Năm bội thu cho thị trường trái phiếu chính phủ
Một năm bội thu
Năm nay được đánh giá là một năm thành công vượt mong đợi của thị trường TPCP. Nếu như giờ này năm ngoái, Kho bạc Nhà nước (KBNN) mới chỉ hoàn thành “già nửa” kế hoạch và chỉ thực sự “thở phào” sau khi Quốc hội chính thức cho phép phát hành trở lại trái phiếu kỳ hạn ngắn (dưới năm năm) thì năm nay, kết thúc 10 tháng, việc huy động TPCP đã vượt 108% kế hoạch ban đầu (250.000 tỉ đồng). Thậm chí, nếu so với kế hoạch điều chỉnh mới nhất (phát hành thêm 31.000 tỉ đồng, lên mức 281.000 tỉ đồng) thì cũng chỉ còn khoảng 15.000 tỉ đồng nữa là KBNN hoàn thành kế hoạch.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất là kỳ hạn năm năm với 58%, tiếp đến là kỳ hạn 15 năm với 11%, kỳ hạn ba năm và bảy năm đều có tỷ trọng 9%; kỳ hạn 30 năm là 7%, còn lại là kỳ hạn 10 năm và 20 năm. Điểm khác biệt dễ thấy của năm nay là rổ phát hành của KBNN đa dạng nhất từ trước cho đến nay về mặt kỳ hạn. Việc có thêm sự xuất hiện của các kỳ hạn bảy năm, 20 năm, 30 năm không những tăng nguồn cung, giúp đáp ứng các nhu cầu khác nhau của thị trường mà còn góp phần tạo nên một đường cong lợi suất chuẩn, làm tham chiếu cho các thị trường khác.
Dù được đánh giá là tích cực nhưng việc các ngân hàng đẩy mạnh mua vào một lượng lớn TPCP từ đầu năm đến nay có thể sẽ mang đến những rủi ro tiềm ẩn trong tương lai gần. |
Nguyên nhân quan trọng nhất giúp hoạt động phát hành TPCP thuận lợi chính là thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào trong khi tín dụng không tăng trưởng nhanh như kỳ vọng. Theo các số liệu tính toán, chênh lệch giữa tăng trưởng cung tiền M2 và tín dụng từ đầu năm đến ngày 20-9-2016 ước tính khoảng 221.000 tỉ đồng. Một phần lượng tiền dư ra này đã được các ngân hàng thương mại đầu tư mới vào kênh TPCP với tổng lượng vốn ròng rót vào đây là 141.923 tỉ đồng (tăng khoảng 60.000 tỉ đồng so với thời điểm 20-6-2016). Lượng tiền dư ra giữa hai thời điểm 20-6 và 20-9 chỉ tăng thêm 24.000 tỉ đồng nhưng lượng đầu tư tăng thêm vào TPCP lại lên tới 60.000 tỉ đồng. Diễn biến trên cho thấy kênh TPCP tiếp tục hút một lượng lớn vốn dư thừa của hệ thống ngân hàng trong quí 3-2016.
Nhờ lực cầu mạnh, mặt bằng lãi suất trúng thầu đã giảm mạnh ở mọi kỳ hạn, đặc biệt ở các kỳ hạn từ 15 năm trở xuống. Cụ thể, lãi suất trúng thầu bình quân các kỳ hạn ba năm, năm năm, bảy năm và 10 năm đã giảm lần lượt 0,52%; 0,65%; 0,44% và 0,45%, về mức 5,25%; 5,93%, 6,2% và 6,5%/năm vào thời điểm cuối quí 3-2016. Các kỳ hạn dài 15 năm, 20 năm và 30 năm giảm từ 0,02-0,18%, xuống còn 7,47%; 7,73% và 7,98%/năm. Do kỳ hạn ngắn giảm mạnh hơn so với kỳ hạn dài nên chênh lệch lãi suất giữa hai loại kỳ hạn này có xu hướng mở rộng (chênh lệch lãi suất của cặp kỳ hạn 10 năm-3 năm và 15 năm-3 năm có mức tăng tương ứng là 59 điểm và 86 điểm so với đầu năm).
Lợi suất trái phiếu ngắn hạn sẽ tạo đáy?
Các phiên đấu thầu TPCP của KBNN trong hai tháng cuối năm được dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi do áp lực huy động không còn lớn. Các kỳ hạn cần tập trung phát hành nhằm hoàn thành kế hoạch bao gồm bảy năm, 10 năm, 15 năm và 20 năm. Nhu cầu của thị trường sẽ vẫn cao do ước tính có khoảng hơn 60.000 tỉ đồng gốc và lãi trái phiếu sẽ đáo hạn trong quí 4-2016. Do vậy, dự báo lãi suất các kỳ hạn ngắn có thể sẽ vẫn chịu áp lực giảm để xác lập các mức đáy của năm nay.
Tuy nhiên, đối với trái phiếu ngắn hạn, sau khi chạm đáy, lợi suất vẫn có khả năng tăng trở lại do một số yếu tố như: tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh trong các tháng cuối năm sẽ hút bớt lượng tiền dư thừa của hệ thống ngân hàng; chỉ số CPI tăng do yếu tố mùa vụ đẩy kỳ vọng về lãi suất tăng thêm (CPI tháng 10 có mức tăng đột biến 0,83% đẩy lạm phát lên mức 4% so với cùng kỳ năm trước) hay nhu cầu hiện thực hóa lợi nhuận từ kênh trái phiếu khiến một số ngân hàng đẩy mạnh bán ra.
Đối với các loại trái phiếu dài hạn, lợi suất được dự báo sẽ đi ngang do mong muốn từ nhà điều hành muốn thiết lập một mức trần chặn trên nhằm tạo mặt bằng thuận lợi cho công tác huy động vốn trong năm 2017 cũng như hỗ trợ chủ trương chung về giảm lãi suất trong nền kinh tế.
Dù được đánh giá là tích cực nhưng việc các ngân hàng đẩy mạnh mua vào một lượng lớn TPCP từ đầu năm đến nay có thể sẽ mang đến những rủi ro tiềm ẩn trong tương lai gần.
Khi lạm phát quay trở lại hay tỷ giá biến động, hoạt động cung tiền của NHNN có thể sẽ suy giảm đồng thời tạo ra kỳ vọng lãi suất tăng. Tâm lý này có thể kích hoạt làn sóng bán tháo TPCP trên thị trường và đẩy lợi suất tăng mạnh. Bên cạnh đó, động thái của các nhà đầu tư nước ngoài (vốn đã mua ròng mạnh khoảng 20.000 tỉ đồng trong chín tháng đầu năm) là rất khó lường khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chính thức tăng lãi suất hay tỷ giá có biến động mạnh ngoài dự kiến. Ngoài ra, rủi ro kỳ hạn cũng rất đáng lưu ý khi các ngân hàng có thể đang dùng nhiều phần vốn trung hạn để mua TPCP dài hạn (thậm chí rót vốn vào cả kỳ hạn 15-20 năm thay vì chỉ mua kỳ hạn ngắn 3-5 năm như trước đây). Hiện tượng này có thể đẩy danh mục đầu tư TPCP của các ngân hàng vào trạng thái bất lợi hơn khi lãi suất tăng lên và gây ra những khó khăn tiềm ẩn về thanh khoản cho hệ thống.