Mỹ siết chặt thủy sản nhập khẩu để ngăn chặn khai thác bất hợp pháp
Bộ Công Thương đưa tin, Cục Nghề cá biển Quốc gia Mỹ sẽ ban hành chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu, nhằm kiểm soát các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, đồng thời ngăn ngừa gian lận thủy sản nhập khẩu trước khi nhập vào thị trường này.
Chương trình yêu cầu các nhà nhập khẩu khai báo thông tin và số liệu ghi chép về khai thác, cập cảng và chuỗi hành trình sản phẩm của một số loài thủy sản có nguy cơ cao bị khai thác bất hợp pháp và gian lận thương mại.
Ngoài ra, Mỹ sẽ sử dụng hệ thống dữ liệu thương mại quốc tế hiện có để thu thập số liệu khai thác và cập cảng của một vài loài thủy sản ưu tiên.
Hiện nay, Mỹ là một trong những thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam với ba mặt hàng chính được người dân Mỹ ưa chuộng là tôm, cá ngừ và cá tra. Đáng chú ý, Mỹ hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam với hơn 40%.
Theo thống kê Hải quan, tính đến hết tháng 11/2016, Mỹ tốn đến 1,32 tỷ USD để nhập khẩu thủy hải sản của Việt Nam.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong năm qua, ngành thủy sản Việt Nam gặp một số rào cản khi xuất khẩu tôm và cá tra vào Mỹ.
Trong đó, thuế chống bán phá giá (CBPG) và chương trình thanh tra cá da trơn vẫn là rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật lớn cho cá tra Việt Nam tại thị trường này. Cụ thể, với mức thuế CBPG quá cao khiến số lượng doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đi Mỹ chỉ có khoảng 2 - 3 doanh nghiệp lớn bám trụ được thị trường này.
Đối với xuất khẩu tôm, Mỹ đưa ra kết luận cuối cùng của đợt rà soát hành chính thuế CBPG lần thứ 10 đối với tôm đã tăng lên từ 0,91% - 4,78% đối với cả công ty bị đơn bắt buộc và tự nguyện. Ngoài ra, mức thuế suất toàn quốc là 25,76%.
Theo VASEP, mức thuế CBPG áp lên tôm tăng cao, gây bất lợi cho ngành tôm Việt Nam cũng như tạo áp lực tâm lý không ổn định tới các doanh nghiệp xuất khẩu và khách hàng.