Năng lượng tái tạo chiếm 45% trong dự thảo Quy hoạch điện VIII đến năm 2045
Tại tọa đàm "Tháo gỡ điểm nghẽn phát triển năng lượng tái tạo", ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo cho biết Bộ Công Thương đang điều chỉnh lại phát triển nguồn điện theo hướng giảm nhiệt than, tăng điện khí và năng lượng tái tạo (NLTT), đặc biệt là điện gió để đảm bảo an ninh năng lượng.
Trong dự thảo quy hoạch điện VIII, cơ cấu nguồn điện năm 2030 bao gồm thuỷ điện 19%, nhiệt điện than 25%, nhiệt điện khí 25%; NLTT gồm điện gió, mặt trời, sinh khối 24%, khác 7%.
Đến năm 2045, cơ cấu nguồn điện bao gồm thủy điện chiếm 14%; nhiệt điện than chiếm 11%; nhiệt điện khí 25%; nguồn năng lượng tái tạo chiếm 45%; nhập khẩu điện 3,3%; khác 1,7%.
Ngoài ra, Quy hoạch điện VIII xác định đến năm 2030 không xây dựng đường dây truyền tải mới 500 Kv đ tránh truyền tải điện qua các vùng miền, giai đoạn 2031-2045 hạn chế truyền tải liên miền, đảm bảo dự phòng hợp lý, đặc biệt miền Bắc.
Dự thảo quy hoạch điện VIII này được đưa ra sau cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 về việc giảm phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đánh giá việc phát triển nguồn điện trong thời gian qua chưa phù hợp với sự phân bố, phát triển của phụ tải, đặc biệt theo vùng miền.
Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, phụ tải miền Bắc tăng 9% trong khi nguồn điện lại chỉ tăng 4%. Ngược lại, phụ tải miền Trung, miền Nam chỉ 5-7% trong khi tăng trưởng nguồn điện lên tới 16-21%.
"Việc phát triển nóng các nguồn năng lượng tái tạo dẫn tới việc miền Trung miền Nam thừa điện, trong khi một số khu vực miền Bắc thiếu điện, phải truyền tải điện từ miền Trung, miền Nam ra miền Bắc gây nghẽn mạch đường dây 500 Kv Bắc-Nam", ông Tuấn Anh nói.