Hà Nội 19 °C | 01:41PM, 09/01/2025
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chủ tịch CTCP Bảo Ngọc trả 26 triệu đồng/tháng cho chàng trai 27 tuổi với hai lần startup thất bại

21:14 | 27/12/2020
Chia sẻ
Ứng viên Tiến Đạt đã ghi điểm trong mắt sếp Lê Đức Thuấn (CTCP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc) và đầu quân cho công ty với vị trí Phụ trách đào tạo truyền thông.

Tập 8 của chương trình truyền hình về việc làm "Cơ hội cho ai? – Whose chance?"  là màn tranh tài giữa hai cặp ứng viên. Cặp đấu giữa Mỹ Hạnh - Tiến Đạt là cuộc đọ sức giữa hai ứng viên cùng ở độ tuổi 27.

Câu hỏi đầu tiên được đưa ra cho hai ứng viên liên quan tới chủ đề về đam mê: "Theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn".

Ứng viên Hà Tiến Đạt (trái) và Trần Thị Mỹ Hạnh (phải). (Ảnh: Cơ hội cho ai).

Bày tỏ quan điểm của mình, ứng viên Tiến Đạt cho biết anh hoàn toàn đồng ý với "đề bài". Với Đạt, đam mê là cảm giác hưng phấn, làm việc không biết mệt mỏi, sẵn sàng vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành những thứ mình đã đề ra và thành công. Trên thực tế, Đạt cũng đã từng khởi nghiệp tới 2 lần trước đó nhưng đều chưa thành công.

Tiến Đạt kể rằng anh từng lãnh đạo một nhóm tình nguyện và có 15 cơ sở trên toàn quốc, tuy nhiên vì thiếu hiểu biết về tài chính nên đã thất bại. 

Sau đó, anh mở một startup công nghệ. Lần này, do gặp khó khăn vì COVID-19 và nhân thấy bản thân còn nhiều thiếu sót nên ứng viên đã quyết định tới chương trình để tìm người dẫn dắt.

"Đam mê là một thứ luôn luôn thôi thúc chúng ta phải làm việc phải học hỏi, quên ăn quên ngủ, sẵn sàng vượt qua những khó khăn, thử thách, mặc dù điều mình muốn đạt tới lớn đến cỡ nào, có đam mê thì chắc chắn chúng ta sẽ thành công", ứng viên đưa ra quan điểm.

Trái ngược với quan điểm trên, ứng viên Trần Thị Mỹ Hạnh lại cho rằng theo đuổi đam mê chưa chắc đã thành công. Người theo đam mê phải tự xây dựng cho mình lộ trình, kế hoạch, xác định phương hướng để phát triển thì mới có thể thành công.

Để tránh việc theo đuổi đam mê mà không đi tới kết quả, ứng viên đưa ra một giải pháp, đó là tự lập cho mình một thời gian cụ thể để hoàn thành đam mê đó, nếu đạt được sẽ tiếp tục nếu chưa đạt được thì làm công việc khác để có tài chính theo đuổi tiếp đam mê.

Kết thúc vòng 1, ứng viên Hà Tiến Đạt đã nhận về số điểm là 4/7 do các sếp bình chọn, đủ điều kiện để bước tiếp vào vòng tiếp theo.

Sau khi nhập mức lương kì vọng của mình, Tiến Đạt chia sẻ năng lực mạnh nhất của mình là tổ chức sắp xếp công việc cho nhân viên, tổ chức sắp xếp các sự kiện.

Anh cũng khẳng định nếu được tiếp tục khởi nghiệp và nhận đầu tư, anh sẽ chọn ngành giáo dục, hướng nghiệp cho các học sinh, sinh viên, đồng hành các bạn đi đúng hướng.

Thất bại sau hai lần khởi nghiệp, ứng viên đầu quân cho Bảo Ngọc với mức chào lương 26 triệu đồng - Ảnh 2.

Ứng viên về với đội ngũ công ty Bảo Ngọc của sếp Thuấn. (Ảnh: Cơ hội cho ai).

Kết thúc phần đối mặt, ứng viên nhận được ba đèn xanh từ ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng Giám đốc Thắng Lợi Group; ông Lê Đức Thuấn, Chủ tịch CTCP Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc và bà Lưu Nga, Chủ tịch Công ty Thời trang Elise, qua đó đủ điều kiện đi vào vòng cuối cùng

Ở vòng 3, với mức lương kì vọng là 21.993.000 đồng, ứng viên đã đánh mất cơ hội tiếp nhận vị trí Chuyên viên CFA với mức chào lương là 20 triệu đồng từ sếp Lưu Nga.

Tuy nhiên, ứng viên được quyền lựa chọn về với sếp Thuấn và sếp Quyền với vị trí lần lượt là Phụ trách đào tạo truyền thông và trợ lí ban Tổng Giám đốc phụ trách CSR.

Cuối cùng, ứng viên đã quyết định về với đội ngũ CTCP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc của sếp Thuấn với vị trí Phụ trách đào tạo truyền thông. Mức lương Tiến Đạt nhận là 26 triệu đồng

Tường Vy