|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ có thừa cách để thay thế trần nợ công nhưng không chịu dùng

19:27 | 06/10/2021
Chia sẻ
Hầu hết quốc gia trên thế giới không có trần nợ nhưng thế giới cũng ít khi vỡ nợ. Do đó Mỹ có khá nhiều mô hình để tham khảo nếu muốn kiểm soát chi tiêu mà không phải trải qua cơn đau đầu định kỳ về giới hạn nợ.
Mỹ có thừa cách để kết liễu trần nợ nhưng không chịu dùng - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: The Hill).

Giống như một ngôi sao báo điềm gở, các cuộc tranh luận về trần nợ một lần nữa lại ập đến Washington. Và mọi người, từ các nhà kinh tế cho đến người dân bình thường, đều đã phát nản trước việc các đảng phái dọa dẫm nhau trong cuộc khủng hoảng mà chính họ tạo ra.

Vậy sao Mỹ không xóa bỏ trần nợ?

Theo trang Quartz, trần nợ được tạo ra một thế kỷ trước để Quốc hội chỉ cần thảo luận về nợ chính phủ khi đạt đến một ngưỡng nhấn định chứ không phải phê chuẩn từng đợt phát hành trái phiếu. Công cụ được tạo ra để đẩy nhanh quá trình vay nợ giờ lại thường xuyên được dùng để tạo sức ép lên chính phủ.

Ông Philip Wallach, nhà nghiên cứu cao cấp tại American Enterprise Institute đánh giá: "Thật điên rồ khi chúng ta cứ tiếp tục trò chơi hù dọa thế giới rằng Mỹ sẽ đẩy hệ thống tài chính toàn cầu rơi vào hỗn loạn với việc không thanh toán nợ".

Mỹ nên kết liễu trần nợ

Ông Donald Marron, Giám đốc Sáng kiến Chính sách Kinh tế tại Urban Institute cho biết vấn đề chính của trần nợ là nó tách rời với các quyết định thực sự về chi tiêu và đánh thuế - vốn được đưa ra trong quá trình lập ngân sách.

Đầu tiên, Quốc hội phê chuẩn chi tiêu chính phủ thông qua ngân sách. Vài tháng sau, trận chiến trần nợ bắt đầu và các nhà lập pháp chớp thời cơ để đặt nghi vấn về các chi tiêu đã được tán thành từ trước.

"Việc này giống như dùng thẻ tín dụng rồi không chịu trả tiền vào cuối tháng", ông Jacob Kirkegaard, nhà nghiên cứu cấp cao tại viện nghiên cứu chính sách công German Marshall Fund mô tả. "Đây là trò lạm dụng quyền lực chính trị".

Mỹ có thừa cách để thay thế trần nợ công nhưng không chịu dùng - Ảnh 2.

Trần nợ của Mỹ hiện nay là 28.400 tỷ USD.

Giải pháp để thoát khỏi rắc rối khó ưa này là xóa sổ trần nợ. Thay vào đó, các nhà lập pháp Mỹ có thể đàm phán và tranh cãi về chi tiêu trong quá trình lập ngân sách – giống như quy trình tại nhiều quốc gia khác.

Ông Wallach cho biết: "Cơ quan lập pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới không hề can dự vào việc phát hành nợ. Họ ra quyết định chi tiêu và đánh thuế, sau đó bảo bộ tài chính: "Giờ các vị hãy tìm cách để tài trợ cho chính phủ". Tôi không hề nghĩ điều này có gì lạ lùng".

Việc xóa bỏ trần nợ là hành động hợp pháp. Ông Wallach chỉ ra một nội dung của Hiến pháp Mỹ có vẻ gợi ý rằng Quốc hội không thể từ bỏ trách nhiệm giám sát nợ. Nhưng ông David Super, Giáo sư luật tại Đại học George Washington nói với tờ Washington Post rằng ngày nay các đảng viên Dân chủ có thể loại bỏ trần nợ một cách hợp hiến thông qua quy trình điều chỉnh ngân sách.

