|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nam sinh viên khẳng định chạy xe ôm công nghệ là một nghề tiềm năng, Thắng Lợi Group chiêu mộ với lương 16 triệu đồng/tháng

09:53 | 01/02/2021
Chia sẻ
Coi chạy xe công nghệ là một công việc và là trải nghiệm đáng quý để gia nhập vào các công ty, nam ứng viên Kỷ Linh đã gia nhập Thắng Lợi Group cho vị trí Quản trị viên Tập sự kiêm chuyên viên Truyền thông Nội bộ với mức lương gần 16 triệu đồng.

"Xe ôm công nghệ là một nghề tiềm năng đối với các bạn sinh viên", đây là quan điểm của ứng viên Lương Kỷ Linh trong chương trình "Cơ hội cho ai" mùa 2, tập 13. 

Lương Kỷ Linh, 21 tuổi, hiện đang là sinh viên khoa quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế TP HCM. Giải thích cho nhận định của mình,  Kỷ Linh cho biết thu nhập từ việc chạy xe công nghệ mang lại khoảng 60.000 đồng/1h chạy xe, và đây là mức công khá cao so với những công việc bán thời gian khác.

Tranh cãi nảy lửa việc sinh viên mới ra trường đi chạy xe công nghệ, chàng trai thành công đầu quân cho Thắng Lợi Group với mức lương gần 16 triệu đồng - Ảnh 1.

Ứng viên Lương Kỷ Linh trong chương trình "Cơ hội cho ai" mùa 2. (Ảnh: Cơ hội cho ai).

"Đối với nhiều bạn sinh viên mới ra trường, chạy xe ôm công nghệ có thể là phương án tạm thời. Nhưng trong quá trình làm việc, các bạn vẫn có thể học hỏi những kỹ năng mềm, trải nghiệm xã hội như giao tiếp với khách hàng, các chủ quán, từ đó tăng độ nhạy thị trường thực tế. Sau này sẽ giúp các công ty, tập đoàn giải quyết những vấn đề khó khăn của họ", nam ứng viên nêu quan điểm.

Tóm lược lại, Linh nhận định đây là một công việc không chỉ giải quyết vấn đề tài chính cho gia đình mà đồng thời là một "bước đi sự nghiệp trong tương lai" đối với các bạn sinh viên.

Ứng viên cũng sẵn sàng chạy xe công nghệ nếu chưa tìm được việc làm tại các công ty, tập đoàn và ứng dụng trải nghiệm từ công việc này để phục vụ cho việc ứng tuyển sau này của mình.

Trái lại, đối thủ của Linh là Lê Đỗ Minh Ngọc, 25 tuổi, cho rằng tuy nguồn nhân lực của Việt Nam dồi dào nhưng cơ hội việc làm ít. Vì thế, việc sinh viên mới ra trường chưa tìm được công việc, chọn xe ôm công nghệ là điều có thể hiểu được. Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp tạm thời và không giúp ích cho kế hoạch phát triển lâu dài của bản thân.

"Nếu các bạn sinh viên ra trường đã bỏ ra 4 năm để học những kiến thức từ trường đại học thì nên dành thời gian này để có những kiến thức thực nghiệm để hỗ trợ và phát triển nhiều hơn", Minh Ngọc nhận định.

Từ câu chuyện chạy xe công nghệ, Sếp Nguyễn Tuấn Lương (CTCP Giải pháp Thanh toán Việt Nam VNPAY) đã kể lại câu chuyện cũ của mình, khi lên một chiếc xe ôm, điều làm ông chú ý nhất đó là chiếc nón bảo hiểm.

Tranh cãi nảy lửa việc sinh viên mới ra trường đi chạy xe công nghệ, chàng trai thành công đầu quân cho Thắng Lợi Group với mức lương gần 16 triệu đồng - Ảnh 2.

Sếp Nguyễn Tuấn Lương, CTCP Giải pháp Thanh toán Việt Nam VNPAY. (Ảnh: Cơ hội cho ai).

