|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ đề xuất đầu tư một tỉ USD cho công nghệ chống lại Huawei

11:15 | 19/01/2020
Chia sẻ
Một nhóm chính trị gia nổi tiếng của Mỹ đề xuất đầu tư hơn một tỉ USD vào các công nghệ mạng truy cập vô tuyến mở (O-RAN) để cung cấp cho các công ty phần mềm trong nước, thay thế cho các bộ công cụ gây nhiều tranh cãi của Huawei và ZTE.
Mỹ đề xuất đầu tư một tỉ USD cho công nghệ chống lại Huawei - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Dẫn đầu bởi Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mark Warner, người sáng lập công ty mạng vô tuyến Nextel, nhóm này đề xuất đưa ra các quy định mới yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đầu tư ít nhất 750 triệu USD vào các công nghệ O-RAN. 

Số tiền lấy từ tiền bán đấu giá phổ tần số và được quản lý bởi Cục Viễn thông và Thông tin quốc gia (NTIA).

Theo đề xuất, Mỹ cũng sẽ thành lập Quỹ bảo mật viễn thông đa phương trị giá 500 triệu USD để tăng tốc "việc áp dụng các thiết bị an toàn và đáng tin cậy trên toàn cầu". Điều này sẽ được mở cho các đối tác nước ngoài.

Các biện pháp khác bao gồm xây dựng "kế hoạch chuyển đổi" cho các nhà mạng chuyển sang công nghệ O-RAN. 

Các nhà hoạch định chính sách cũng muốn thấy Mỹ đóng vai trò nổi bật hơn trong các cơ quan tiêu chuẩn quốc tế và thúc đẩy sự hài hòa trong phân bổ phổ tần số với các đối tác quốc tế nhằm giảm chi phí khi thay thế các thiết bị của Huawei.

Kế hoạch triệt để này sẽ mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến chống lại Huawei và ZTE, hai công ty mà chính quyền Mỹ coi là gian lận thương mại và là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Mỹ đang áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với Huawei và buộc tội bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc Tài chính của công ty lừa dối tổ chức tài chính về hoạt động của Huawei ở Iran. Kể từ cuối năm 2018, bà bị quản thúc tại Canada, chờ đợi khả năng dẫn độ về Mỹ.

Các nhà cung cấp dịch vụ lớn của Mỹ được cảnh báo không sử dụng Huawei hoặc ZTE từ năm 2012 khi báo cáo của chính phủ lần đầu tiên xác định họ là mối nguy hại đối với an ninh. 

Chính quyền Tổng thống Donald Trump thực hiện cuộc chiến trên khắp thế giới, kêu gọi chính phủ các nước khác loại trừ các nhà cung cấp Trung Quốc khỏi thị trường 5G của họ.

Chiến dịch kêu gọi tẩy chay Huawei của Mỹ không đạt được kết quả như kỳ vọng, vì một phần do có ít lựa chọn khả thi để thay thế cho Huawei. 

Ở một số quốc gia, sự biến mất của Huawei sẽ có nguy cơ biến thị trường cơ sở hạ tầng di động thành một sự phân chia độc quyền giữa Ericsson và Nokia, hai đối thủ chính của Huawei.

Theo những người ủng hộ thì với kế hoạch này, nó đã làm tăng sự quan tâm của các công ty phát triển công nghệ O-RAN nhỏ hơn trong việc thúc đẩy các giao diện mở và phần cứng thay thế cho thiết lập truyền thống. 

O-RAN sẽ giúp các nhà khai thác sử dụng nhiều nhà cung cấp mạng truy cập vô tuyến (RAN) dễ dàng hơn, thay vì chỉ dựa vào một hệ thống, và nó sẽ giảm chi phí phần cứng. 

Vì vậy, các công ty phát triển công nghệ O-RAN nhỏ có thể là mối đe dọa tiềm tàng đối với các nhà phát triển công nghệ O-RAN lớn như Ericsson, Huawei và Nokia.

Tuy nhiên, các công ty phát triển công nghệ O-RAN như Altiostar, Mavenir và Parallel Wireless… đều có trụ sở tại Mỹ và rất nhỏ so với các nhà cung cấp lớn trên thế giới, trong khi đó thị trường O-RAN vẫn thiếu sự hỗ trợ về tài chính.

Mark Warner và các đồng nghiệp của ông rõ ràng hy vọng sẽ thay đổi điều đó với động thái lập pháp trong tuần này. 

Thượng nghị sĩ Bob Menendez, thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, phát biểu: "Dự luật này, sẽ cung cấp cho chính phủ Mỹ các nguồn lực để giúp khu vực tư nhân tạo ra các lựa chọn thay thế 5G khả thi và đây là một bước đi dài hạn, đúng hướng".

"Như tôi đã nói đi nói lại, đối đầu với Trung Quốc không giống như cạnh tranh với Trung Quốc. Đã đến lúc chúng ta làm điều đó", ông nói thêm.

Là một trong những công ty phát triển công nghệ O-RAN, có thể hưởng lợi từ kế hoạch này, Steve Papa - CEO của công ty Parallel Wireless đã đưa ra nhận định: "Một trong những vấn đề lớn nhất cho ngành viễn thông là sự thống trị của những công ty khổng lồ như Huawei, công ty có công nghệ tập trung vào phần cứng và không tương thích với công nghệ của các nhà cung cấp khác. 

Ngành công nghiệp cần các giải pháp tương thích ngược, thống nhất tất cả các thế hệ kết nối, điều mà chính phủ Mỹ hiện đang theo đuổi với thông báo tài trợ mới nhất này."

Phát biểu về vấn đề này, Thượng nghị sĩ Marco Rubio, thành viên của Ủy ban Tình báo và Đối ngoại Thượng viện và là một nhà phê bình lâu năm về Huawei cho biết: "Chúng tôi không thể cho phép các công ty viễn thông thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc vượt qua các đối thủ cạnh tranh của Mỹ. 

Đó là vì lợi ích an ninh quốc gia của chúng tôi, đồng thời để hỗ trợ các công ty của Mỹ cạnh tranh trong thị trường 5G".

Đối với những người khác, câu hỏi đặt ra là liệu khoản đầu tư khoảng 1 tỷ USD có thể thực sự tạo ra một sự thay đổi lớn hay không, khi mà năm 2018 cả ba công ty Ericsson, Huawei và Nokia đã cùng nhau chi khoảng 24 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Ngoài ra, vào đầu tuần này, Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson, dưới áp lực của Mỹ trong việc loại trừ các nhà cung cấp Trung Quốc, cho biết những người kêu gọi lệnh cấm nên đưa ra các giải pháp thay thế phù hợp.

Động thái mới nhất của Mỹ được đưa ra vài tháng sau khi một nhóm Nghị sĩ thuộc hai đảng đề nghị đưa ra khoản hỗ trợ 1 tỷ USD cho các nhà khai thác viễn thông của Mỹ để loại thiết bị của Huawei ra khỏi mạng của họ. 

Trong khi các nhà mạng lớn của Mỹ đã tránh xa các nhà cung cấp Trung Quốc, nhiều nhà khai thác nhỏ hơn, thường phục vụ các cộng đồng nông thôn, đã trở nên phụ thuộc rất nhiều vào Huawei.

Phan Văn Hòa

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.