilk) của nhóm thực phẩm & đồ uống ghi nhận giao dịch ròng trên 243 tỷ đồng. Hai mã bluechips khác là MWG của Thế giới Di động và FPT của Tập đoàn FPT được vào ròng lần lượt 199,8 tỷ đồng và 175,7 tỷ đồng.

Tuy cũng thuộc nhóm ngân hàng, cổ phiếu ACB lại bị rút ròng mạnh nhất 442,5 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Giao dịch của các cá nhân đối ứng với tổ chức trong nước khi nhóm này mua ròng với giá trị gần 395 tỷ đồng. Với việc thêm mới vào chỉ số VN30, các quỹ ETF được dự báo sẽ mua vào hơn 11,9 triệu cp ACB trong kỳ cơ cấu tháng 7/2021.

Bên cạnh ACB, cái tên bị bán ròng nhẹ hơn là LPB (126,9 tỷ đồng), MSB (89,7 tỷ đồng) và OCB (77,7 tỷ đồng). Cùng chiều, dòng vốn nội của các cá nhân rút ròng khỏi MSN của Masan với giá trị hơn 173 tỷ đồng.

Một số mã bị các cá nhân trong nước bán ròng dưới 100 tỷ đồng trong tuần phải kể đến SSI (91,1 tỷ đồng), NLG (89,8 tỷ đồng), DGC (84,2 tỷ đồng), KBC (83 tỷ đồng) và FLC (73,9 tỷ đồng).

Thảo Bùi

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.