"Tôi tìm hiểu xem tại sao anh xe ôm đầu đường luôn đắt khách, thì lý do rất đơn giản. Cái nón bảo hiểm luôn có một lớp lót và phải giữ làm sao cho nó luôn thơm tho, sạch sẽ. Sau mỗi hành trình, anh ấy lại thay nó đi. Anh ấy làm tốt đến những điều nhỏ nhất", sếp Lương từ câu chuyện này nhắn nhủ đến các ứng viên luôn làm tốt nhất công việc của mình và từ những điều nhỏ nhất.

Ở vòng 2 của chương trình, sếp Vũ Minh Trí (VNG Cloud) đã đặt một câu hỏi thú vị và cũng là điều băn khoăn của rất nhiều bạn sinh viên mới ra trường: "Khi lựa chọn công việc đầu tiên, em có hình dung trong đầu rằng một công việc như thế nào sẽ là cơ hội tốt hay không?".

Trước câu hỏi này, ứng viên Kỷ Linh cho rằng bản thân sẽ cân nhắc các yếu tố như văn hóa công ty, lộ trình phát triển con người có rõ ràng. Đồng thời chàng trai cũng mong người sếp đầu tiên là một người truyền cảm hứng và có thể giúp đỡ mình.

CEO VNG Cloud ngay lập tức đã nêu ý kiến: "Tôi thấy cái sai lầm của bạn trẻ là muốn rất nhiều thứ ở công việc đầu tiên nhưng như vậy rất khó tìm việc". Ông chỉ ra rằng trong những thứ ứng viên đã liệt kê, chỉ có một thứ đạt được. Bên tuyển dụng cũng muốn nhiều thứ nhưng ứng viên lại không đạt được thứ nào và hai bên gặp nhau rồi sẽ ấm ức.

"Hãy tìm kiếm một thứ thôi, đó là được làm. Vì khi được làm rồi thì bạn sẽ được học hỏi, học người sếp ấy có tốt hay không, nếu không tốt thì sẽ làm gì, học môi trường đó có tốt không, không tốt thì sẽ làm gì. Sau đấy, tính hòa nhập, sinh tồn của mình sẽ tốt hơn", sếp Minh Trí đưa ra lời khuyên không chỉ cho ứng viên mà đối với các bạn trẻ mới ra trường.

Tranh cãi nảy lửa việc sinh viên mới ra trường đi chạy xe công nghệ, chàng trai thành công đầu quân cho Thắng Lợi Group với mức lương gần 16 triệu đồng - Ảnh 3.

Ứng viên về đội sếp Quyền (Thắng Lợi Group) cho vị trí Quản trị viên Tập sự kiêm chuyên viên Truyền thông Nội bộ với mức lương 15,999,999 đồng. (Ảnh: Cơ hội cho ai).

Với mức lương kỳ vọng là 15 triệu đồng, ứng viên Kỷ Linh đủ điều kiện để ứng tuyển vào các vị trí Quản trị viên Tập sự kiêm chuyên viên Truyền thông Nội bộ tại Thắng Lợi Group  của sếp Quyền và vị trí Chuyên viên Marketing tại Elise của sếp Nga.

Sau khi cân nhắc, nam ứng viên đã quyết định lựa chọn gia nhập Thắng Lợi Group của sếp Quyền cho vị trí Quản trị viên Tập sự kiêm chuyên viên Truyền thông Nội bộ với mức lương 15,999,999 đồng.

Trước khi tham gia "Cơ hội cho ai, ứng viên Kỷ Linh từng góp mặt nhiều cuộc thi và đạt thành tích cao như: Quán quân chương trình HR Expert 2020, Á quân cuộc thi I-Factor 2019. Ngoài ra, anh chàng còn nhận nhiều học bổng như Học bổng SEED (Canada) năm 2019, học bổng ASEAN trong Thế giới Ngày nay năm 2020.

Tường Vy

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.