|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân mua ròng phiên thứ 6, rót gần 1.300 tỷ đồng phiên tăng điểm

07:29 | 28/07/2021
Chia sẻ
Phiên 27/7, bộ ba "bank, chứng, thép" dẫn dắt đà tăng của chỉ số dù gặp phải lực cản từ nhóm bất động sản. NĐT cá nhân giao dịch khởi sắc trở lại, mua ròng hơn 1.270 tỷ đồng trên sàn HOSE với tâm điểm là VHM, STB, CTG, VCB.

"Bank, chứng, thép" dẫn dắt đà tăng của chỉ số, NĐT cá nhân mua ròng mạnh tay

Trong phiên 27/7, đà tăng của chỉ số được dẫn dắt bởi bộ ba nhóm ngân hàng - chứng khoán - thép, tuy gặp phải lực cản từ sắc đỏ của dòng bất động sản tại một số cổ phiếu như VHM, NVL, NLG, HDG, SCR...

Đóng cửa, VN-Index tăng 4,22 điểm (0,33%) còn 1.276,93 điểm, HNX-Index tăng 1,03% lên 306 điểm, UPCoM-Index tăng 1,07% lên 84,77 điểm.

Thanh khoản toàn sàn đạt 721,2 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 21.982 tỷ đồng. Tính riêng trên sàn HOSE, giá trị giao dịch đạt 18.551 tỷ đồng. Trong đó giá trị giao dịch khớp lệnh là 16.362 tỷ đồng, tăng 16% so với phiên trước đó.

 - Ảnh 1.

Nguồn: FiinPro.

Thống kê theo nhóm nhà đầu tư, chiều bán ròng đánh dấu sự góp mặt của khối ngoại khi nhóm này duy trì rút ròng 222 tỷ đồng. Tuy vậy, lực xả chính đến từ các tổ chức nội khi họ đảo chiều bán ròng 1.351 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh, tập trung bán ròng nhiều nhất ở nhóm ngân hàng, bất động sản. Theo ghi nhận, đây là giá trị bán ròng mạnh nhất trong vòng 20 phiên trở lại đây của tổ chức nội.

Trái lại, các cá nhân trong nước xuống tiền mạnh hơn khi thị trường giao dịch khởi sắc trở lại. Cụ thể, nhóm này mua ròng khớp lệnh 1.307 tỷ đồng, là lực mua lớn nhất trong phiên. Cùng chiều, khối tự doanh công ty chứng khoán tiếp tục mua ròng khớp lệnh 266 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với phiên liền trước.

Mua ròng chủ yếu ba nhóm ngân hàng, bất động sản và dịch vụ tài chính

NĐT cá nhân giao dịch khởi sắc đưa VN-Index hồi phục hơn 4 điểm - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Quan sát diễn biến trên thị trường, giao dịch mua ròng được ghi nhận tại 13/18 nhóm cổ phiếu. Trong đó, các cá nhân trong nước giải ngân chủ yếu vào cổ phiếu ngân hàng với hơn 762 tỷ đồng, tăng gần 11 lần sao với phiên 26/7. 

Lực mua cũng tìm đến hai ngành quen thuộc là bất động sản (290 tỷ đồng) và dịch vụ tài chính (134 tỷ đồng) với giá trị mạnh hơn khi chỉ số có dấu hiệu tăng trở lại. 

NĐT cá nhân bán ròng tại 5 nhóm ngành còn lại, nhưng bán ròng mạnh nhất nhóm tài nguyên cơ bản, đối ứng với giao dịch khối ngoại. Về giá trị cụ thể, họ rút ròng gần 100 tỷ đồng các cổ phiếu nhóm  này, có xu hướng gia tăng so với phiên liền trước.

Tâm điểm mua ròng: VHM, STB, CTG, VCB

Thống kê top10 mã được NĐT cá nhân giao dịch nhiều nhất, cán cân giao dịch nghiêng hăn về chiều mua với nhiều cổ phiếu được mua ròng trên 100 tỷ đồng.

Mặc dù là lực cản lớn nhất của thị trường khi lấy đi 1,6 điểm của VN-Index, cổ phiếu VHM của Vinhomes lại được NĐT cá nhân mua ròng mạnh nhất với 279,7 tỷ đồng. Đây cũng là mã được khối ngoại giao dịch mạnh trong phiên, tuy vậy lực bán mạnh hơn dẫn tới bị xả ròng hơn 134 tỷ đồng, đối ứng với NĐT cá nhân. Đóng cửa, VHM dừng lại ở 107.800 đồng/cp, giảm 1,64%.

NĐT cá nhân giao dịch khởi sắc đưa VN-Index hồi phục hơn 4 điểm - Ảnh 3.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Góp mặt trong nhóm được mua ròng trên 100 tỷ đồng lần lượt là STB (237,8 tỷ đồng), CTG (172,1 tỷ đồng), VCB (145,3 tỷ đồng) và SSI (109,4 tỷ đồng). Theo ghi nhận trong phiên 27/7, cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán là tâm điểm giao dịch, với các đại diện lớn như STB, CTG, SSI đều nằm trong nhóm thanh khoản lớn nhất toàn sàn. 

Kế tiếp, dòng tiền cũng tìm đến nhiều mã largecap và midcap như VPB (91,7 tỷ đồng), MWG (66,8 tỷ đồng), MBB (52,1 tỷ đồng), HDB (48 tỷ đồng), PDR 941,2 tỷ đồng). Như vậy, có tới 6 đại diện ngành ngân hàng góp mặt trong top mua ròng lớn nhất của các NĐT cá nhân.

Tại chiều bán, giao dịch cỏ phần thu hẹp khi không có mã nào bị bán ròng trên 100 tỷ đồng trong phiên hôm qua. Cụ thể, cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất là FLC, chiếm tới 2,36% thanh khoản thị trường nhưng chỉ ghi nhận lực bán ròng 81,3 tỷ đồng. 

Theo sau, HPG của Tập đoàn Hòa Phát bị rút ròng 71,6 tỷ đồng sau khi Bộ Tài chính vừa đề xuất sửa đổi mức thuế xuất nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép, dẫn đến lo ngại về tác động lên lợi nhuận của doanh nghiệp trong ngành.

Nối tiếp xu hướng bán ròng, dòng vốn cá nhân rút ròng nhẹ khỏi các mã VRE (33,9 tỷ đồng), OCB (28,3 tỷ đồng), MSN (24,7 tỷ đồng), GMD (23,9 tỷ đồng). Cùng chiều, nhóm bị bán ròng nhẹ dưới 20 tỷ đồng gồm có HSG (18,5 tỷ đồng), VCI (17,8 tỷ đồng), ACB (16,5 tỷ đồng), LPB (13,1 tỷ đồng)...

Thảo Bùi