|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ và châu Âu thúc giục Ukraine lập ‘phương án B’ cho cuộc chiến với Nga

07:21 | 12/09/2024
Chia sẻ
Trong bối cảnh Nga đạt được bước tiến mới trên chiến trường, các quan chức phương Tây muốn Ukraine đặt ra các mục tiêu thực tiễn trong thời chiến.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Ảnh: Financial Times). 

Sự ủng hộ giảm sút

Phương Tây đang cân nhắc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga. Song đồng thời, Mỹ và châu Âu cũng thúc giục Kiev xây dựng kế hoạch đáng tin cậy về những gì nước này có thể đạt được trong năm tiếp theo trong cuộc chiến với Nga.

Mỹ và các đồng minh châu Âu vẫn ủng hộ mục tiêu lâu dài của Tổng thống Volodymyr Zelensky là đẩy quân đội Nga ra khỏi toàn bộ lãnh thổ của Ukraine.

Tuy nhiên, trong bối cảnh sự ủng hộ của công chúng tại một số nước đồng minh quan trọng nhất của Ukraine sụt giảm, một số nhà ngoại giao châu Âu nói Ukraine cần thực tiễn hơn về các mục tiêu thời chiến. Điều đó có thể giúp giới chức phương Tây thuyết phục cử tri rằng họ cần cung cấp vũ khí và viện trợ cho Ukraine.

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Ngoại trưởng Anh David Lammy sẽ tới Ukraine vào ngày 12/9. Một trong các mục đích của chuyến công du là thảo luận với Kiev về mục tiêu chiến thắng của Ukraine và những viện trợ cần thiết để đạt mục tiêu đó.

Một số quan chức cấp cao của châu Âu được thông báo rằng để Ukraine chiến thắng toàn diện, phương Tây sẽ phải viện trợ hàng trăm tỷ USD. Cả Washington lẫn châu Âu đều khó có thể đáp ứng con số này.

Hai vị ngoại trưởng sẽ báo cáo lại cho Tổng thống Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer. Sau đó, hai nguyên thủ sẽ thảo luận về vấn đề này khi họ gặp mặt vào ngày 13/9.

Đó có thể là bước dạo đầu trước khi Anh và Mỹ đồng ý cho Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu bên trong Nga. Tuy nhiên, các quan chức lưu ý rằng phương Tây chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Tại Washington, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken không nhằm mục đích gây sức ép đòi Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga.

Ukraine và Nga đều khẳng định họ sẵn sàng cho các cuộc đàm phán ngừng bắn hoặc hòa bình, nhưng trên thực tế viễn cảnh này có vẻ xa vời. Phía Kiev kiên quyết quân đội Nga phải rời Ukraine trước khi hai bên nói chuyện.

Hồi tháng 6, Điện Kremlin yêu cầu Ukraine từ bỏ phần lãnh thổ mà nước này đã mất và một số khu vực khác, đồng thời bỏ tham vọng gia nhập khối quân sự NATO. Giới chức phương Tây thì cho rằng ông Putin không thực sự có thiện chí đàm phán mà chỉ nói suông.

Về phía Ukraine, Tổng thống Zelensky hứa sẽ trình bày kế hoạch chiến thắng trong chuyến thăm Mỹ trong tháng này. Ông Zelensky cũng bày tỏ ý muốn gặp mặt các ứng viên tổng thống Donald Trump và Kamala Harris để giành được sự ủng hộ của họ.

Tuy nhiên, dù ai trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng, đa số các nhà ngoại giao phương Tây nghĩ trong những năm tới họ sẽ không thể tiếp tục viện trợ cho Ukraine nhiều như hiện nay.

Tình hình chiến sự

Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy số người Ukraine sẵn sàng đàm phán hòa bình với Nga đã tăng nhẹ. Trong khi đó, chỉ hơn một nửa dân số Ukraine vẫn ủng hộ chiến đấu cho đến khi nước này lấy lại mọi lãnh thổ.

Theo nhà phân tích chính trị Oleksiy Kovzhun, việc thừa nhận cuộc chiến có thể dừng lại và Nga nắm giữ nhiều phần lãnh thổ Ukraine sẽ là rủi ro chính trị cực kỳ lớn đối với ông Zelensky và ông sẽ không chấp nhận điều này.

Chuyến thăm của ông Blinken diễn ra vào thời điểm nhạy cảm với Ukraine. Sự ủng hộ của người Mỹ với việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine đang suy giảm, các lực lượng của Nga tiếp tục đạt bước tiến trên chiến trường dù có phần chậm chạp.

Cuộc tấn công bất ngờ của quân sĩ Ukraine vào vùng lãnh thổ Kursk của Nga được người Ukraine ca ngợi. Tuy nhiên, ông Eric Green, học giả của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết giới chức phương Tây lo ngại chiến dịch này sẽ làm suy yếu năng lực phòng thủ của Ukraine trong dài hạn.

Các quan chức Ukraine hy vọng cuộc tấn công sẽ buộc Nga rút bớt các lực lượng quan trọng. Nhưng ngày càng có dấu hiệu cho thấy Moscow sẽ không mắc bẫy.

Tại Mỹ, Nhà Trắng mất 6 tháng để thuyết phục Quốc hội thông qua gói viện trợ quân sự 60 tỷ USD cho Ukraine. Ở Đức, tháng trước chính phủ đã cắt giảm ngân sách viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm 2025 sau khi Thủ tướng Olaf Scholz dành phần lớn thời gian trong năm qua để yêu cầu các nước châu Âu tăng cường hỗ trợ Kiev.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey phát biểu trước Quốc hội hôm 9/11 rằng pháo binh Nga đang tung ra hỏa lực ít nhất gấp ba lần Ukraine. Ông cho biết Nga sẽ huy động thêm ít nhất 400.000 binh sĩ trong năm nay.

Giang