Thay vào đó, Quốc hội có thể tập trung vào thông qua thâm hụt ngân sách của chính phủ. Nhà nghiên cứu Kirkegaard lấy ví dụ rằng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) không được để thâm hụt vượt quá 3% GDP. Vậy nên Đức có "phanh thâm hụt" để ngăn chính phủ chi tiêu quá nhiều trong giai đoạn bình thường, nhưng quy định này có thể được bỏ qua trong thời kỳ suy thoái.

Cách để vô hiệu hóa trần nợ

Đan Mạch là một trong số quốc gia hiếm hoi có trần nợ. Trần nợ được đặt ra vào năm 1993 chỉ nhằm phục vụ mục đích hành chính. Rồi đến năm 2010, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, Đan Mạch đã biến trần nợ thành vô dụng gần như chỉ sau một đêm.

Nhận ra rằng đất nước cần phải chi tiêu mạnh tay để thoát khỏi suy thoái, Quốc hội Đan Mạch đã tăng gấp đôi trần nợ từ 950 tỷ krone (170 tỷ USD) lên 2.000 tỷ krone (360 tỷ krone). 

Trần nợ mới cách quy mô nợ thực tế của Đan Mạch lớn đến mức nó chẳng còn nghĩa lý gì. Đến tận bây giờ, Đan Mạch vẫn chưa chạm trần nợ đặt ra năm 2010. Nhà nghiên cứu Kirkegaard cho biết quyết định này được đưa ra để đảm bảo trần nợ "không bao giờ có thể được sử dụng làm vũ khí chính trị như ở Mỹ".

Tại Mỹ, nhiều chuyên gia chính sách cũng coi mô hình Đan Mạch là lối thoát khả dĩ. (Một cách khác là in đồng xu 1.000 tỷ USD). Ông John Yarmuth, Chủ tịch Ủy bang Ngân sách Hạ viện cũng có kết luận giống như vậy.

Trước mặt các phóng viên, ông Yarmuth nói rằng ông muốn "nâng trần nợ lên con số khổng lồ mà Mỹ sẽ không bao giờ chạm đến". Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng "giải pháp này có lẽ là không khả thi về mặt chính trị".

Chỉnh sửa trần nợ

Trần nợ cũng được thiết kế một cách khá sơ sài. Giám đốc Sáng kiến Chính sách Kinh tế Marron chỉ ra rằng thay vì đặt theo một con số tuyệt đối (hiện là 28.400 tỷ USD), có lẽ trần nợ nên được thể hiện dưới dạng tỷ lệ của GDP hay một chỉ số khác biến đổi theo thời gian.

Ý tưởng này được bàn luận sôi nổi vào khoảng 10 năm trước, ông Marron cho biết. "Nhưng rồi quy trình đình chỉ trần nợ" – thói quen gần đây của chính phủ trong việc né tránh vấn đề trần nợ bằng cách hoãn nó trong mỗi hai năm – "đã gạt đi rất nhiều cuộc thảo luận đó".

Hệ số nợ trên GDP không hẳn là hoàn hảo, vì lãi suất thay đổi có thể làm lệch hệ số, ông Marron chỉ ra.

Một biện pháp thường xuyên được thảo luận khác là biến trần nợ thành "bán tự động". Trong kịch bản này, trần nợ sẽ tự động phản ứng theo những thay đổi trong chu kỳ kinh doanh – ví dụ như thay đổi trong GDP hay dữ liệu việc làm.  

"Phanh thâm hụt" của Đức được điều chỉnh theo kiểu này, nhằm cho phép chính phủ dễ dàng tăng tốc chi tiêu trong suy thoái. Nhà nghiên cứu Philip Wallach kết luận: "Bạn có thể viết một công thức rồi ban hành nó thành luật hoặc thậm chí là Hiến pháp. Bổ sung toán học vào Hiến pháp có thể nghe hơi buồn cười, nhưng nó chắc chắn không phải là vấn đề rắc rối".

Giang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.