|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nắm 200.000 bitcoin nhưng chính phủ Mỹ chẳng mấy quan tâm giá tăng hay giảm

10:09 | 16/10/2023
Chia sẻ
Chính phủ Mỹ đang nắm trong tay khoảng 200.000 bitcoin tịch thu từ tội phạm mạng và thị trường darknet. Quá trình thanh lý những tài sản này thường kéo dài trong nhiều năm.

Theo Wall Street Journal (WSJ), chính phủ Mỹ là một trong những người nắm giữ bitcoin lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, không giống như những “cá voi” tiền mã hóa khác, chính phủ Mỹ chẳng quan tâm mấy đến việc đồng tiền mã hóa này tăng hay giảm giá. 

Nguyên nhân là bởi 200.000 bitcoin mà Mỹ đang nắm giữ là tài sản tịch thu từ tội phạm mạng và trên darknet (mạng internet không công khai, nơi xuất hiện các giao dịch, hoạt động phi pháp). Những bitcoin này thường được để trong các “ví lạnh”, được lưu trữ, mã hóa và bảo vệ bằng mật khẩu, do Bộ Tư pháp, Sở Thuế vụ (IRS) hoặc các cơ quan khác kiểm soát. 

Động thái của chính phủ Mỹ với số bitcoin đang nắm giữ từ lâu đã là chủ đề được các nhà giao dịch tiền mã hóa quan tâm. Bất kỳ giao dịch bán tháo nào với khối lượng lớn như vậy cũng có thể gây ra biến động giá hoặc các hiệu ứng gợn sóng khác trong thị trường tiền mã hóa trị giá 1.000 tỷ USD.

Ước tính Mỹ đang nắm trong tay khoảng 200.000 bitcoin, tương đương khoảng 5 tỷ USD. 

Chính phủ Mỹ rất chậm chạp trong việc chuyển đổi số bitcoin của mình thành tiền mặt. Tuy nhiên, sự chậm trễ này không đồng nghĩa rằng Mỹ sẽ nắm giữ mãi mãi hay chờ giá bitcoin “lên mặt trăng” để kiếm lợi nhuận cao. Thay vào đó, khối bitcoin khổng lồ này là sản phẩm phụ của một quá trình pháp lý kéo dài. 

Ông Jarod Koopman, Giám đốc bộ phận dịch vụ điều tra mạng của IRS, cho biết: “Chúng tôi không chơi đùa với thị trường”. 

Theo phân tích từ công ty tiền mã hóa 21.co, chỉ riêng ba vụ bắt giữ gần đây đã đưa hơn 200.000 bitcoin vào kho dự trữ của chính phủ. Ngay cả khi đã bán khoảng 20.000 bitcoin, số tiền mã hóa mà Mỹ có trong tay vẫn trị giá hơn 5 tỷ USD. Quy mô tổng dự trữ của chính phủ có thể còn lớn hơn nhiều.

Quy trình pháp lý từ thu giữ bitcoin bất hợp pháp cho tới thanh lý chúng để lấy tiền mặt có thể kéo dài nhiều năm. Trong một số trường hợp, chính phủ Mỹ có thể thu lợi lớn từ việc chờ đợi. 

Chẳng hạn, vào năm 2016, khi sàn giao dịch tiền mã hóa Bitfinex bị doanh nhân công nghệ Ilya Lichtenstein tấn công, bitcoin được giao dịch quanh mức 600 USD. Thời điểm ông Lichtenstein và vợ bị bắt vào năm 2022, bitcoin đã tăng lên 44.000 USD. Khi ấy, Bộ Tư pháp Mỹ đã thu giữ được 95.000 bitcoin. 

Vợ doanh nhân Ilya Lichtenstein, bà Heather Morgan đã bị bắt giữ vào năm ngoái. (Ảnh: Reuters).

Khi sàn giao dịch FTX sụp đổ, chính phủ Mỹ đã không thu giữ bất cứ loại tiền mã hóa nào. Tuy nhiên, họ đã giữ những tài sản trị giá hàng trăm triệu USD, chủ yếu dưới dạng tiền mặt và cổ phiếu của công ty môi giới chúng khoán Robinhood. Vào tháng 8, Robinhood đã mua lại số cổ phiếu bị tịch thu từ Cảnh sát Tư pháp Mỹ (USMS).

Quy trình thanh lý kéo dài

Khi một cơ quan kiểm soát tài sản mã hóa, chính phủ Mỹ không thể ngay lập tức sở hữu những đồng tiền này. Chỉ sau khi tòa án ban hành lệnh tịch thu, chính phủ mới có quyền sở hữu. Sau đó, chính phủ có thể chuyển tài sản cho USMS, cơ quan có nhiệm vụ thanh lý tài sản bị tịch thu.

Trong khi vụ việc đang chờ xử lý, chính phủ sẽ giữ bitcoin làm bằng chứng hoặc như tiền thu được từ tội phạm. Bộ Tư pháp đã lưu trữ bitcoin trong ví phần cứng kể từ năm 2013. 

Tòa nhà Bộ Tư pháp Mỹ. (Ảnh: Ting Shen/WSJ).

Trong những năm gần đây, cơ quan này đã thu giữ 69.000 bitcoin từng thuộc về người sáng lập chợ ma túy trực tuyến Silk Road, ông Ross Ulbricht. Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng thu thêm 50.676 bitcoin từ một người đàn ông Georgia, người đã nhận tội ăn cắp tiền mã hóa từ Silk Road.

Ông Nicolas Christin, Giáo sư Khoa học máy tính tại Đại học Carnegie Mellon, cho biết: “Chính phủ thường hành động chậm trong việc xử lý những tài sản trên vì phải thực hiện rất nhiều công việc thẩm định, các vụ việc thường phức tạp và có rất nhiều thủ tục hành chính”. 

Quá trình thanh lý tài sản mã hóa cũng đã được đổi mới cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp tiền mã hóa. Trong những ngày đầu, USMS thường bán đấu giá tiền mã hóa cho người mua với mức giá cao hơn thị trường. 

Chẳng hạn, vào năm 2014, nhà đầu tư mạo hiểm Tim Drapper đã mua 30.000 bitcoin từ chính phủ qua hai cuộc đấu giá. Một lần, ông Drapper đã trả 632 USD cho mỗi bitcoin, trong khi giá thị trường là 618 USD/bitcoin. Lần khác, ông đã trả 191 USD/bitcoin, trong khi thị giá chỉ là 180 USD/bitcoin. Cumberland, mảng hoạt động tiền mã hóa của công ty giao dịch tuần suất cao DRW, đã mua được 27.000 bitcoin trong một cuộc đấu giá cùng năm. 

Vào tháng 1/2021, USMS đã quyết định thanh lý một số tiền mã hóa trên các sàn giao dịch. Cơ quan này đã bán tiền mã hóa thành nhiều đặt để tránh tác động tiêu cực đến thị trường. 

Vào tháng 3/2023, USMS đã bán 9.861 bitcoin thông qua sàn giao dịch Coinbase. Cơ quan này đã xác nhận thông tin nhưng Coinbase lại từ chối bình luận. Đại diện USMS cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là xử lý tài sản kịp thời, hợp lý theo giá thị trường”.

Trong nhiều trường hợp, số tiền thu được từ việc bitcoin của chính phủ sẽ được dùng để hoàn trả cho các nạn nhân. Bitfinex cho biết vào tháng 7 rằng họ đã nhận được hơn 300.000 USD tiền mặt và 6,917 đồng Bitcoin Cash (BCH), trị giá khoảng 1.900 USD vào thời điểm đó, từ Bộ An ninh Nội địa. 

Minh Quang