|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Năm 2017, TP HCM thiếu dự án nhà giá rẻ

13:48 | 20/12/2017
Chia sẻ
Theo Sở Xây dựng TP HCM, hết tháng 11/2017, toàn Thành phố đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn đối với sản phẩm hình thành trong tương lai của 80 dự án, với tổng số 38.583 căn nhà, trong đó có 34.131 căn hộ và 4.452 căn nhà thấp tầng. Tuy nhiên, trong số này có tỷ lệ rất thấp dự án nhà ở giá rẻ.

Mỏi mắt tìm nhà ở giá rẻ

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, năm 2017, Thành phố vẫn còn gần 480.000 hộ gia đình thiếu nhà ở. Số liệu này được Sở khảo sát thực trạng nhà ở đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Cụ thể, hiện có khoảng 476.158 (chiếm tỷ lệ 23,46%) hộ chưa có nhà ở hoặc đang ở chung với cha mẹ, người thân. Trong đó, khoảng 20.000 hộ gia đình là cán bộ công chức, khoảng 13.000 hộ bị di dời trong các dự án chỉnh trang đô thị trên địa bàn Thành phố. Ngoài ra, Thành phố còn có khoảng 300.000 hộ gia đình, tương ứng với hơn 1,2 triệu người nhập cư có nhu cầu thuê nhà ở xã hội và 143.000 hộ gia đình thu nhập thấp.

nam 2017 tp hcm thieu du an nha gia re
Cần có thêm cơ chế hỗ trợ phát triển nhà ở giá rẻ. Ảnh: Gia Huy.

Chính vì vậy, trong kế hoạch phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2017 - 2020, TP.HCM đặt mục tiêu phát triển 39 dự án với quy mô 45.000 căn hộ. Dự kiến đến năm 2020, sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 30.000 căn nhà ở giá rẻ.

Riêng năm 2017, Thành phố dự định sẽ hoàn thành 4 dự án chung cư nhà ở giá rẻ với tổng cộng 1.654 căn hộ. Cụ thể, Dự án chung cư Hạnh Phúc với 672 căn hộ; chung cư phường 15, quận Tân Bình với 168 căn hộ; cụm chung cư 35 Hồ Học Lãm, quận Bình Tân với 718 căn hộ; khu nhà ở gia đình cán bộ lực lượng vũ trang Quân khu 7 tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12 với 96 căn hộ. Tuy nhiên, tới thời điểm này, dù đã gần hết năm 2017, thị trường bất động sản TP.HCM vẫn vắng bóng nhà ở giá rẻ .

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất Động sản, anh Trần Văn Sơn, nhân viên công ty cấp thoát nước tại quận Thủ Đức cho biết, anh và vợ lấy nhau đã 14 năm, hiện có 2 con. Sau khi lập gia đình, vợ chồng anh thuê nhà ra ở riêng, không sống cùng gia đình bố mẹ. Lương 2 vợ chồng mỗi tháng khoảng 22 triệu đồng, nhưng tiền thuê nhà, tiền con cái đi học, sinh hoạt trong gia đình, nên chỉ tiết kiệm được khoảng 7 triệu đồng/tháng.

Sau 14 năm, anh chị tiết kiệm được gần 1 tỷ đồng, dự tính sẽ mua căn nhà để ở, nhưng mấy tháng trời vẫn chưa tìm được dự án nào phù hợp, bởi dự án chung cư có giá thấp nhất cũng ở mức 1,5 tỷ đồng với căn hộ khoảng 60 m2, còn mua đất có thể xây nhà được thì cũng hơn 1 tỷ đồng. Nếu mua đất, thì lại không có tiền để xây nhà.

“Từ tháng 7 tới nay, cứ nghe đâu có dự án nhà giá rẻ là chúng tôi đi hỏi mua, nhưng giá rẻ nhất cũng là 1,5 tỷ đồng, trong khi lương của vợ chồng không đủ điều kiện để ngân hàng hỗ trợ cho vay”, anh Sơn nói.

