|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân mua ròng nhiều cổ phiếu ngân hàng, bất động sản tuần VN-Index biến động

10:30 | 24/07/2021
Chia sẻ
Nối tiếp đà giảm, VN-Index mất đi 30,48 điểm, về mốc 1.268 điểm trong tuần 19 - 23/7. NĐT cá nhân là bên mua ròng duy nhất hơn 1.600 tỷ đồng, tập trung nhiều ở nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản.

VN-Index tiếp đà giảm điểm, NĐT cá nhân là lực mua ròng duy nhất qua kênh khớp lệnh

Đóng cửa tuần 19 - 23/7, VN-Index tiếp tục có tuần giảm mạnh khi mất đi 30,48 điểm tương đương 2,35% dừng lại ở mức 1.268,83 điểm. HNX-Index đánh mất 5,99 điểm (1,94%) về mốc 301,77 điểm, còn UPCoM-Index giảm 0,96 điểm còn 84,37 điểm.

Thanh khoản trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 18.126 tỷ đồng, giảm 6,3% so với tuần trước đó và là tuần có thanh khoản thấp nhất kể từ đầu tháng 5/2021.

NĐT cá nhân mua ròng nhiều cổ phiếu ngân hàng, bất động sản tuần VN-Index biến động - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Trong tuần qua, nhóm tự doanh, khối ngoại và các tổ chức trong nước đồng loạt bán ròng trong những nhịp biến động của thị trường. Lần lượt, ba nhóm này bán ròng 720 tỷ đồng, 622 tỷ đồng và 279 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh.

Trái ngược với giao dịch của tự khoanh, khối ngoại và tổ chức nội, nhà đầu tư cá nhân là lực mua ròng duy nhất trên sàn HOSE. Theo thống kê, các cá nhân nội mua ròng 1.621 tỷ đồng, trái ngược so với lực xả mạnh trong 2 tuần trước đó. 

Tập trung mua ròng nhóm ngân hàng, bất động sản

Thống kê giao dịch theo ngành, hoạt động mua ròng diễn ra tại 14/18 nhóm cổ phiếu, chiếm ưu thế so với chiều bán. Lực mua ròng được ghi nhận mạnh nhất tại nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi các đơn vị lần lượt công bố kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm. Cụ thể, NĐT cá nhân mua ròng 748 tỷ đồng nhóm ngân hàng, tăng hơn 7 lần so với tuần giao dịch trước đó. 

Theo sau, các cổ phiếu bất động sản cũng được mua ròng trở lại 604 tỷ đồng sau 2 tuần liên tục bị xả ròng. Dòng tiền cá nhân cũng tìm đến nhóm dịch vụ tài chính (220 tỷ đồng) và tài nguyên cơ bản (125 tỷ đồng).

NĐT cá nhân mua ròng nhiều cổ phiếu ngân hàng, bất động sản tuần VN-Index biến động - Ảnh 3.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Chiều ngược lại, chỉ có 4/18 ngành bị bán ròng với tâm điểm xả ròng thuộc về nhóm thực phẩm & đồ uống. Tuy đã suy giảm so với lực bán trong những tuần trước, cổ phiếu thực phẩm & đồ uống vẫn dẫn đầu khi bị bán ròng 198 tỷ đồng.

Tâm điểm mua ròng: KDH, STB, VIC

NĐT cá nhân mua ròng nhiều cổ phiếu ngân hàng, bất động sản tuần VN-Index biến động - Ảnh 4.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Cổ phiếu KDH của Nhà Khang Điền dẫn đầu chiều mua ròng với giá trị mua ròng lên đến 454,1 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong phiên 22/7, KDH khớp lệnh khủng 14.906.700 đơn vị, là khối lượng giao dịch lớn nhất kể từ đầu năm 2021, đưa cổ phiếu này đi ngược thị trường trở thành mã duy nhất tăng trần trong rổ VN30.

Là nhóm được mua ròng nhiều nhất tuần 19 - 23/7, có tới 5 cái tên thuộc nhóm ngân hàng góp mặt trong top 10 cổ phiếu được mua ròng qua kênh khớp lệnh. Cụ thể, NĐT cá nhân mua ròng lần lượt STB của Sacombank (277,3 tỷ đồng), CTG của Vietinbank (242,3 tỷ đồng), MSB của Ngân hàng TMCP Hàng Hải (240,2 tỷ đồng). Theo sau, VCB và TCB được vào ròng lần lượt 110,5 tỷ đồng và 97 tỷ đồng.

Cùng chiều, dòng tiền tìm đến cổ phiếu VIC của Vingroup khi mua ròng 260,5 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Giao dịch này đối ứng với lực xả của khối ngoại và nhóm tự doanh. Giao dịch cùng chiều cũng được ghi nhần tại các mã HPG (122,1 tỷ đồng), VCI (113,6 tỷ đồng), MWG (80,2 tỷ đồng). 

Trái chiều, NĐT cá nhân xả mạnh nhất hơn 277 tỷ đồng cổ phiếu VNM của Vinamilk, gấp 3,3 lần tuần trước đó. Tuy mua ròng mạnh nhóm ngân hàng, dòng tiền cá nhân có xu hướng rút ròng các mã OCB (239,8 tỷ đồng), ACB (31,1 tỷ đồng), VPB (26,3 tỷ đồng). Theo thông tin công bố, OCB đã ra thông báo chốt thời gian đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 25% vào ngày 3/8 tới đây.

Kế tiếp, các cá nhân trong nước bán ròng DXG (136,5 tỷ đồng), VHM (131,3 tỷ đồng) và DGC (114,5 tỷ đồng). Theo sau, các mã GEX (76,2 tỷ đồng), PVT (45 tỷ đồng), HSG (41 tỷ đồng), ACB (31,1 tỷ đồng), VPB (26,3 tỷ đồng) lần lượt bị rút ròng với giá trị dưới 100 tỷ đồng.

Thảo Bùi