|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhà đầu tư cá nhân mua ròng 5 phiên liên tiếp, rót tiền vào nhóm bất động sản

08:15 | 27/07/2021
Chia sẻ
VN-Index bất ngờ hồi phục nhẹ về mức 1.272 điểm về cuối phiên. NĐT cá nhân vẫn đóng vai lực mua trên thị trường, đánh dấu phiên mua ròng thứ 5 liên tiếp với giá trị 87 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh. Họ duy trì mua ròng tại nhóm bất động sản, ngân hàng.

Lực cầu cuối phiên giúp VN-Index hồi phục nhẹ

Mặc dù sắc đỏ bao trùm trong phần lớn thời gian giao dịch, lực cầu gia tăng từ giữa phiên chiều đã giúp chỉ số đóng cửa hồi phục nhẹ. Đóng cửa phiên 26/7, VN-Index tăng 0,31% lên mức 1.272,71 điểm. HNX-Index tăng 0,37% lên 302,88 điểm, UPCoM-Index giảm 0,59% còn 83,87 điểm.

Dòng tiền tiếp tục "tụt áp" khiến giá trị giao dịch giảm sâu. Cụ thể, thanh khoản trên HOSE đạt 15.485 tỷ đồng trong khi giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 18.163 tỷ đồng, giảm 19,4% so với phiên liền trước. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng ở nhóm thực phẩm đồ uống, bất động sản trong khi tiếp tục suy yếu ở nhóm ngân hàng, dầu khí.

Nhà đầu tư cá nhân có phiên mua ròng thứ 5 liên tiếp - Ảnh 1.

Nguồn: FiinPro.

Thống kê theo nhóm nhà đầu tư, khối tự doanh công ty chứng khoán đảo chiều mua ròng 95 tỷ đồng. Tương tự, các tổ chức nội mua ròng 81 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.

Xu hướng giao dịch của NĐT cá nhân và khối ngoại không thay đổi so với phiên cuối tuần trước khi các NĐT cá nhân tiếp tục mua ròng nhẹ 87 tỷ đồng, còn NĐT ngoại duy trì bán ròng 262 tỷ đồng bất chấp đà hồi phục của chỉ số.

Dòng tiền cá nhân tập trung tại nhóm bất động sản và ngân hàng

Quan sát diễn biến thị trường, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh, tương quan giữa chiều mua và bán có phần thu hẹp so với phiên trước. 

Cụ thể, NĐT cá nhân mua ròng 9/18 ngành, chủ yếu tập trung mua ròng nhóm bất động sản. Tuy vậy, lực cầu có sự suy yếu so với phiên trước khi chỉ còn 125 tỷ đồng mua ròng, giảm hơn một nửa so với giá trị mua ròng 287,2 tỷ đồng trong cuối tuần trước.

Nhà đầu tư cá nhân có phiên mua ròng thứ 5 liên tiếp - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Dòng tiền cũng tìm đến cổ phiếu ngân hàng mặc dù đây là nhóm cản mạnh nhất tới đà hồi phục của VN-Index. Theo thống kê, nhóm này được mua ròng 63,1 tỷ đồng, giảm hơn 83% sau phiên liền trước. Giao dịch kém tích cực của nhóm ngân hàng khiến dòng tiền vào nhóm này có thể e ngại hơn so với giai đoạn trước đó.

Chiều ngược lại, NĐT cá nhân bán ròng chủ yếu ngành thực phẩm đồ uống, đối ứng với giao dịch nước ngoài. Theo thống kê, nhóm này bị bán ròng hơn 59 tỷ đồng với các đại diện như VNM, MSN...

Tâm điểm mua ròng KDH, MBB

Nhà đầu tư cá nhân có phiên mua ròng thứ 5 liên tiếp - Ảnh 3.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Trở lại với Top10 mã được NĐT cá nhân giao dịch nhộn nhịp nhất, trong danh mục mua bán ròng phiên hôm qua là không có cổ phiếu nào ghi nhận giá trị ròng trên 100 tỷ đồng.

Chi tiết, nối tiếp xu hướng mua ròng trong tuần trước, các cá nhân tiếp tục rót ròng hơn 92,4 tỷ đồng vào cổ phiếu KDH của Nhà Khang Điền. Theo sau, họ cũng mua ròng hơn 91 tỷ đồng cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội. 

Cùng thuộc nhóm ngân hàng, nhiều cái tên khác cùng ngành cũng thu hút lực cầu nhẹ, phải kể đến VCB (22,9 tỷ đồng), STB (14,9 tỷ đồng), ACB (12,5 tỷ đồng). 

Theo thống kê, ngân hàng là nhóm ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số khi lấy đi của VN-Index 0,4%. Đóng cửa phiên 26/7, duy nhất HDB, NVB và OCB là quay lại sắc xanh. Đại đa số các mã còn lại trong nhóm vẫn trong đà giảm như VCB giảm 1%, VPB (3,1%), TCB (1%), MBB (2%)...

Một số cổ phiếu khác thu hút lực mua ròng phải kể đến VIC (56,2 tỷ đồng), PTB (19,8 tỷ đồng). Các cá nhân cũng mua ròng nhẹ dưới 20 tỷ đồng các mã PTB, HSG, SSI, GAS trong phiên hồi phục. 

Trái chiều, mặc dù mua ròng HSG, ông lớn ngành thép là HPG (Hòa Phát) lại bị xả ròng 50,4 tỷ đồng. Các mã cũng chịu chung lực xả bao gồm DGC 42,3 tỷ đồng), VNM (38,8 tỷ đồng), cùng một số đại diện ngành ngân hàng như OCB (35 tỷ đồng), TCB (33,9 tỷ đồng), CTG (16 tỷ đồng),  HDB (14,3 tỷ đồng).

Theo sau, dòng vốn cá nhân duy trì rút ròng nhẹ dưới 20 tỷ đồng tại nhiều cổ phiếu DGW (17,5 tỷ đồng), MSN (15,9 tỷ đồng), NLG (15,5 tỷ đồng). 

Thảo Bùi

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.