Thiếu chính sách hỗ trợ

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, Thành phố đang quyết liệt triển khai thực hiện "Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị", trong đó công tác phát triển nhà ở phục vụ an sinh xã hội, với 12 dự án nhà tái định cư với quy mô 12.558 căn hộ và nền nhà.

Tuy nhiên, hiện chỉ có một vài doanh nghiệp phát triển nhà ở giá rẻ như Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành, Công ty Hoàng Quân, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long... Trong đó, hiện chỉ còn Nam Long là đơn vị có dự án nhà ở giá rẻ bán ra thị trường, còn hai đơn vị còn lại năm 2017 không có dự án mới để bán.

Theo các chuyên gia, việc doanh nghiệp không mặn mà với dự án nhà ở giá rẻ là do chính sách hỗ trợ ít, trong đó vướng mắc lớn nhất là thiếu quỹ đất và tín dụng ưu đãi.

Một lãnh đạo Công ty Nam Long cho biết, do chưa có nguồn vay ưu đãi, người mua nhà ở xã hội dự án E-home's đang phải trả lãi vay mua nhà với lãi suất thỏa thuận, trong đó mặc dù Công ty đã hỗ trợ 2%, nhưng người mua nhà vẫn phải trả lãi 7%/năm trong 2 năm đầu tiên, lãi suất các năm tiếp theo được thả nổi. Đây là điểm bất cập cần được giải quyết dứt điểm để doanh nghiệp có thể phát triển được dự án nhà ở giá rẻ và người dân có thể dễ dàng tiếp cận các sản phẩm loại này.

Tương tự, ông Hà Văn Thiện, Giám đốc Công ty Bất động sản Trần Anh Group, đơn vị chuyên phát triển dự án nhà ở giá rẻ tại Long An cho biết, tại TP.HCM hiện nay rất khó đầu tư nhà ở giá rẻ, bởi giá đất cao, cùng với đó là tiền sử dụng đất, tiền vật liệu xây dựng..., cũng rất cao.

“Trong khi đó, đối với Long An thì lại khác, giá đất đền bù cũng như giá đóng tiền sử dụng đất thấp, nên doanh nghiệp mới có thể bán sản phẩm nhà giá rẻ cho khách hàng. Thực tế, nếu ở TP.HCM, khó có chuyện mức giá bán 6 triệu đồng/m2 như dự án của chúng tôi đang bán tại Long An”, ông Thiện nói.

Cũng theo ông Thiện, nếu TP.HCM muốn có nhiều dự án nhà ở giá rẻ, chính quyền Thành phố nên có cơ chế đặc thù, từ phân bổ quỹ đất, phân bổ giá trị đền bù, thuế đất cho chủ đầu tư. Chỉ có như vậy, giá trị đầu tư dự án giảm xuống thì mới có những dự án nhà ở giá rẻ cho người dân.

Về phía chính quyền TP.HCM, theo ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND Thành phố, để tăng quỹ nhà ở giá rẻ, hiện UBND TP.HCM đang xem xét chủ trương bố trí sử dụng quỹ nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước tại chung cư số 35 đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân. Bên cạnh đó, Thành phố cũng thông báo mời gọi đầu tư dự án nhà ở xã hội tại khu đất số 15/6C Đặng Văn Bi, quận Thủ Đức, quy hoạch sử dụng đất khu đất số 20,17 ha, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9...

“Sở Xây dựng đã đề xuất UBND Thành phố tạo quỹ nhà ở xã hội bán với giá rẻ, cho thuê, thuê mua khoảng 30.000 căn. Đồng thời, tạo quỹ đất sạch ở các quận, huyện vùng ven (nhà đất quận 9, Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi) để huy động các nguồn lực của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà giá rẻ phục vụ cho các đối tượng nhập cư hoặc các gia đình trẻ trong năm 2018”, ông Hoan nói.

Gia Huy

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.